Chăm loại cây "nồi đồng cối đá" chả khá, dân một xã tên là Nam Ninh ở Lâm Đồng trồng sầu riêng lại giàu

Thứ sáu, ngày 26/04/2024 15:18 PM (GMT+7)
Việc thực hiện chuyển đổi cơ cấu cây trồng kém hiệu quả sang trồng các loại cây ăn trái đặc sản hiệu quả kinh tế cao như trồng sầu riêng không chỉ nâng cao thu nhập của người dân mà còn góp phần thúc đẩy kinh tế - xã hội của một xã vùng xa như Nam Ninh (huyện Cát Tiên, tỉnh Lâm Đồng) phát triển.
Bình luận 0

Trở lại xã Nam Ninh những ngày này, điều khiến chúng tôi ấn tượng nhất chính là những ngôi nhà mái ngói khang trang xen giữa vườn sầu riêng trĩu quả, xanh mướt mắt. 

Nhờ thực hiện chuyển đổi cơ cấu cây trồng đúng hướng, bức tranh kinh tế của xã Nam Ninh đã có những gam màu tươi sáng với nhiều đổi thay đáng kể.

Theo chân cán bộ Hội Nông dân xã Nam Ninh, huyện Cát Tiên (tỉnh Lâm Đồng) chúng tôi đến thăm mô hình vườn mẫu trồng sầu riêng rộng chừng 1 ha của gia đình anh Đặng Văn Tuấn, thôn Mỹ Bắc, xã Nam Ninh. 

Thời điểm này, gia đình anh đang tất bật với các công việc chăm sóc ở các khâu cuối cùng trước khi cắt trái sầu riêng xuất bán cho thương lái. 

Anh Tuấn cho biết, năm nay, sầu riêng được xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc nên rất có giá. Ngoài ra, vườn sầu riêng của anh cũng được tham gia liên kết và nằm trong một mã vùng trồng được chứng nhận chung nên thương lái tranh nhau tìm đến mua từ rất sớm. Dự kiến năm nay, vườn sầu riêng của anh sẽ mang lại nguồn thu nhập trên 500 triệu đồng cho gia đình.

Anh Tuấn chia sẻ, Nam Ninh là địa phương thuần nông nghiệp, đời sống của người dân chủ yếu dựa vào cây lúa, cây điều và phát triển chăn nuôi ở quy mô hộ gia đình. 

Mặc dù, đại đa số các hộ gia đình ở đây đều có quỹ đất canh tác lớn, tuy nhiên, do phần lớn diện tích đất được người dân canh tác là khu vực đồi núi, trước đây chỉ canh tác độc canh cây điều nên hiệu quả kinh tế mang lại rất thấp.

Chăm loại cây "nồi đồng cối đá" chả khá, dân một xã tên là Nam Ninh ở Lâm Đồng trồng sầu riêng lại giàu- Ảnh 1.

Các mô hình chuyển đổi cây trồng hiệu quả như chuyển từ trồng cây điều sang trồng sầu riêng trên địa bàn xã Nam Ninh (huyện Cát Tiên, tỉnh Lâm Đồng) cho hiệu quả kinh tế cao.

 Anh nhận thấy, so với các địa phương tương đồng về điều kiện tự nhiên như Đạ Huoai, Đạ Tẻh, người dân nơi đây đã chuyển đổi sang trồng các loại cây ăn trái rất nhiều và đã thành công. 

Chính vì vậy, sau một thời gian tìm tòi, học hỏi kinh nghiệm, năm 2017, anh Tuấn quyết định phá bỏ diện tích 1 ha điều và tiến hành cho máy múc cải tạo lại vườn cây; đồng thời, đào thêm ao để trữ tích nước phục vụ tưới tiêu.

