dd/mm/yyyy

Nông nghiệp hữu cơ trên vùng Đồng bằng Cửu Long

Ở Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL), nhiều mô hình nông nghiệp hữu cơ được hình thành, phát triển tốt, nhưng vẫn còn một số mô hình đang gặp phải gian nan trong bước đi đầu tiên.

Nhiều mô hình hay được hình thành

Trong lúc vấn nạn về an toàn thực phẩm không ngừng gia tăng thì việc sản xuất nông nghiệp hữu cơ (không sử dụng phân bón vô cơ, thuốc hóa học, thuốc trừ sâu…) đã được nhiều nhà nông ở ĐBSCL lựa chọn.

Các mô hình nông nghiệp hữu cơ quy mô có thể kể là: Nuôi heo rừng của anh Đoàn Phan Dinh (ấp An Hòa, xã An Khánh, huyện Châu Thành, tỉnh Đồng Tháp); trồng lúa không phun thuốc hóa học của anh Võ Văn Tiếng (xã Thường Thới Tiền, huyện Hồng Ngự, tỉnh Đồng Tháp); khổ qua rừng sạch của anh Trương Hữu Thuận (ở phường Phú Thứ, quận Cái Răng, TP.Cần Thơ); sản xuất nấm dược liệu quý và nhân sâm của anh Ngô Xuân Điền (phường Trà An, quận Bình Thủy, TP.Cần Thơ); …

Anh Dinh bên mô hình nuôi heo rừng của mình.
Anh Dinh bên mô hình nuôi heo rừng của mình.

Trao đổi với Phóng viên Trang trại Việt, anh Đoàn Phan Dinh cho biết: Mô hình trang trại của anh có thể thu về tiền tỉ mỗi năm. Bởi mô hình này được quản lý chặt chẽ, khép kín nên mang lại hiệu quả kinh tế cao và phù hợp với chủ trương của Nhà nước.

Hiện nay, anh Dinh đang hợp tác với nhiều hộ dân ở khắp các tỉnh, thành vùng ĐBSCL nuôi hàng nghìn con heo rừng các loại (heo giống, heo thịt và heo sinh sản). Theo đó, anh Dinh hỗ trợ kỹ thuật và bao tiêu sản phẩm đầu ra cho nông dân. Thống kê, năm 2016, số heo được xuất bán là khoảng 30 tấn, thu về 3 tỉ tổng, trong đó lợi nhuận là trên 1 tỉ đồng.“Chuồng trại nuôi heo rừng của tôi được xây dựng thông thoáng, sử dụng đệm lót sinh học để kiểm soát tốt chất thải, cách ly hiệu quả các mầm bệnh. Ngoài thức ăn dạng công nghiệp và cám nhuyễn, heo rừng sẽ được cho uống thuốc nam hay một số loại men sinh học do tôi tự làm hoặc mua lại từ các công ty bào chế dược liệu dành riêng cho gia súc, gia cầm”, anh Dinh nói.

Anh Dinh chia sẻ: “Hiện khách hàng của tôi rất nhiều, không chỉ có ở các siêu thị, cửa hàng, quán ăn khu vực ĐBSCL mà còn ở tận miền Trung. Do nhu cầu nhiều mà nguồn cung không đủ nên tới đây, tôi sẽ tiếp tục phối hợp với người dân mở rộng các trang trại nuôi. Tôi cũng xin nói thêm là vài năm tới đây, tôi sẽ xây dựng 15 cửa hàng kinh doanh thực phẩm sạch, trong đó có thịt heo rừng”.

Anh Ngô Xuân Điền (phường Trà An, quận Bình Thủy, TP.Cần Thơ) cho biết: Anh và những người bạn đang mở rộng quy mô sản xuất nấm dược liệu quý và nhân sâm. “Ngoài các loại nấm dược liệu, tôi còn nghiên cứu thành công trong việc trồng nhân sâm… Tất cả những sản phẩm này được nuôi trồng theo hướng sạch hoàn toàn và đều được bao tiêu…”, anh Điền nói.

Cũng như 2 mô hình trên, nhiều người dân ở ĐBSCL đang nỗ lực để có những sản phẩm hữu cơ tốt, đưa ra thị trường, dần thay thế cách sản xuất truyền thống (tốn nhiều chi phí, nhân công và diện tích đất nhưng lợi nhuận thấp). Những sản phẩm này không chỉ đáp ứng cho thị trường trong khu vực mà còn hướng đến xuất khẩu.

