Sơn La: Giám đốc "gàn dở" leo lên núi trồng sâm Ngọc Linh, khi nghe tin vui ai cũng phục sát đất

Quốc Tuấn Thứ ba, ngày 29/06/2021 06:00 AM (GMT+7)
Một ngày cuối tháng 6, mưa bắt đầu nhiều hơn, nhận điện thoại của anh bạn đồng nghiệp “Bận gì không. Sáng mai ngược núi sâm “Quốc bảo” nhé. Còn nhớ “gã gàn” trồng sâm Ngọc Linh gần 2 năm trước không. Cây gieo bằng hạt và trồng bằng cây giống lên rất tốt. Qua kiểm định sâm củ tương đương với sâm Việt Nam…Đúng là 1 kỳ tích”.
Bình luận 0

Clip: Tỉnh Sơn La đã trồng thành công sâm Ngọc Linh.

Gàn dở mới trồng sâm Ngọc Linh

"Gã gàn" mà anh bạn đồng nghiệp nhắc tới ở trên là cách gọi của mọi người khi nhắc tới ông Nguyễn Chí Long, Giám đốc Công ty TNHH MTV đầu tư xây dựng Thành Long, thị trấn Hát Lót (huyện Mai Sơn, tỉnh Sơn La), người từng bị coi là gàn dở khi "chôn" xuống đất hàng chục tỷ đồng với quyết tâm sẽ trồng thành công loại cây được coi là "Quốc bảo" (sâm Ngọc Linh-PV) nơi vùng núi cao Sơn La.

Trở lại câu chuyện gieo trồng sâm Ngọc Linh của "gã gàn" cách đây gần 2 năm, khi đó những ai biết được kế hoạch trồng sâm Ngọc Linh của "gã gàn" đều lắc đầu cười và không tin loại cây dược liệu quý được coi là cây "Quốc bảo" lại có thể trồng được thành công trên vùng đất Sơn La

Đặc biệt sâm Ngọc Linh lại còn gieo trồng bằng hạt !? Bởi khi nói đến cây sâm Ngọc Linh, nó như một thứ xa xỉ và quá cao xa. 

Và cũng để cây sâm Ngọc Linh sống được ở vùng đất Sơn La, ngoài việc đòi hỏi kỹ thuật, công chăm sóc thì vấn đề vốn đầu tư và thời gian cũng là câu chuyện đáng để phải nghĩ tới mà không phải ai cũng dám đầu tư.

Ngược núi xem cây “Quốc bảo” trên đỉnh Sam Ta - Ảnh 2.

Công đoạn phủ đất lên sau khi đã gieo xong hạt giống sâm Ngọc Linh tại bản Sam Ta (xã Chiềng Chung, huyện Mai Sơn, tỉnh Sơn La). Ảnh: Quốc Tuấn.

Chả thế, khi thấy "gã gàn" nhiều năm trời ngược xuôi như kẻ du mục từ Sơn La vào những vườn sâm gốc trên tít rừng sâu Ngọc Linh của tỉnh Quảng Nam để học cách trồng và sau đó bị cây sâm Ngọc Linh hút hồn như vậy, cùng là cánh doanh nghiệp với nhau ở trong tỉnh Sơn La và ngoài tỉnh lại tiếp tục góp ý với những lời khuyên ngăn chân thành, góp ý trực tiếp cũng có, bằng điện thoại hay tin nhắn đủ cả. 

Ngược núi xem cây “Quốc bảo” trên đỉnh Sam Ta - Ảnh 3.

Vào ngày 29/11/2019, những hạt giống sâm Ngọc Linh đầu tiên được gieo xuống tại khu tổ hợp nhà lưới tại bản Sam Ta. Ảnh: Quốc Tuấn.

Thậm chí có cả các lãnh đạo thuộc những sở ngành của tỉnh Sơn La cũng gọi điện bảo đừng làm vì chưa có ai đi trước để rút kinh nghiệm. 

Bởi theo họ cứ làm xây dựng với chức năng nhiệm vụ đang có thì sẽ là tiền tươi thóc thật, chứ đầu tư vào cây sâm Ngọc Linh trên vùng đất còn đầy dấu hỏi chấm chẳng khác bị bịt mắt mò mẫm một mình trong những cách rừng nguyên sinh chưa dấu chân người. 

