dd/mm/yyyy

Mở lớp tập huấn, hướng dẫn chuyển đổi cây trồng vật nuôi thay thế cây có chứa chất ma túy

Để chuyển đổi cây trồng vật nuôi có hiệu quả kinh tế cao, năm 2022, Cục Kinh tế Hợp tác và PTNT (Bộ NNPTNT) đã phối hợp cùng hai tỉnh Lào Cai và Lai Châu xây dựng mô hình nuôi dê sinh sản và trồng cây ăn quả ôn đới. Các hộ dân tham gia được tập huấn kỹ thuật về nuôi dê và trồng cây ăn quả ôn đới.

Công tác vận động xóa bỏ cây có chất ma túy, chuyển đổi, thay thế cây có chứa chất ma túy bằng cây trồng, vật nuôi mới có hiệu quả kinh tế cao là chương trình đang được Chính phủ đặc biệt quan tâm triển khai ở nhiều địa phương trong cả nước, đặc biệt là các tỉnh Tây Bắc – nơi trước đây và hiện nay vẫn là địa bàn có số vụ, diện tích trồng, tái trồng cây thuốc phiện lớn nhất cả nước.

Mở lớp tập huấn, hướng dẫn chuyển đổi cây trồng vật nuôi thay thế cây có chứa chất ma túy - Ảnh 1.

Người dân ở Sàng và bản Đốc, xã Khoen On, huyện Than Uyên, tỉnh Lai Châu tham gia lớp tập huấn về kỹ thuật nuôi dê sinh sản. Ảnh: N. Luyến

Để xóa bỏ cơ bản và bền vững việc trồng và tái trồng cây có chứa chất ma túy, ngày 31/8/2021, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Chương trình phòng, chống ma túy giai đoạn 2021-2025 (Quyết định 1452/QĐ-TTg). Theo Quyết định, Thủ tướng Chính phủ giao Bộ NNPTNT có trách nhiệm triển khai các chương trình, mô hình hỗ trợ phát triển sản xuất, chuyển đổi cây trồng, vật nuôi thay thế cây có chứa chất ma túy tại các địa bàn có nguy cơ trồng và tái trồng cao.

Thực hiện nhiệm vụ Thủ tướng Chính phủ giao, trong năm 2022, Cục Kinh tế Hợp tác và PTNT (Bộ NNPTNT) đã phối hợp với Chi cục PTNT tỉnh Lai Châu xây dựng mô hình hỗ trợ phát triển sản xuất, khuyến nghị các vật nuôi, cây trồng mới thay thế cây có chứa chất ma túy tại tỉnh Lai Châu – mô hình chăn nuôi dê sinh sản.

Mở lớp tập huấn, hướng dẫn chuyển đổi cây trồng vật nuôi thay thế cây có chứa chất ma túy - Ảnh 2.

Các hộ dân ở xã Khoen On, huyện Than Uyên, tỉnh Lai Châu được hướng dẫn xây dựng chuồng trại nuôi dê nơi cao ráo, thoát nước, ở cuối hướng gió, đảm bảo đông ấm hè mát. Ảnh: K. Lực

Khi tham gia vào mô hình nuôi dê sinh sản, 30 hộ nghèo ở bản Sàng và bản Đốc, xã Khoen On, huyện Than Uyên, tỉnh Lai Châu đã được tập huấn về kỹ thuật nuôi dê sinh sản. Dê là loài ăn nhai lại, ăn tạp, dễ nuôi, sinh sản nhanh, chống đỡ bệnh tật tốt và phù hợp với điều kiện sinh thái, địa hình núi cao sườn dốc chiếm 80% diện tích đất tự nhiên của xã Khoen On, huyện Than Uyên. Nuôi dê sinh sản cho thu hoạch con giống và thương phẩm, là hướng đi nhiều tiềm năng.

Ông Tòng Văn Chiến, cán bộ phụ trách nông nghiệp và địa chính xã Khoen On, huyện Than Uyên, tỉnh Lai Châu cho biết, tham gia lớp tập huấn, các hộ dân được phổ biến về chính sách hỗ trợ, kiến thức để chăn nuôi (cách thức chăm sóc dê đẻ, dùng thuốc thú y khi dê bị bệnh…). Các giảng viên cũng hướng dẫn người dân cách làm chuồng, rồi các biện pháp chăm sóc dê sinh sản.

Theo ông Chiến, trước đây người dân ở xã cũng đã nuôi dê nhưng chủ yếu là chăn thả rông. Đến nay, mô hình nuôi dê sinh sản đã hướng dẫn các hộ dân xây dựng chuồng trại nuôi dê nơi cao ráo, thoát nước, ở cuối hướng gió, đảm bảo đông ấm hè mát. 