Anh Điền trồng nấm dược liệu cho thu nhập cao.
Anh Điền trồng nấm dược liệu cho thu nhập cao.

Vẫn còn nhiều trở ngại

Nông nghiệp hữu cơ là hướng đi tất yếu. Tuy nhiên ở ĐBSCL, nông nghiệp hữu cơ chỉ mới chập chững bước đi đầu tiên và còn gặp nhiều khó khăn, vướng mắc. Anh Dinh cho biết: Thực tế để mô hình nuôi heo rừng của anh đạt được kết quả như hiện nay, anh đã phải trải qua nhiều khó khăn ở khâu chuyển giao kỹ thuật và thiếu công cụ hỗ trợ.

“Quá trình chuyển giao cho người dân địa phương gặp nhiều trở ngại do trình độ người dân còn hạn chế, không hiểu hết những gì mình chuyển giao, nhiều khi còn không nhớ là mình nói cái gì. Ngoài ra, công cụ hỗ trợ trong chăn nuôi cũng là một hạn chế lớn, mô hình của tôi cần phải có camera để theo dõi, quản lý nhưng ở vùng nông thôn ĐSBCL làm gì có điện mà gắn thiết bị này, nếu kéo điện thì cũng mất tiền triệu”, anh Dinh bộc bạch.

Về khó khăn trong khâu tiêu thụ, nhiều hộ dân ở ĐBSCL cho biết, ngày đêm nỗ lực tạo ra nông sản sạch, ngoài mong muốn đưa sản phẩm sạch đến tay người tiêu dùng thì vẫn luôn mong muốn thu nhập được tăng thêm. Sản phẩm của người chăn nuôi khi thu hoạch xong đều được định hướng bán vào siêu thị, nhưng “phải ký gửi trong khi nông dân cần lấy tiền ngay để làm vụ mới và trả nợ”. Vì vậy, để sản xuất vụ tiếp, người chăn nuôi đành bán cho thương lái với giá rẻ, bằng với giá nông sản trồng theo cách truyền thống. Mặt khác, ở vùng ĐBSCL hiện thương lái vẫn chưa muốn mua những loại nông sản hữu cơ, hoặc chỉ mua với số lượng rất ít.

Theo tìm hiểu của phóng viên, làm nông nghiệp hữu cơ ngoài yêu cầu kỹ thuật cao, kế hoạch chuẩn, kỹ lưỡng còn cần nguồn vốn tương đối lớn. Tuy nhiên, không ít trường hợp nông dân phải bỏ giữa chừng dự án vì “đói vốn”.

Anh Châu Trọng Hữu, ngụ ở phường Trà An, quận Bình Thủy, TP.Cần Thơ cho biết: Mô hình trồng nấm linh chi của anh đang phát triển rất tốt. Hiện anh đang muốn mở rộng quy mô và cần vốn vay nhưng kế hoạch này vẫn “trùm mền”. Nguyên nhân do từ trước Tết nguyên đán năm 2017 đến nay, anh đã “gõ cửa” nhiều ngân hàng, thậm chí nhờ cơ quan chức năng hướng dẫn nhưng vẫn chưa có nơi nào làm thủ tục cho vay, mặc dù có tài sản thế chấp.

Cũng như anh Hữu, mô hình trồng khổ qua rừng anh Thuận cũng gặp trở ngại không kém. Anh Thuận buồn rầu nói: “Khởi nghiệp với nông nghiệp hữu cơ vô cùng khó khăn, nhất là về vốn. Tôi muốn vay tiền để phục vụ cho việc mở rộng quy mô sản xuất nhưng rất khó để được vay. Do quá trình hợp tác với người dân sản xuất gặp khó, công nghệ, thiết bị hiện tại chưa đủ nên sản phẩm bán ra không có lời. Tới đây, mô mình của tôi buộc phải đóng cửa chứ không còn cách nào khác”.

Theo Sở NN&PTNT, nguyên nhân các địa phương thuộc vùng ĐBSCL có nhiều mô hình sản xuất nông nghiệp hữu cơ gặp khó khăn còn là do quy mô nhỏ lẻ, tự phát, chưa được quy hoạch. Ngoài ra, do mô hình mới, sản phẩm mới nhưng bán với giá cao nên người tiêu dùng chưa quen, dẫn đến khó tiêu thụ. Để khắc phục tình trạng này, các mô hình phải liên kết với doanh nghiệp tiêu thụ, hình thành những chuỗi giá trị.

Huỳnh Xây