Trên diện tích rộng 1 ha, anh Tuấn trồng hơn 200 cây sầu riêng, giống chủ yếu là Ri6 và Dona. Nhờ áp dụng thực hiện tốt các biện pháp hướng dẫn theo khoa học kỹ thuật nên vườn sầu riêng của anh Tuấn phát triển tốt, riêng năm 2022 cho thu bói nhưng đã đạt tổng thu nhập hơn 300 triệu đồng. 

Hiện nay, vườn sầu riêng của anh Tuấn cũng đã được UBND huyện Cát Tiên công nhận đạt chuẩn vườn mẫu; được cấp chung 1 mã số vùng trồng để phục vụ việc truy xuất nguồn gốc khi xuất khẩu.

Ông Phạm Văn Bình - Phó Chủ tịch UBND xã Nam Ninh chia sẻ, Nam Ninh là xã có địa hình khá phức tạp với các đồi núi thấp đan xen. Trước thực tế đó, cấp ủy, chính quyền xã đã nghiên cứu và căn cứ vào điều kiện tự nhiên, khí hậu, thổ nhưỡng để xác định các loại cây trồng chủ lực; trong đó, các loại cây ăn quả như sầu riêng, bưởi là hướng đi phù hợp. 

Từ đó, địa phương đã đẩy mạnh tuyên truyền, vận động người dân chuyển đổi diện tích đất canh tác kém hiệu quả sang sản xuất các loại cây trồng này. 

Mặt khác, từ năm 2020, cấp ủy, chính quyền xã Nam Ninh đã có chủ trương chuyển đổi cơ cấu cây trồng và đưa nội dung này vào Nghị quyết Đại hội Đảng bộ xã nhiệm kỳ 2020 - 2025. Đến nay, chuyển đổi cơ cấu cây trồng đã trở thành phong trào phát triển mạnh trên địa bàn xã.

Tính từ năm 2022 đến nay, xã Nam Ninh còn tổng diện tích cây điều là 1.071 ha, giảm 115 ha. Số diện tích này đã được người dân chuyển đổi sang các loại cây trồng như sầu riêng 41 ha, nâng tổng diện tích sầu riêng lên 60,15 ha; cam, quýt, bưởi, xoài, mít, vú sữa 4,2 ha, nâng tổng diện tích 14,55 ha; cao su 17 ha, nâng tổng diện tích 19,3 ha; cây lâm nghiệp 21,15 ha (dầu, gõ, cẩm lai, giáng hương); 10,3 ha cây nguyên liệu (tầm vông); keo 18,35 ha, nâng tổng diện tích 91,89 ha. Đối với cây sầu riêng, trên địa bàn xã Nam Ninh đã xây dựng và được cấp 6 mã số vùng trồng.

Với hiệu quả đem lại từ việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng đã giúp nhiều hộ dân trên địa bàn xã Nam Ninh nâng cao thu nhập, cải thiện cuộc sống. 

Theo kết quả rà soát, dự kiến đến hết tháng 6/2023, tỷ lệ hộ nghèo của xã giảm xuống còn 4,42%; trong đó, tỷ lệ hộ nghèo vùng đồng bào DTTS là 5,88%. Trong thời gian đến, UBND xã Nam Ninh sẽ tiếp tục chỉ đạo nhân dân tăng cường thăm ruộng, vườn để chủ động tuyên truyền, khuyến cáo các biện pháp phòng trừ sâu bệnh hại trên cây trồng, vật nuôi, áp dụng tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất...

Xã tập trung sản xuất nông nghiệp hàng hóa gắn với ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất, từng bước hình thành liên kết, liên kết chuỗi trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp. 

Đồng thời, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động nhân dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, tái cơ cấu nông nghiệp, thích ứng biến đổi khí hậu, cải tạo vườn hộ, vườn tạp, chuyển đổi những đồi điều kém hiệu quả sang trồng điều ghép, cây trồng hiệu quả kinh tế cao, ông Bình cho biết thêm.

Hoàng Sa (Báo Lâm Đồng)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem