dd/mm/yyyy

Mường La thoát nghèo nhờ chuyển đổi cơ cấu cây trồng

Những năm qua, cấp ủy, chính quyền huyện Mường La, tỉnh Sơn La đã tích cực vận động người dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng theo hướng sản xuất hàng hóa gắn với thị trường tiêu thụ, coi đây là hướng đi hiệu quả, tạo bước đột phá trong công tác xóa đói, giảm nghèo.

Nhiều chính sách hướng về nông dân

Mường La là huyện miền núi của tỉnh Sơn La, cách TP.Sơn La hơn 40km, diện tích tự nhiên 142.535 ha, địa hình bị chia cắt bởi các con sông, suối lớn, núi cao đồi dốc. Toàn huyện có 16 xã và thị trấn, với 5 dân tộc sinh sống, trong đó dân tộc thiểu số chiếm đa số và chủ yếu là nông dân nông thôn, trình độ dân trí còn hạn chế, đời sống của người dân ở một số địa phương còn khó khăn.

Chuyển đổi cơ cấu cây trồng đang được người dân huyện Mường La tích cực thực hiện.
Chuyển đổi cơ cấu cây trồng đang được người dân huyện Mường La tích cực thực hiện.

Những năm qua, cấp ủy, chính quyền huyện Mường La luôn xác định giảm nghèo là một chính sách lớn, ưu tiên hàng đầu. Nhiều chương trình, dự án giảm nghèo đã được triển khai mạnh mẽ, lồng ghép với thực hiện các tiêu chí xây dựng nông thôn mới. Kết hợp với đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, tạo điều kiện cho người dân phát triển sản xuất, trao đổi hàng hóa…

Táo sơn tra đang là cây trồng đem lại nguồn thu nhập ổn định cho người nông dân.
Táo sơn tra đang là cây trồng đem lại nguồn thu nhập ổn định cho người nông dân.

Trong đó, ưu tiên tập trung vào lĩnh vực tam nông, phát huy tiềm năng, thế mạnh từng địa phương, chuyển đổi giống cây trồng, vật nuôi phù hợp với tập quán sản xuất của người dân. Vận động người dân chuyển đổi diện tích cây lương thực kém hiệu quả sang trồng các loại cây ăn quả có hiệu quả kinh tế cao hợp với lợi thế của địa phương. Đồng thời, khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư, liên kết với người nông dân trong sản xuất…

Chuyển đổi cơ cây trồng bền vững

Trên cơ sở phân tích tiềm năng thế mạnh từng địa phương, hướng vào nông nghiệp nông thôn, UBND huyện Mường La đã ban hành nhiều văn bản, chính sách hỗ trợ người dân phát triển cây ăn quả trên đất dốc, cải tạo vườn tạp, giúp người dân hiểu được việc chuyển đổi cây lương thực kém hiệu quả sang trồng cây ăn quả có giá trị kinh tế cao. Việc ứng dụng khoa học công nghệ vào kỹ thuật trồng, chăm sóc, thâm canh, tạo ra những vùng sản xuất trồng cây ăn quả tập trung có năng suất, chất lượng cao. Hỗ trợ xây dựng và mở rộng các mô hình trồng cây ăn quả ứng dụng công nghệ cao, tạo ra sản phẩm sạch an toàn, từng bước nâng cao hiệu quả sản xuất, tạo thu nhập ổn định cho người dân.

Nhiều nông dân đã mạnh dạn chuyển cây lương thực kém hiệu quả sang trồng các loại cây có giá trị kinh tế cao.
Nhiều nông dân đã mạnh dạn chuyển cây lương thực kém hiệu quả sang trồng các loại cây có giá trị kinh tế cao.

Năm 2017, huyện Mường La đã giải ngân thanh toán hỗ trợ ghép mắt cây trồng, cải tạo vườn tạp trên 510 triệu đồng cho 2.586 hộ nông dân. Riêng trong năm 2018, phân bổ 600 triệu đồng hỗ trợ cải tạo ghép mắt cây trồng. Phối hợp với đơn vị cung ứng giống cung ứng giống cây trồng cho hàng ngàn người dân. Đến nay, diện tích cây ăn quả toàn huyện đạt 4.760 ha, trong đó có 3.017 ha cây ăn quả các loại và 1.748 ha cây táo sơn tra.

Ngoài ra, công tác quảng bá giới thiệu sản phẩm nông sản đến với người tiêu dùng cũng được Mường La chú trọng, một số sản phẩm nông sản của huyện đã có mặt ở một số siêu thị uy tín tại các thành phố lớn như: Sản phẩm nhãn, xoài. Việc mở rộng vùng trồng cây ăn quả theo hướng bền vững quả không chỉ tăng thu nhập cho nông dân mà còn góp phần phủ xanh đất trống đồi trọc, chống sói mòn, sạt lở, hạn chế thiệt hại do thiên tai.

Hướng về người dân phát triển nông nghiệp, khai thác hiệu quả thế mạnh địa phương, đang là hướng đi đúng trong phát triển kinh tế - xã hội của huyện Mường La, góp phần tạo ra việc làm, nâng cao thu nhập cho người dân.

Quốc Định