Với cách dạy nghề nông nghiệp kiểu cầm tay chỉ việc, lấy nông dân dạy nghề cho nông dân đã đạt được nhiều thành tích cao trong thời vừa gian qua. Và Hội Nông dân huyện Mộc Châu là một trong những huyện dẫn đầu toàn tỉnh Sơn La, tiên phong thực hiện mô hình dạy nghề nông dân dạy nông dân. Nhiều hội viên trong Hội đã áp dụng các mô hình hay và có hiệu quả kinh tế cao trong sản xuất, như: Trồng dâu tây, trồng rau sạch theo tiêu chuẩn vietGAP, bơ, chăn nuôi bò... Thu nhập của hội viên không ngừng được tăng cao, đời sống này càng sung túc và khá giả.
Chị Nguyễn Thị May, bản Tự Nhiên (xã Đông Sang, huyện Mộc Châu), chia sẻ: “Trước khi đến với nghề trồng rau bắp cải theo tiêu chuẩn vietGAP, tôi thường đến học hỏi kinh nghiệm của 1 hộ gia đình ở tiểu khu 32, thị trấn Nông trường Mộc Châu. Nhờ được tư vấn truyền đạt kinh nghiệm trong chăm sóc, bón phân, lắp đặt hệ thống nước tưới tiêu, mà nay tôi đã có vườn rau xanh bán được giá cao”.
Thời gian qua, Hội Nông dân huyện Mộc Châu đã phối hợp với Trung tâm dạy nghề, khuyến nông tổ chức nhiều lớp tập huấn cho hàng nghìn lượt hội viên tham gia. Viêc làm này của Hội đã nâng cao tay nghề, tạo tư duy mới, hướng đi mới trong sản xuất nông nghiệp cho các hội viên, góp phần giải quyết việc làm nâng cao thu nhập, ổn định đời sống cho bà con nông dân.
Là 1 người nhiệt huyết và luôn đồng hành cùng các hội viên trong suốt thời gian qua, ông Lường Văn Quynh - Chủ tịch Hội Nông dân huyện Mộc Châu, cho biết: “Hiện nay Hội có trên 13.000 hội viên, để phát huy những lợi thế sẵn có, chúng tôi đã phối hợp với các đơn vị liên quan triển khai đồng bộ nhiều biện pháp hỗ trợ, tạo điều kiện giúp hội viên phát triển sản xuất.
Nhận ủy thác với Ngân hàng chính sách xã hội huyện cho các hội viên vay vốn, phối hợp với các doanh nghiệp cung ứng phân bón trả chậm giúp nông dân... Ngoài ra, các hội viên luôn đoàn kết giúp đỡ và trao đổi kinh nghiệm lẫn nhau trong sản xuất, vì thế mà năng suất và sản lượng trong kinh doanh sản xuất không ngừng tăng cao”.
Qua những phong trào giúp đỡ hội viên, đã xuất hiện nhiều mô hình trang trại hiệu quả kinh tế cao, áp dụng những công nghệ tiên tiến vào sản xuất kinh doanh. Tiêu biểu như: Mô hình trang trại nuôi lợn, quy mô nuôi từ 200 - 300 con lợn thịt, xuất chuồng từ 40 - 45 tấn thịt/năm tại xã Chiềng Hắc của hộ nông dân Phạm Văn Thành, cho thu nhập trên 2 tỷ đồng/năm. Nắm bắt nhu cầu thị trường, tận dụng thế mạnh du lịch địa phương nhiều hộ nông dân đã mạnh dạn đầu tư phát triển mô hình nông nghiệp gắn với du lịch cho hiệu quả kinh tế cao, như: Hộ nông dân Cao Văn Công, xã Đông Sang với mô hình vườn cây ăn quả kết hợp với du lịch cho thu nhập trên 700 triệu đồng/năm...
“Mô hình nông dân dạy nghề cho nông dân được triển khai nhiều năm tại huyện Mộc Châu, rất phù hợp trong dạy nghề nông nghiệp. Các hội viên nông dân cầm tay chỉ việc ở đây, đều xuất phát từ nông dân giỏi, có bề dày kinh nghiệm và đạt thành công trong sản xuất. Hơn nữa, họ là người địa phương với nhau nên am hiểu phong tục tập quán, có thể truyền đạt thông tin dễ dàng hơn trong quá trình áp dụng vào thực tiễn”- ông Lường Văn Quynh - Chủ tịch Hội Nông dân huyện Mộc Châu thông tin thêm.
Bằng những việc làm cụ thể, thiết thực, Hội Nông dân huyện Mộc Châu đã từng bước giúp đỡ nhiều hội viên xóa đói, giảm nghèo, làm giàu chính đáng, nâng cao đời sống, thu nhập, góp phần cùng địa phương thực hiệu có hiệu quả các tiêu chí xây dựng nông thôn mới.