Về trồng cỏ, xã Khoen On đã ban hành Nghị quyết số 07, theo đó sẽ hỗ trợ từ 3-5 nghìn đồng/m2 để các hộ trồng cỏ. Năm nay do mới trồng nên số lượng chưa đáp ứng, nhưng trong những năm tới thì có thể đáp ứng được nhu cầu nuôi dê của các hộ dân.

Cùng với Lai Châu, trong năm 2022, Cục Kinh tế Hợp tác và PTNT phối hợp với Chi cục PTNT tỉnh Lào Cai triển khai mô hình hỗ trợ phát triển sản xuất, khuyến nghị các vật nuôi, cây trồng mới thay thế cây có chứa chất ma tuý năm 2022 trên địa bàn tỉnh Lào Cai – mô hình trồng cây ăn quả ôn đới năm 2022.

Mở lớp tập huấn, hướng dẫn chuyển đổi cây trồng vật nuôi thay thế cây có chứa chất ma túy - Ảnh 4.

Các hộ dân ở xã Lùng Cải, huyện Bắc Hà, tỉnh Lào Cai được cán bộ tập huấn trên đồng ruộng về cách tỉa cành, tạo tán cho cây ăn quả ôn đới trên địa bàn. Ảnh. N. Tùng

Theo đó, 52 hộ đồng bào dân tộc thiểu số nghèo, cận nghèo sinh sống trên địa bàn xã Lùng Cải, huyện Bắc Hà và xã Trung Chải, thị xã Sa Pa sẽ tham gia trồng 20 ha mận Tả van, lê VH6. Cụ thể trồng 9,5 mận Tả Van và lê VH06 tại xã Lùng Cải và trên 10ha tại xã Trung Chải.

Tham gia chương trình, các hộ dân được các giảng viên tập huấn chuyển giao kỹ thuật trồng và chăm sóc cây ăn quả ôn đới, trong đó chú trọng vào các kỹ thuật bón phân, cắt tỉa cành, tạo tán cho cây ăn quả ôn đới như mận Tả van, lê VH6. Qua đánh giá cho thấy cây lê VH6, mận Tả van đã được trồng tại các xã cho thấy, cây sinh trưởng phát triển ổn định, chống chịu tốt với sâu bệnh và điều kiện khí hậu tại địa phương, năng suất đạt ổn định, cho giá trị kinh tế cao.

Lê VH6 trồng khoảng 2-3 năm sẽ cho quả bói. Từ năm thứ 5 trở đi, bộ khung tán phát triển hoàn thiện, cây lê VH6 bắt đầu cho thu hoạch ổn định, bình quân mỗi cây để 120 – 125 quả. Trọng lượng bình quân đạt 350 – 450 gram/quả, năng suất đạt từ 15 – 20 tấn/ha. Với giá bán trên thị trường hiện nay trên 30 – 70 nghìn đồng/kg, tổng doanh thu từ trồng cây lê VH6 ước đạt khoảng trên 450 triệu đồng/ha. Trừ chi phí đầu tư cơ bản ban đầu, mỗi ha cũng thu lãi đạt trên 300 triệu đồng/ha.

Đối với cây Mận Tả van, cây cho thu hoạch sau 3 năm trồng, từ năm thứ 5 sau năng suất trung bình đạt từ 5-6 tấn/ha, giá bán trung bình từ 20-25.000 đồng/kg, doanh thu ước đạt 125 triệu đồng – 150 triệu đồng/ha/năm, trừ chi phí đầu tư cơ bản ban đầu, mỗi năm thu lãi 100-120 triệu đồng/ha/năm. Như vậy, việc nhân rộng mô hình là hoàn toàn phù hợp góp phần nâng cao thu nhập, xóa đói giảm nghèo cho đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn các xã hạn chế tối đa tình trạng tái trồng cây có chứa chất ma tuý trên địa bàn.

Ông Vi Văn Phát, Phó Chi Cục trưởng Chi cục Phát triển nông thôn tỉnh Lào Cai cho biết, chương trình này sẽ giúp các hộ dân tiếp cận với giống cây trồng mới có giá trị, hiệu quả kinh tế cao phù hợp với trình độ, tập quán và điều kiện sản xuất tại địa phương. Góp phần nâng cao nhận thức, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần, hạn chế việc tái trồng cây có chứa chất ma tuý tại các địa phương.

Khương Lực