Nhà hát Ca múa nhạc tỉnh Sơn La - 70 năm xây dựng và phát triển
Ngày 26/7, Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch tỉnh Sơn La đã tổ chức Lễ đón nhận Huân chương Lao động hạng Nhất của Chủ tịch nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam trao tặng cho Nhà hát Ca múa nhạc tỉnh Sơn La và tổ chức kỷ niệm 70 năm xây dựng và phát triển Nhà hát Ca múa nhạc tỉnh Sơn La (12/7/1952-12/7/2022).
Dự lễ kỷ niệm và đón nhận Huân chương Lao động hạng Nhất có bà Tòng Thị Phóng, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội; ông Hoàng Quốc Khánh, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Sơn La.
Ngày 12/7/1952, tại khu căn cứ thuộc tỉnh Thái Nguyên, "Đội Văn công tuyên truyền khu Tây Bắc" được thành lập với 8 thành viên ban đầu. Liền sau đó, một số anh chị em là học viên phân hiệu Hoàng Văn Thụ trở về Sơn La cũng đã được Ty Thông tin Sơn La tuyển chọn và thành lập "Đội Văn công tuyên truyền tỉnh Sơn La".
Trong Chiến dịch Tây Bắc 1952 – 1953 và chiến dịch Điện Biên Phủ, hai đội văn công tuyên truyền khu Tây Bắc và Đội Văn công tuyên truyền tỉnh Sơn La luôn sát cánh bên nhau trên suốt các nẻo đường, bám sát chiến dịch để biểu diễn phục vụ bộ đội, dân công làm nhiệm vụ tiễu phỉ, diệt giặc giải phóng Tây Bắc; biểu diễn kết hợp tuyên truyền, vận động nhân dân trong các vùng mới được giải phóng, tạo nên một không khí tưng bừng, phấn khởi của bộ đội, dân công và toàn thể nhân dân các dân tộc Miền Tây Bắc của Tổ quốc.
Giữa năm 1954, sau chiến thắng vang dội chấn động địa cầu, Đội Văn công Tây Bắc vinh dự được nhập vào cùng Đoàn Văn công Nhân dân Trung ương về tham gia tiếp quản thủ đô Hà Nội. Cùng với phục vụ nhân dân Thủ đô các tiết mục nghệ thuật của các dân tộc thiểu số vùng Tây Bắc, Đội Văn công Tây Bắc còn biểu diễn phục vụ Bác Hồ đón khách quốc tế tại Phủ Chủ Tịch và Hội trường Ba Đình.
Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, nhiều cán bộ, diễn viên đã lên đường nhập ngũ và đã anh dũng hy sinh trên các chiến trường như: Liệt sĩ Nguyễn Bá Tụ (diễn viên múa), hy sinh trên chiến trường B; Liệt sĩ Hà Văn Tống (diễn viên múa) và Liệt sĩ Nguyễn Văn Tuấn (nhân viên hậu đài) hy sinh trên chiến trường C.
Trong 70 năm xây dựng và phát triển, Nhà hát Ca múa nhạc tỉnh Sơn La đã thực hiện tốt nhiệm vụ phục vụ nhiều địa bàn, tiêu biểu như biểu diễn phục vụ quân tình nguyện Việt Nam, bộ đội Pa-thét Lào trong cả chiến dịch "Pa Thí" và "Tam La, Nà Khằng", phục vụ nhân dân các bộ tộc Lào vùng mới giải phóng; phục vụ rộng khắp các thị trấn, xã, bản, các điểm bộ đội đóng quân khắp các tỉnh Tây Bắc; tham gia phục vụ nhiều sự kiện chính trị, văn hóa lớn trong nước, trong tỉnh và quốc tế.
Nhà hát Ca múa nhạc tỉnh Sơn La đón nhận Huân chương Lao động hạng Nhất
Nhà hát Ca múa nhạc tỉnh Sơn La còn tham dự nhiều chương, trình hội diễn cấp quốc gia, quốc tế với nhiều giải thưởng, như: Tham gia Liên hoan Ca múa nhạc quốc tế 3 nước Đông Dương đạt Huy chương Vàng toàn đoàn năm 2007; Liên hoan nghệ thuật quốc tế 4 nước Việt Nam, Lào, Myanmar và Thái Lan đạt Huy chương Bạc toàn đoàn năm 2013; Liên hoan Âm nhạc quốc tế Asean đạt Huy chương Bạc toàn Đoàn năm 2019 và tham gia Liên hoan Ca Múa Nhạc toàn quốc đạt Huy chương Vàng toàn đoàn năm 2018 và Huy chương bạc năm 2021…
Tại lễ kỷ niệm, với những thành tích xuất sắc trong hoạt động nghệ thuật, Nhà hát Ca múa nhạc tỉnh Sơn La đã đón nhận Huân chương Lao động hạng Nhất; 24 cá nhân có thành tích xuất sắc đóng góp vào sự phát triển văn hóa, nghệ thuật Sơn La và đất nước cũng được nhận Bằng khen của UBND tỉnh Sơn La và Giấy khen của Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch tỉnh Sơn La.