Bởi theo những lời khuyên chân thành đó "trồng sâm Ngọc Linh bằng hạt thì ít nhất cũng phải 8 năm mới cho thu hoạch củ, thậm chí là 10 năm và chưa biết chất lượng củ khi đó có đảm bảo không. Trong khi việc trồng sâm Ngọc Linh như vậy chính là một sự đánh đổi đầy mạo hiểm".

Ngược núi xem cây “Quốc bảo” trên đỉnh Sam Ta - Ảnh 4.

Sau 1 năm gieo hạt, tỷ lệ hạt nẩy mầm đạt trên 90%, điều mà nhiều người không nghĩ có thể đạt cao được như vậy khi gieo hạt sâm Ngọc Linh tại Sơn La. Ảnh: Quốc Tuấn.

Tiếp tục bỏ ngoài tai và chỉ cười trừ trước những lời khuyên can thực tâm của mọi người, suốt từ năm 2009 "gã gàn" mua hàng nghìn cây giống sâm Ngọc Linh 1 năm tuổi "bí mật" mang lên các cánh rừng của Sơn La trồng cho đến thời điểm công khai xuống hạt vào cuối năm 2019, "gã gàn" vẫn quyết tâm đốt cháy ý tưởng "bắt cây sâm Ngọc Linh sống được ở Sơn La", nơi mà chưa ai từng dám đầu tư tiền của, công sức để thử sức một lần.

Thế rồi, suốt từ năm 2009 đến thời điểm cuối năm 2019, "gã gàn" đã lang thang, ăn ngủ khắp các cánh rừng của Sơn La để trồng thử cây giống 1 năm tuổi từ huyện biên giới Sông Mã, Sốp Cộp hay vùng cao Bắc Yên, Thuận Châu.., cuối cùng "gã gàn" cũng đã dừng chân ở bản Sam Ta của huyện Mai Sơn để thử sức với cây sâm Ngọc Linh. 

Đó là một bản vùng cao, nằm cheo leo trên những đỉnh núi quanh năm mây mù bao phủ với điểm cao nhất là 2.000m so với mặt nước biển. Tuy nhiên, số lượng hàng nghìn cây giống "gã gàn" cất công mang từ tận Quảng Nam về trồng cũng chỉ còn lại gần 20% cây. Bởi do trồng trong các cánh rừng sâu không ai trông coi nên đã bị nhổ trộm...

Ngược núi xem cây “Quốc bảo” trên đỉnh Sam Ta - Ảnh 6.

"Gã gàn" Nguyễn Chí Long tại khu vực vườn sâm gốc của huyện Nam Trà My, tỉnh Quảng Nam năm 2009. Ảnh: Nhân vật cung cấp.

Với mục tiêu trồng dược liệu không để ảnh hưởng đến diện tích rừng tự nhiên, "gã gàn" đã chọn những khu vực đất trống, đồi chọc và những khu chỉ là rừng chuối, lau lách để làm khu trồng thử nghiệm và đánh giá hiệu quả. 

Sau nhiều năm trước đó đã đúc rút được kinh nghiệm khi mua cây giống về trồng dưới tán các cánh rừng của Sơn La kết hợp việc mời thêm chuyên gia về sâm Ngọc Linh tư vấn, "gã gàn" đã đưa sâm Ngọc Linh về sống được ở Sơn La bằng cách gieo trồng bằng hạt. 

Song hành với đó, "gã gàn" còn trở lại những nơi từng trồng cây giống 1 năm tuổi từ năm 2009 để mang về trồng tập trung tại Sam Ta làm cơ sở đánh giá...

Thành quả của sự "gàn dở"

6h sáng hôm sau, khi ánh nắng của những ngày tháng 6 đã ngự trị khắp những cánh rừng Sơn La cũng là lúc chúng tôi ngược núi với những đoạn đường đất lẫn sỏi đá cùng những "ổ gà, ổ trâu" quanh co không phải ai cũng dám ngồi sau vô lăng để hướng về đỉnh Sam Ta xem thành quả của "gã gàn" với cây "Quốc bảo".

