Người phụ nữ ấy là chị Bùi Thị Hạnh Hiếu, Tổng Giám đốc Công ty CP Kinh doanh chế biến Nông sản Bảo Minh.
Nặng lòng cùng các giống lúa đặc sản
Tình cờ gặp chị tại một hội thảo về lúa gạo, hành trình tìm lại giá trị cho hạt gạo Việt của nữa giám đốc khiến tôi bị thu hút.
Với mong muốn đem lại giá trị đích thực cho hạt ngọc Việt, đồng thời không để những loại gạo đặc sản bị mai một, chị Hiếu đã bắt đầu bằng hành trình xuyên Việt để tìm hiểu các giống lúa cổ truyền: từ vùng núi cao xa xôi Tây Bắc đến đồng bằng ven biển Hải Phòng, Nam Định hay sông
nước Cửu Long... Kết quả của những chuyến khảo sát, sau đó là các hợp đồng hợp tác với nông dân đã giúp chị có trong tay khoảng 45 loại lúa gạo đặc sản thơm ngon: Gạo lức huyết rồng, nếp cẩm, nếp Tú Lệ, Tám thơm Điện Biên, tám thơm Hải Hậu, Bắc hương Hải Hậu, nếp nương, Séng Cù, tám Thái đỏ…Hiện, diện tích lúa liên kết với nông dân của Công ty Bảo Minh đã lên tới 20.000 ha.
Không chỉ liên kết thu mua, chế biến, công ty của chị còn đầu tư khá mạnh vào lĩnh vực sản xuất, quy hoạch các vùng trồng với diện tích lên tới 250 ha áp dụng quy trình kỹ thuật tiên tiến, nhiều loại gạo đặc sản quý, gen giống mới đã được bảo tồn và nhân rộng.
Đến nay, công ty của Bùi Thị Hạnh Hiếu đã có 2.500 điểm bán gạo trên toàn quốc với 40-50 loại gạo đặc sản từ phổ thông đến cao cấp. Riêng sản phẩm gạo đặc sản công ty liên kết với nông dân sản xuất phục vụ thị trường nội địa mỗi năm khoảng 10.000 tấn. Hiện sản phẩm gạo đặc sản của công ty đã có mặt ở các hệ thống phân phối lớn như: BigC, Vinmart, Co.opMart, Lotte, Aeon... Dự kiến tháng 5.2019, công ty của chị sẽ xuất khẩu sản phẩm gạo đặc sản vào thị trường EU.
Chị Hiếu tâm sự: “Để hạt gạo đạt chuẩn lượng, tiêu chuẩn tốt, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm chỉ bằng cách tuân thủ đúng quy trình, nguyên tắc thu mua và chế biến chặt chẽ, đảm bảo các quy định về vệ sinh an toàn thực phẩm. Cùng với đó, chị tổ chức ăn thử miễn phí tại các điểm bán sản phẩm nhằm giúp người tiêu dùng có được trải nghiệm thực tế về chất lượng gạo của công ty.
Luôn chú trọng phát triển sản xuất theo chuỗi giá trị nên từ năm 2014, chị đã chủ động xây dựng và phát huy hiệu quả mối liên kết 5 nhà: nhà khoa học, nhà nước, nhà nông, nhà sản xuất và nhà phân phối. “Từng diện tích ruộng của hộ dân trồng lúa cho Bảo Minh đều được mã hóa, có tem truy xuất vùng trồng, giúp khách hàng có thể truy xuất nguồn gốc từng túi gạo. Tất cả các vùng trồng đều có chuyên viên, cán bộ kỹ thuật giám sát, hỗ trợ bà con nông dân để đảm bảo chất lượng sản phẩm” – chị Hiếu chia sẻ.
Khát khao nâng giá trị cho “hạt ngọc Việt”
GS.TS. Vũ Hoan - Chủ tịch Liên hiệp các hội khoa học - kỹ thuật Hà Nội, Chủ tịch Hội đồng Khoa học Công ty CP Kinh doanh chế biến nông sản Bảo Minh khẳng định: Công ty Bảo Minh đã đưa ra chiến lược liên kết “5 nhà” nhằm xây dựng phát triển công ty. Mỗi “nhà” có một đóng góp riêng, có ý nghĩa cho sự phát triển bền vững.
Mục tiêu chiến lược của Bảo Minh mong muốn sản phẩm gạo của công ty thành sản phẩm gạo quốc gia. Để làm được điều này, sản phẩm của công ty phải đảm bảo chất lượng đáp ứng được yêu cầu, đòi hỏi của các thị trường khó tính, khắt khe nhất như: Nhật Bản, Hoa Kỳ. Do đó, các nhà khoa học được công ty “đặt hàng” những giống lúa phù hợp, biện pháp canh tác, hướng dẫn, hỗ trợ nông dân, hợp tác xã để có sản phẩm đáp ứng được yêu cầu của các thị trường.
Được biết, hiện nay không chỉ có Bảo Minh liên kết cùng nông dân sản xuất lúa gạo đặc sản mà nhiều doanh nghiệp trong nước cũng bắt tay cùng nông dân sản xuất theo hướng này phục vụ thị trường nội địa. Thế nhưng hành trình của chị Bùi Thị Hạnh Hiếu đã “thắp lửa” để tìm lại giá trị, nâng cao giá trị cho hạt ngọc Việt một cách rất riêng, độc đáo, lặng thầm. Tôi rất thích câu nói nguyên Phó Thủ tướng CHLB Đức, Philipp Roesler rằng: Người ta ít nhớ đến người thứ 2 hay thứ 3 lên mặt trăng nhưng người đầu tiên thì luôn được nhắc đến. Đối với lĩnh vực gạo đặc sản, có lẽ Bùi Thị Hạnh Hiếu là một cái tên như vậy.
Trải qua 24 năm hình thành và phát triển, thương hiệu gạo Bảo Minh gắn liền với tên tuổi nữ Tổng giám đốc Bùi Thị Hạnh Hiếu. Chị bảo hạt lúa với chị không chỉ là sự nghiệp mà còn là một duyên nợ, một tình yêu. Mà đã là tình yêu thì cũng có những cung bậc thăng trầm. Bởi trồng lúa vốn phụ thuộc nhiều vào khí hậu, thổ nhưỡng. Năm 2017, năm 2018, lũ lụt ở các tỉnh Tây Bắc (Lào Cai, Yên Bái) đã gây thiệt hại không chỉ cho nông dân mà Công ty Bảo Minh cũng chịu tổn thất lớn. Chị kể, có những vùng trồng lúa đặc sản công ty đầu tư tới 500 triệu đồng, thế nhưng mùa vụ ấy chỉ thu được 5 tấn gạo, trị giá hơn 100 triệu đồng. Khó khăn, thất bại không ngăn cản được tình yêu của chị với hạt gạo, tình yêu với đặc sản quê hương cũng giúp chị có được tầm nhìn, chiến lược và khát khao cùng làm giàu với bà con nông dân… và tiếp tục chinh phục những đỉnh cao mới, trước mắt là sản xuất gạo theo tiêu chuẩn hữu cơ.