dd/mm/yyyy

Nữ Bí thư chi bộ giỏi "bắt bệnh" cây, con giúp cả làng đồng bào dân tộc Châu Ro làm giàu nhanh

Với nhiều thành tích đặc biệt xuất sắc trong công tác và giúp dân làm giàu, chị Thổ Phương Thái đại diện cho đồng bào dân tộc Châu Ro ở thôn 7, xã Đức Tính, huyện Đức Linh (Bình Thuận) vinh dự ra Thủ đô dự Đại hội Đại biểu toàn quốc các dân tộc thiểu số lần thứ II năm 2020 ngày 4/12.
Nữ Bí thư chi bộ giỏi "bắt bệnh" cây, con giúp cả làng đồng bào dân tộc Châu Ro làm giàu nhanh - Ảnh 1.

Chân dung chị Thổ Phương Thái.

Giỏi việc nước...

Trong hai ngày ở Thủ đô, chị Thái tất bật gặp gỡ các đại biểu của 54 dân tộc vừa để trò chuyện, giao lưu vừa để học hỏi kinh nghiệm làm việc và tìm hiểu thêm các kiến thức hay trong sản xuất nông nghiệp để đưa về quê hương áp dụng giúp dân làm giàu.

"Lần đầu ra Thủ độ dự ngày hội lớn của các dân tộc, tôi thấy rất phấn khởi. Qua hai ngày ở Hà Nội tôi không chỉ được trải nghiệm không gian văn hóa ngàn năm văn hiến mà còn được gặp gỡ, giao lưu với các đại biểu 54 dân tộc anh em, mọi người giúp tôi học được rất nhiều kiến thức hay về văn hóa, sản xuất...", chị Thổ Phương Thái - Bí thư chi bộ thôn 7, xã Đức Tính nói.

Dù năm nay mới 36 tuổi nhưng chị Thái đã có kinh nghiệm gần chục năm làm công tác đoàn thể. Đặc biệt, chị Thái là người may mắn được đi học đến lớn 11/12 và là người có trình độ cao nhất ở trong thôn. Năm 2018, chị được tín nhiệm bầu làm Bí thư chi bộ thôn 7.

Khi được bầu làm Bí thư chi bộ, chị Thái định tự chối vì nghĩ là thân nư nhĩ "chân yếu, tay mềm", vừa chưa có kinh nghiệm trông công tác Đảng, nhưng được gia đình, bà con đồng bào động viên, được các cấp chính quyền hỗ trợ chị nhận nhiệm vụ.

Vừa làm, vừa học hỏi kinh nghiệm. Cứ thấy ở đâu có mô hình hay là chị lại tìm đến tận nơi để học hỏi. Khi đã có kinh nghiệm, Bí thư chi bộ người Châu Ro lại đưa về áp dụng, vận động bà con đồng bào quê mình làm theo.

Vừa "dân vận khéo", chị Thái vừa "3 cùng" (cùng ăn, cùng ngủ, cùng làm) với bà con để giúp đỡ, truyền đạt các kinh nghiệm áp dụng các tiến bộ kỹ thuật mới để bà con thôn mình trồng cây tiêu, điều, cao su và chăn nuôi bò hiệu quả hơn.

Thời điểm năm 2018, các vườn tiêu ở thôn dính bệnh chết hàng loạt khiến người dân bị thiệt hại nặng. Sau khi nghiên cứu và xin tư vấn từ các chuyên gia trồng trọt, chị Thái đã "bắt bệnh" cây nhanh và hướng dẫn dân điều chỉnh lại kỹ thuật trồng, chăm sóc, sử dụng thuốc trừ sâu, phân bón hiệu quả hơn.

Nhờ thế mà các vườn "vàng đen" của bà con được hồi phục dần, năng suất tiêu cũng nhờ thế mà đạt cao hơn, khi thu hoạch sản phẩm có doanh nghiệp đến tận nhà thu mua nên các hộ ở thôn 7 rất phấn khởi, ai cũng biết ơn Bí thư Thái.

Nữ Bí thư chi bộ giỏi "bắt bệnh" cây, con giúp cả làng đồng bào dân tộc Châu Ro làm giàu nhanh - Ảnh 3.

Chị Thổ Phương Thái chia sẻ kinh nghiệm làm công tác xã hội với các đại biểu các dân tộc bên lề Đại hội Đại biểu toàn quốc các dân tộc thiểu số lần thứ II năm 2020 diễn ra ở Hà Nội ngày 4/12.

Đảm việc nhà

Dấu ấn của chị Thái còn thể hiện ở lĩnh vực chăn nuôi gia súc lớn ở thôn 7. Từ ngày chị nhận công tác, chị đã hướng dẫn bà con phối giống bò lai sin để cải thiện vóc dáng, năng suất nuôi vỗ béo của đàn bò.

"Trước đây các con bò cỏ của chúng tôi thân hình nhỏ, chăn nuôi khó, sinh sản chậm 2 năm mới được 1 lứa nhưng giờ đàn bò của bà con đã được "lai sin hóa", thân hình to hơn, kháng bệnh tốt hơn và đặc biệt là bò sinh sản nhanh hơn 1 năm 1 lứa, hiệu quả kinh tế của các hộ tăng cao hơn nhiều so với các năm trước", chị Thái chia sẻ.

Hiện, toàn thôn 7 đã có đàn trâu, bò trên 250 con, có hộ cái vài con trâu, bò trị giá cả trăm triệu đồng. Thời điểm này, thôn 7 có 284 hộ với 1.302 nhân khẩu nhưng số hộ nghèo chỉ còn 15 hộ. Như vậy, so với cách đây mấy năm số hộ nghèo giảm trên dưới 60%.

Từ một thôn xuất phát điểm khó khăn, nghèo nhất, nhì của xã Đức Tính nay thôn 7 nổi lên như một điểm sáng, mô hình mẫu của địa phương. Hàng năm, bà con trong thôn đón hàng chục đoàn công tác trong và ngoài huyện đến học tập kinh nghiệm.

Chia sẻ kinh nghiệm trong công việc của mình, chị Thái bảo: "Làm công tác xã hội, công tác Đảng đối với đàn ông cũng rất khó khăn, đối với phụ nữ còn khó khăn hơn gấp nhiều lần. Nhưng chỉ cần mình có đam mê, nhiệt huyết thì việc gì cũng có thể làm được".

Chị Thái cho biết, để làm tốt công tác xã hội, thì việc đầu tiên mình cần đảm việc nhà. "Cũng nhờ có "hậu phương" vững chắc, được chồng, con ủng hộ tôi mới có thể hoàn thành tốt công việc của địa phương", chị Thái tiết lộ.
Trần Quang