Gần 1 tiếng đồng hồ "gầm gừ" vật lộn cùng chiếc xe Toyota Land Cruiser với những đoạn đường đất nhỏ hẹp chỉ thấy ngược lên mà không thấy xuống, chúng tôi cũng đã có mặt tại khu trồng sâm Ngọc Linh… Mở cửa xuống xe một luồng gió mát lạnh ùa vào khiến mấy người trên xe đều buột miệng bởi cảm giác thật dễ chịu và sảng khoái...

Ngược núi xem cây “Quốc bảo” trên đỉnh Sam Ta - Ảnh 7.

Một trong ba tổ hợp nhà lưới trồng thành công sâm Ngọc Linh tại bản Sam Ta. Ảnh: Quốc Tuấn.

Sau một hồi hít hà không khí trong lành, đón nhận những luồng gió mát lạnh cùng tiếng chim rừng ríu rít khắp cánh rừng, "gã gàn" cùng mấy công nhân đã dẫn chúng tôi hướng về khu trồng sâm Ngọc Linh.

Khu trồng sâm Ngọc Linh là những dãy nhà lưới được dựng lên rất chắc chắn bằng khung sắt, muốn vào được bên trong phải có chìa khóa để mở. 

Chỉ tay về khu nhà lưới, "gã gàn" giới thiệu "Phải làm chắc chắn như thế để chống gió bão, toàn bộ bao xung quanh có 2 lớp gồm lưới sắt mặt trong và bên ngoài được quây bằng loại lưới chuyên dụng chịu được nắng, mưa rất cẩn thận, đến chuột cũng không thể chui vào được".

Ngược núi xem cây “Quốc bảo” trên đỉnh Sam Ta - Ảnh 8.

Những cây sâm Ngọc Linh từ 2 năm-7 năm tuổi tại bản Sam Ta phát triển rất tốt. Ảnh: Quốc Tuấn.

Dừng chân tại 1 trong 3 tổ hợp nhà lưới rộng khoảng 500m2 với những luống sâm Ngọc Linh 2 năm tuổi xanh mướt, "gã gàn" bảo: "Toàn bộ khu này là 2.700 cây, đều được gieo bằng hạt từ tháng 11/2019, tỷ lệ thành cây trên 90%. 

Không chỉ khu này mà còn mấy tổ hợp nhà lưới bên kia còn khoảng 6.000 cây cũng đều là cây từ 2 năm – 7 năm tuổi. Ngày xuống đất, gieo hạt, nhiều người, trong đó có tôi cũng không đủ tự tin nghĩ tỉ lệ cây nẩy mầm cao như vậy. Quãng thời gian chờ hạt nẩy mầm cũng mất ăn, mất ngủ với nó nhiều lắm. Sơ sơ cũng quẳng vào đó rất nhiều tiền để có được kết quả bước đầu như vậy".

Ngược núi xem cây “Quốc bảo” trên đỉnh Sam Ta - Ảnh 9.

Những cây sâm Ngọc Linh 5 năm tuổi trồng từ cây giống cũng phát triển rất tốt sau khi được mang về trồng tại bản Sam Ta. Ảnh: Quốc Tuấn.

Theo báo giá của một công ty chuyên về trồng sâm Ngọc Linh tại huyện Nam Trà My của Quảng Nam:

Sâm hàng 1 (10 củ-15 củ/kg): 220 triệu đồng-280 triệu đồng/kg

Sâm hàng 2 (20 củ-25 củ/kg): 150 triệu đồng-180 triệu đồng/kg

Sâm hàng 3 (30 củ-35 củ/kg): 110 triệu đồng-150 triệu đồng/kg

Sâm hàng 4-5-6: 50 triệu đồng-100 triệu đồng/kg

Cây giống sâm Ngọc Linh: 400k/cây

Hạt giống: Không có

Lá hoa sâm Ngọc Linh: Không có

Dịch vụ lên vườn sâm: 1 triệu đồng/pax

"Cây phát triển rất tốt, như cây gần 2 năm tuổi nhổ lên đã cho củ bằng ngón tay cái, ngoài dự tính ban đầu. Gửi mẫu cây và củ gieo bằng hạt và cây trồng từ năm 2009 về Viện Dược liệu, Trung tâm Ứng dụng KHCN Dược liệu được đánh giá chất lượng rất tốt, đảm bảo đủ các tiêu chuẩn của sâm Ngọc Linh. Bởi trồng thành công sâm Ngọc Linh là một chuyện, nhưng cái quan trọng hơn nữa lại chính là định tính, định lượng trong củ sâm trồng ở Sơn La. Vậy là ông trời đã không phụ lòng mình..!". "Gã gàn" phấn khởi ra mặt khi nói vậy.

Tiếp tục rảo bước đến các khu trồng sâm Ngọc Linh được tách nhổ ra từ vườn gieo bằng hạt và những luống được trồng bằng cây giống 1 năm tuổi tại các cánh rừng từ năm 2009 càng thấy được công sức của "gã gàn" đã "ném" xuống đất nhiều như nào. Những luống sâm Ngọc Linh được gieo trồng bằng hạt xanh mướt, chắc khỏe bao nhiêu thì những cây sâm Ngọc Linh được đánh về từ các cánh rừng cũng mập mạp, xanh tốt không kém phần. Thậm chí, nhiều cây còn đã nở hoa khi đang mang trên mình những chùm hoa hình tán đơn mọc dưới các lá thẳng với thân và cuống kèm theo mấy tán phụ, một trong những đặc trưng riêng có của cây "Quốc bảo"…

Ngược núi xem cây “Quốc bảo” trên đỉnh Sam Ta - Ảnh 11.

Sâm Ngọc Linh trồng tại bản Sam Ta đã ra nụ. Ảnh: Quốc Tuấn.

Thấy tôi cứ há hốc mồm theo lời giới thiệu của "gã gàn", anh bạn đồng nghiệp ghé tai bảo: "Toàn bộ khu này đang có người trả gấp ba sau khi biết chất lượng sâm củ ở đây tương đương như sâm Ngọc Linh trồng ở Quảng Nam và Kon Tum, nhưng "gã gàn" vẫn lắc đầu đấy. Không phải vì chê ít tiền mà bởi "gã gàn" muốn nhân rộng để hướng tới mục tiêu ai cũng có thể trồng được sâm Ngọc Linh và người nghèo cũng có thể dùng được sâm Ngọc Linh chứ không phải người có tiền mới mua được".

Ngược núi xem cây “Quốc bảo” trên đỉnh Sam Ta - Ảnh 12.

Trong khu trồng sâm Ngọc Linh tại bản Sam Ta còn có những cây sâm được trồng từ năm 2009 khi mới là cây giống 1 năm tuổi tại các cánh rừng của Sơn La. Ảnh: Quốc Tuấn.

Đúng như lời anh bạn đồng nghiệp đã chia sẻ, bởi sau khi xác định được chất lượng sâm củ trồng ở Sơn La rất tốt, "gã gàn" đã nuôi quyết tâm sẽ đưa cây sâm Ngọc Linh thành cây trồng mà người dân các xã vùng cao khó khăn của Sơn La có thể dựa vào đó để nâng cao thu nhập. Trước mắt tại bản Sam Ta, sẽ hỗ trợ miễn phí cây giống 1 năm tuổi cho toàn bộ mấy chục nóc nhà trong bản để trồng...

Ngược núi xem cây “Quốc bảo” trên đỉnh Sam Ta - Ảnh 13.

Công ty TNHH MTV đầu tư xây dựng Thành Long đã có đề xuất với tỉnh, huyện Mai Sơn về kế hoạch hỗ trợ cây giống 1 năm tuổi cho người dân bản Sam Tam trồng, hướng tới việc người dân vùng cao Sơn La thêm thu nhập từ cây Sâm Ngọc Linh. Ảnh: Quốc Tuấn.

Còn nhớ hôm trên vườn sâm Ngọc Linh, sau khi nhổ thử mấy cây 2 năm và 3 năm tuổi lên để cùng các cán bộ kỹ thuật đánh giá kích cỡ củ được gieo bằng hạt và cây giống, "gã gàn" bảo: "Đây là thành công bước đầu và cũng là cơ sở để khẳng định cây sâm Ngọc Linh có thể trồng được ở vùng đất Sơn La. 

Cũng phải nói thật, nếu tỉnh Sơn La không có chủ trương khuyến khích, tạo điều kiện cho việc phát triển cây dược liệu, trong đó có cây sâm Ngọc Linh thì sao có được thành quả như ngày hôm nay. Bởi có ý tưởng, có tiền cùng điều kiện thiên nhiên thuận lợi.., nhưng nếu không có sự đồng hành của cấp ủy, chính quyền tỉnh Sơn La thì khó có thể phát triển được các vùng trồng dược liệu quy mô lớn".

Định hướng cho cây sâm "Quốc bảo"

Trên đỉnh Sam Ta xoay quanh chủ đề về cây sâm Ngọc Linh, câu chuyện của chúng tôi đã ngược về thời điểm tháng 9/2018 tại tỉnh Kon Tum-thời điểm rất nhiều cơ quan báo chí và truyền hình đã đăng tải sự kiện này. 

Đây là thời điểm diễn ra Hội nghị về đầu tư phát triển sâm Ngọc Linh và các dược liệu khác với sự có mặt của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc (hiện tại Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc là Chủ tịch nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam). 

Khi đó, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã khẳng định: Chúng ta có thể đưa "Quốc bảo" sâm Ngọc Linh thành "Quốc kế dân sinh", là hy vọng mới của Việt Nam trong ngành dược liệu và thực phẩm chức năng, hiện là lĩnh vực cạnh tranh quyết liệt giữa những quốc gia tiên tiến như Nhật Bản, Hàn Quốc, Hoa Kỳ và cả Trung Quốc…

Thậm chí, 63 tỉnh, thành phố trong cả nước đều có thể phát triển dược liệu với 5.000 loại cây, con, sinh vật biển, khoáng vật làm thuốc, không chỉ để chữa bệnh mà còn làm giàu…

Ngược núi xem cây “Quốc bảo” trên đỉnh Sam Ta - Ảnh 3.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, hiện là Chủ tịch nước CHXHCN Việt Nam phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị phát triển sâm Ngọc Linh Kon Tum và các dược liệu khác. Ảnh: Thống Nhất-TTXVN.

Kết luận tại hội nghị này, thể hiện sự tâm huyết đối với phát triển ngành dược liệu Việt Nam, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng nhấn mạnh đến những tinh hoa mà trời đất ban tặng cho quốc gia có ¾ diện tích rừng núi như Việt Nam-nơi đã sinh ra các danh y nổi tiếng thế giới như Tuệ Tĩnh, như Hải Thượng Lãn Ông. 

Do đó, Thủ tướng cho rằng, việc phát triển ngành dược liệu, ngành thực phẩm chức năng dựa trên các tinh hoa đó chính là trách nhiệm lịch sử, là sự khẳng định bản sắc và tinh thần dân tộc trong bối cảnh toàn cầu hoá, trong đó có ngành dược liệu và các địa phương trong cả nước...  

Ngược núi xem cây “Quốc bảo” trên đỉnh Sam Ta - Ảnh 4.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và các đại biểu xem các gian hàng trưng bày sản phẩm tại triển lãm về sâm Ngọc Linh Kon Tum và các dược liệu khác. Ảnh: Thống Nhất-TTXVN.

Theo Thủ tướng, sâm Ngọc Linh là niềm tự hào của dân tộc Việt Nam chúng ta, khi từ tinh hoa của đất mẹ có thể tìm ra những sản phẩm phục vụ phát triển con người, được sự tin dùng của quốc tế bởi những giá trị độc đáo, hứa hẹn đem đến cho chúng ta lợi thế cạnh tranh về chất lượng so sánh với cả những nước mà trình độ phát triển cao hơn Việt Nam. 

Điều này là vô cùng đặc biệt, vừa là thách thức, đồng thời cũng là niềm cảm hứng kiến tạo của Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ…

Ngược núi xem cây “Quốc bảo” trên đỉnh Sam Ta - Ảnh 17.

Ông Lò Minh Hùng, Phó Bí thư Thường trực tỉnh ủy Sơn La (thứ 2 từ phải qua) và ông Nguyễn Thành Công, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Sơn La (thứ 4 từ phải qua) kiểm tra việc trồng sâm Ngọc Linh tại bản Sam Ta. Ảnh: Quốc Tuấn.

Đánh giá về tiềm năng phát triển cây dược liệu ở Sơn la, trong đó có cây sâm Ngọc Linh, ông Nguyễn Thành Công, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Sơn La, khẳng định: "Qua thực tế doanh nghiệp trồng cho thấy cây sâm Ngọc Linh có thể phát triển tốt ở Sơn La, nhất là tại địa bàn có điều kiện tự nhiên thuận lợi và độ cao trên 1.600m so với mặt nước biển của bản Sam Ta. Qua thực tế đánh giá cho thấy chất lượng sâm củ trồng ở Sam Ta có chất lượng tương đương như sâm Việt Nam...".

"Chủ trương của tỉnh Sơn La luôn khuyến khích và ủng hộ các tập thể, cá nhân phát triển các vùng trồng cây dược liệu, đặc biệt là cây sâm Ngọc Linh. Bởi việc trồng thành công cây sâm Ngọc Linh như vậy không chỉ tạo thu nhập về kinh tế mà còn góp phần giữ được vốn rừng, hạn chế được các tác động xấu đến rừng khi trồng cây dược liệu quý này dưới tán rừng thay vì phải phá rừng làm nương như một số nơi...", ông Nguyễn Thành Công khẳng định.

Ông Nguyễn Thành Công cho biết, trước đó, lãnh đạo tỉnh Sơn La và đoàn công tác đã trực tiếp lên kiểm tra, đánh giá về mô hình trồng sâm Ngọc Linh tại bản Sam Ta của Công ty TNHH MTV đầu tư xây dựng Thành Long. 

Quan điểm của tỉnh là ủng hộ cách làm của doanh nghiệp. Sau khi có kết quả đánh giá, khảo nghiệm từ phía các cơ quan chuyên môn, tỉnh Sơn La sẽ đề xuất nhân rộng mô hình này theo quy mô lớn. Đồng thời, sẽ giao cho các cơ quan chuyên môn chuẩn bị các thủ tục theo đúng quy định để tiến tới xây dựng thương hiệu cũng như chỉ dẫn địa lý cho củ sâm Ngọc Linh trồng tại bản bản Sam Ta của Sơn La...

"Làm được việc này là để tiến tới việc tăng diện tích và nhân rộng mô hình này, giúp đồng bào các dân tộc vùng cao làm giầu từ trồng dược liệu nói chung, cây sâm Ngọc Linh nói riêng", ông Nguyễn Thành Công, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Sơn La nói.

Ngược núi xem cây “Quốc bảo” trên đỉnh Sam Ta - Ảnh 18.

Củ sâm 3 năm tuổi được trồng tại bản Sam Ta, xã Chiềng Chung, huyện Mai Sơn. Ảnh: Quốc Tuấn.

Sơn La là một trong những tỉnh của vùng Tây Bắc có điều kiện tự nhiên, thổ nhưỡng phù hợp cho sự phát triển của nhiều loại cây dược liệu. 

Tuy nhiên, thực tế trong nhiều năm qua cho thấy việc trồng cây dược liệu chủ yếu mang tính tự phát, theo hình thức cá thể, sản xuất bằng kinh nghiệm và chưa theo định hướng cụ thể... dẫn đến năng suất, chất lượng sản phẩm còn nhiều hạn chế, chưa bắt kịp được với nhu cầu thị trường.

Ngược núi xem cây “Quốc bảo” trên đỉnh Sam Ta - Ảnh 19.

Bản Sam Ta là một trong những nơi của Sơn La được đánh giá phù hợp với trồng cây dược liệu, trong đó có sâm Ngọc Linh. Ảnh: Quốc Tuấn.

Theo như thống kê, tỉnh Sơn La có có khoảng 570 loài cây thuốc, trong đó nhiều loại dược liệu quý mọc trong tự nhiên, như: Đương quy, giảo cổ lam, cát cánh, sa nhân tím, thảo quả, actiso, ý dĩ, hồi, quế, đinh lăng, ba kích và các loại sâm...

Trong nhiều năm qua, tình trạng khai thác các loại dược liệu từ tự nhiên diễn ra rất phổ biến. Việc khai thác các loại dược liệu từ tự nhiên không chỉ ảnh hưởng đến rừng mà còn ảnh hưởng lớn đến sự phát triển của các loại dược liệu do cách thức khai thác ồ ạt, tận diệt…

Do vậy, để có thể đánh thức được tiềm năng dược liệu giàu và giá trị của Sơn La, trong đó có việc phát triển cây sâm Ngọc Linh và trở thành vùng trồng, chế biến dược liệu quý tập trung thì cần hơn cả là chiến lược quy hoạch vùng và sự ưu tiên phát triển cho lĩnh vực này.

Ngược núi xem cây “Quốc bảo” trên đỉnh Sam Ta - Ảnh 19.

Theo kết quả kiểm định của Viện Dược liệu, Trung tâm Ứng dụng KHCN Dược liệu đối với mẫu sâm củ 3 năm và 7 năm tuổi trồng tại bản Sam Ta có chất lượng tương đương như sâm Việt Nam. Ảnh: Quốc Tuấn.

Ông Nguyễn Việt Cường, Bí thư huyện ủy Mai Sơn, cho biết: "Huyện Mai Sơn khuyến khích các tổ chức, cá nhân, hộ gia đình tận dụng, khai thác thế mạnh về rừng, đất lâm nghiệp để phát triển kinh tế thông qua phát triển chăn nuôi đại gia súc và phát triển các loại cây dược liệu trồng dưới tán rừng. Trong đó, có cây sâm Ngọc Linh được ưu tiên tập trung phát triển ở những xã có điều kiện phù hợp...".

Bí thư huyện ủy Mai Sơn Nguyện Việt Cường khẳng định, huyện cũng đã cùng doanh nghiệp trình tỉnh cho chủ trương thực hiện dự án trồng sâm Ngọc Linh tại bản Sam Ta. Đồng thời, tuyên truyền bà con tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp triển khai dự án theo quy định của pháp luật; đồng ý thúc đẩy phát triển cây sâm Ngọc Linh nếu phát triển tốt và hướng tới xây dựng chuỗi liên kết trong việc trồng, chăm sóc, tiêu thụ sản phẩm sâm Ngọc Linh...

Ngược núi xem cây “Quốc bảo” trên đỉnh Sam Ta - Ảnh 19.

Sơn La là một trong những tỉnh vùng Tây Bắc được đánh giá có tiềm năng về trồng các loại cây dược liệu quý. Ảnh: Quốc Tuấn.

"Cây sâm Ngọc Linh là cây trồng mới được doanh nghiệp khảo nghiệm trồng thành công trên địa bàn huyện Mai Sơn. Cây sâm đòi hỏi yêu cầu cao về kỹ thuật trồng, chăm sóc, vốn đầu tư ban đầu và nguồn giống tương đối lớn. Việc nhân rộng trên địa bàn gặp khó khăn, do đó việc doanh nghiệp hỗ trợ giống, chuyển giao khoa học, kỹ thuật ban đầu cho người dân là rất cần thiết để hướng tới nhân rộng mô hình trồng sâm Ngọc Linh trên địa bàn", ông Nguyễn Việt Cường, Bí thư huyện ủy Mai Sơn, thông tin thêm.

Ngược núi xem cây “Quốc bảo” trên đỉnh Sam Ta - Ảnh 21.

Ông Nguyễn Việt Cường, Bí thư huyện ủy Mai Sơn, cho biết: Trong thời gian tới, sau khi doanh nghiệp hỗ trợ sâm giống cho các hộ ở bản Sam Ta, huyện Mai Sơn sẽ chỉ đạo các phòng, ban chuyên môn phối hợp để tập huấn, hướng dẫn kỹ thuật trồng, chăm sóc. Ảnh: Quốc Tuấn.

Còn nhớ hôm trên vườn sâm Ngọc Linh, sau khi nhổ 1 cây sâm 7 năm tuổi để lấy mẫu gửi về Hà Nội kiểm định chất lượng, "gã gàn" bảo: Trên thị trường, với củ sâm thời hạn 7 năm tuổi như thế này khoảng 20 triệu đồng, nhưng nếu Sơn La chúng ta mà nhân rộng được thì chỉ cần 10 triệu đồng thôi là bà con đã có thu nhập rất là cao rồi. 

"Không cần phải nhiều tiền, giảm giá thị trường, ai cũng có thể mua được. Những người dân nghèo cũng có thể mua được củ sâm Ngọc Linh như này về bồi dưỡng sức khỏe. Củ sâm này là củ sâm Việt Nam, không phải để dành cho người giầu, dành cho bất kể ai để bồi dưỡng sức khỏe…", ông Nguyễn Chí Long nói.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem