dd/mm/yyyy

Lên cổng trời Tà Tổng nghe chuyện người Mông bỏ thuốc phiện

Hành trình xóa bỏ cây thuốc phiện ở xã Tà Tổng, huyện Mường Tè, tỉnh Lai Châu là câu chuyện dài và đầy đau thương, mất mát...

Tà Tổng - vùng đặc biệt khó khăn của Lai Châu

Tà Tổng cái tên mỗi khi nhắc đến, ai cũng nghĩ tới sự xa ngái của vùng đất nơi cuối trời Tây Bắc. Xã miền núi đèo mây, hút gió của huyện Mường Tè đã trải qua bao thăng trầm. Vùng đất từng được coi là "vựa" thuốc phiện khi xưa đã đẩy bao gia đình người dân tộc Mông sống trong cảnh khốn cùng. Hành trình phá bỏ rồi tái trồng cây anh túc ở đất này tựa như một bộ phim dài tập. Biết bao đau thương đã trôi qua. Bản trên, bản dưới con nghiện thuốc phiện nhiều vô kể khiến người Mông đứng trước sự lựa chọn sinh tử. Xóa cây thuốc phiện để cứu bản làng hoặc để người dân chìm đắm trong làn khói u mê của "nàng tiên nâu". Và trong lúc khó khăn nhất, bà con người Mông đã đi theo con đường sáng.

Cách đây chừng 3 thập niên, cánh phóng viên trẻ mới vào nghề như chúng tôi nghe được câu chuyện kể về nhà văn Đỗ Thị Tấc (Hội Văn nghệ Lai Châu) từng đi bộ ngang dọc đất Tây Bắc. Những xã miền núi ngày trước chỉ có thể dùng đôi chân để chinh phục đường đèo dốc để tới như Tà Tổng, Mù Cả hay Ka Lăng, Thu Lũm. Nơi nào có dấu chân của bộ đội biên phòng là nơi ấy bà Tấc đặt chân đến. Khi đến Lai Châu công tác, tôi có may mắn được hầu chuyện nhà văn của đất Tây Bắc, từng đi rừng bị rụng hết cả tóc đó.

Lên cổng trời Tà Tổng nghe chuyện người Mông bỏ thuốc phiện  - Ảnh 1.

Bà con người Mông ở xã Tà Tổng, huyện Mường Tè, tỉnh Lai Châu từng trồng cây thuốc phiện như bà con trồng ngô, trồng sắn. Mùa xuân đến từ bản cao đến bản thấp, hoa thuốc phiện nở bạt ngàn. (Ảnh: Xuân Tuấn)

Nói về nơi cuối trời Tây Bắc, bà Tấc luôn nhớ tới những mùa hoa anh túc và nhắc đến đồng bào người Mồng với tình cảm chân thành. Cây thuốc phiện gắn với người Mông như là định mệnh. Loài hoa bắt đầu nở tím trời, trắng đất vùng biên khi cái nắng mùa xuân tỏa xuống. Nương thuốc phiện nối nhau dài tới tận chân trời. Đặc biệt là bà con người Mông ở xã Tà Tổng (cổng trời của các xã nằm ở thượng nguồn sông Đà) trồng thuốc phiện giỏi nhất. Ở đây đã có thời nhà nhà sống bằng cây thuốc phiện. 

Bà Tấc chia sẻ, Tà Tổng cũng là vùng chiến đấu với cây thuốc phiện ác liệt nhất. Người Mông làm gì cũng bất khuất và kiên cường. Khi họ cùng đồng lòng cắt bỏ loài cây đã từng khiến bản làng lao đao, họ cũng làm quyết liệt và không khoan nhượng. Hình ảnh các chàng trai người Mông cùng chính quyền mang gậy đi phá nương thuốc phiện là minh chứng rõ nhất cho điều đó.

Lên cổng trời Tà Tổng nghe chuyện người Mông bỏ thuốc phiện  - Ảnh 2.

Sống ở bất cứ nơi đâu, bà con người Mông cũng luôn kiên định và đầy bất khuất. Hành trình xóa bỏ cây thuốc phiện ở bản Mông cũng trải qua bao đau thương, mất mát. (Ảnh: Xuân Tuấn)

Mang theo câu chuyện buồn và đầy bi tráng đó của nhà văn, chúng tôi ngược ngàn tìm về Tà Tổng. Đường lên Tà Tổng không còn khó khăn như trước nữa. Con đường nhựa ngoằn nghèo, nối hết núi này đến núi khác kéo về tận trung tâm xã. Dọc đường tôi không còn được ngắm những nương hoa thuốc phiện đẹp như rừng hoa tulip của đất nước Hà Lan xa xôi nữa. Đất đai của miền biên viễn này nhìn ngút tầm mắt cũng không thấy bóng dáng của cây thuốc phiện. Xe chạy bon bon sau nửa buổi, chúng tôi đã chạm đất Tà Tổng.

Lên cổng trời Tà Tổng nghe chuyện người Mông bỏ thuốc phiện  - Ảnh 3.

Lực lượng chức năng của huyện Mường Tè triệt phá cây thuốc phiện ở Tà Tổng. (Ảnh: Xuân Tuấn)

Công dân đầu tiên của vùng đất nóng mà chúng tôi gặp là già làng Vàng A Páo. Ông sống cùng con cái ở bản Tà Tổng. Ông Páo mặc trang phục truyền thống của người Mông. Áo thổ cẩm, quần lanh rộng ống. Ông chỉ thiếu mái tóc để dài như các cụ người Mông ngày trước. Trong ngôi nhà gỗ ấm cúng, bếp lửa được nhóm lên. Ánh lửa hồng hắt lên hình ảnh người già làng nom thật đẹp. Ông ngồi đó sừng sững như một tượng đài sống của bà con người Mông. Sau mấy tuần rượu qua lại, khoảng cách chủ và khách như xích lại gần nhau hơn, ông Páo mới mở lời: "Người Mông sống ở đất này và cũng từng khổ vì nó. Cái khổ mà chỉ có những người trải qua mới thấm thía và biết trân trọng những ngày yên bình như thế này".

Lên cổng trời Tà Tổng nghe chuyện người Mông bỏ thuốc phiện  - Ảnh 4.

Già làng Vàng A Páo người đã gắn bó cả đời với đất Tà Tổng. (Ảnh: Xuân Tuấn)

Từ ngày còn thực dân Pháp đô hộ đất Tây Bắc, cây thuốc phiện đã bén rễ ở đất này. Nhà quan bắt người dân trồng thuốc phiện rồi khai thác nhựa nộp tô cho chúng. Khi thu hoạch nhà ai mà giữ lại phân thuốc nào bị nhà quan đánh cho tuốt xác. Mùa nối mùa trôi qua, bà con người Mông sống dưới ách cai trị "một cổ hai tròng" đó khiến bao con người bị hành hạ cho tơi tả. Khi cán bộ cách mạng đến vận động dân theo Việt Minh, người Mông mới tìm được con đường sáng để theo.

Suốt nửa thập kỉ đánh Pháp rồi cách mạng thành công, người Mông đã góp phần quan trọng trong việc giải phóng các xã miền biên viễn. Cái thói quen trồng cây thuốc phiện cứ theo đó đi cùng người Mông. Đến đầu những năm 80, 90 của thế kỉ trước, nhiều gia đình người Mông trồng thuốc phiện để đổi lấy các mặt hàng thiết yếu khác. Bản trên, bản dưới coi việc trồng cây thuốc phiện như cây ngô, cây sắn bây giờ. Thuốc đen trao đổi dễ dàng, nên nhiều trai tráng người Mông sắm bàn đèn hút. Hút mãi thành quen, thành nghiện. Hầu như bản nào cũng có người nghiện. Trong ngày đông rét mướt, trai tráng người Mông chân co, chân duỗi bên bàn đèn, chẳng ai chịu mở mang cái nương, chỉnh lại đường nước hay sửa lại mái nhà.

Tà Tổng - Cổng trời đã mở 

Nói chuyện xưa để nhắc chuyện nay mới thấy, người Mông khi đó khổ quá chừng. Nhiều gia đình cả nhà cùng nghiện. "Khi Nhà nước vận động xóa bỏ cây thuốc phiện, bà con người Mông phản ứng dữ lắm. Họ sợ bỏ cây thuốc phiện, họ lấy nguồn gì để sống. Lấy thuốc đâu mà hút. Đặc biệt là lớp người già là nghiện nhiều nhất, phản đối ác nhất", ông Páo nhớ lại. Hết cuộc họp này đến cuộc họp khác. Người đồng ý thì ít mà ý kiến phản đối thì nhiều. Chủ trương đã truyền tới, cái cán bộ đến tận bản vận động bà con bỏ cây thuốc phiện. Khi họp ai cũng hiểu việc bỏ cây thuốc phiện là đúng đắn, nhưng khi cái cán bộ về, họ vẫn lén lút trồng thuốc phiện trên nương. Cũng phải nói rằng, thuốc phiện gắn bó mật thiệt với bà con người Mông. Họ dùng thuốc phiện để chữa bệnh rồi đổi hàng hóa dễ dàng. Nay nguồn thu nhập chính của bà con bị cắt bỏ, họ sợ đói hơn là sợ cái hệ lụy do cây thuốc phiện gây ra.

Lên cổng trời Tà Tổng nghe chuyện người Mông bỏ thuốc phiện  - Ảnh 5.

Những mùa hoa anh túc nở bạt ngàn trên cổng trời Tà Tổng, giờ chỉ còn lại trong lớp ký ức của người già. (Ảnh: Xuân Tuấn)

Mùa nối mùa trôi qua, Tà Tổng là bản trung tâm của xã đã đi đầu trong việc phá nương thuốc phiện. Trước khi dùng biện pháp cưỡng chế, cái cán bộ đến từng nhà dân tuyên truyền, giải thích. Bà con tự phá và ký cam kết không tái trồng cây thuốc phiện nữa. Mưa dầm thấm nâu, nhưng lời giải thích của cán bộ cũng dần lọt cái lỗ tai của bà con người Mông. Những con nghiện lâu năm được "bế" xuống trung tâm xã, trung tâm huyện cai nghiện. Bản thân các cụ thân sinh của già làng Páo cũng từng phải đi cai nghiện thuốc phiện. 

Lên cổng trời Tà Tổng nghe chuyện người Mông bỏ thuốc phiện  - Ảnh 6.

Trẻ em người Mông ở Tà Tổng đã được đến trường. (Ảnh: Xuân Tuấn)

Một người bỏ được, nhiều người khác làm theo. Không dừng lại ở đó, trưởng các dòng họ Vàng, họ Sùng, họ Thào, họ Tráng, họ Mùa giữ vai trò là đầu tầu trong việc vận động người dân xóa bỏ cây thuốc phiện. Những năm đầu thực hiện chủ trương của nhà nước gặp muôn vàn khó khăn. "Một nhà bỏ, tiếp đến 2 nhà, rồi lan ra cả bản. Người Mông cũng biết, việc bỏ cây thuốc phiện là cứu mình, gia đình mình trước. Mất nhiều mùa trăng trôi qua, bà con ở bản Tà Tổng mới rời xa được cây thuốc phiện", già làng Páo vẫn còn rung rưng khi nhắc lại những năm tháng khó nhọc đó.

Kinh tế nâng lên là giải pháp hiệu quả nhất

Nghe chuyện của già làng Páo kể về cây thuốc phiện, nói cả ngày không hết. Cuộc sống của bà con người Mông có được như ngày hôm nay đã trải qua bao đau thương đó. Nhiều cuộc họp dòng họ, họp bản rồi họp ở xã, già làng Páo vẫn nhắc lại câu chuyện đó cho bà con nghe. Giờ đây đời sống của bà con người Mông đã sang trang mới, nhưng trong mỗi nếp nhà phải ghi nhớ cái quá khứ mà cha ông họ đã đánh đổi bao mồ hôi, nước mắt mới giành lại được.

Lên cổng trời Tà Tổng nghe chuyện người Mông bỏ thuốc phiện  - Ảnh 7.

Người dân ở Tà Tổng đã đoạn tuyệt với cây thuốc phiện. Nương thuốc phiện ngày nào giờ được phủ xanh bởi cây lúa, cây sả và cây ăn quả. (Ảnh: Xuân Tuấn)

 Gặp bà con người Mông ở Tà Tổng, bà con không còn bàn chuyện cây thuốc phiện nữa mà chia sẻ nhau cách nuôi con trâu, con bò mau lớn. Đến chuyện cho đám trẻ đi học ở trường nội trú. Nói như ông Lỳ Phù Cà, Bí thư xã Tà Tổng: "Người Mông ở Tà Tổng đã biết tu chí làm ăn. Không còn ai nhắc tới việc tái trồng cây thuốc phiện nữa. Nhiều bản Mông đã xuất hiện những triệu phú từ chăn nuôi".

Theo lời giới thiệu của ông Bí thư xã, chúng tôi tìm đến bản Cao Chải. Năm 1994, trong lúc phong trào xóa bỏ cây thuốc phiện đang "nóng bỏng" nhất, một số hộ dân đã mạnh dạn xin tách bản lên cao nguyên Cao Chải để làm ăn. Từ đây, bản Cao Chải được hình thành. Giờ đã có cả trăm nóc nhà của người Mông sinh sống ở đây. Bản Cao Chải cũng có nhiều triệu phú nhất đất Tà Tổng. Bà con nơi đây trồng trọt khéo và chăn nuôi cũng rất giỏi. Bản có trên 2000 gia súc lớn nhỏ. Nhiều gia đình người Mông có tới cả trăm con trâu, bò, dê.

Lên cổng trời Tà Tổng nghe chuyện người Mông bỏ thuốc phiện  - Ảnh 8.

Bà con người Mông tận dụng thảo nguyên bao la Cao Chải để nuôi dê và trâu, bò. (Ảnh: Xuân Tuấn)

Đường đến bản cũng đã được đổ bê tông, xe chạy bon bon. Trang trại của anh Sùng Chứ Hử, bản Cao Chải nằm tít trên núi. Từ khi chuyển sang bản mới, anh Hử đã dày công chăm sóc đàn trâu bò của mình. Từ vài con ban đầu, đến giờ, anh có cả trăm con trâu, bò, dê. Đến Cao Chải, ai cũng phải ngỡ ngàng trước vẻ đẹp của cao nguyên nơi cuối trời Tây Bắc này. Đất núi rộng thẳng cánh cò bay, xen lẫn trong tiếng gió bấc thổi lại có tiếng mõ trâu kêu lốc cốc, tiếng chuông bò kêu leng keng, tiếng dê con gọi mẹ làm cho cả vùng thảo nguyên thêm hoạt náo. Bản nhạc miền sơn cước đó kéo dài tưởng như không có hồi kết. Bởi lẽ ở Cao Chải nhà ai cũng nuôi trâu, bò. Mỗi năm nguồn thu nhập từ bán gia súc mang lại cho bà con khoản thu nhập không nhỏ. Gia đình anh Hử xóa đói, giảm nghèo và giờ làm giàu là cũng từ đàn gia súc mà ra. "Mỗi khi nhà có công to, việc lớn, chỉ cần dắt đôi bò về mang bán là lo xong mọi chuyện", anh Hử cho biết.

Lên cổng trời Tà Tổng nghe chuyện người Mông bỏ thuốc phiện  - Ảnh 9.

Trong mỗi nếp nhà của bà con người Mông ở Tà Tổng, người dân bàn chuyện nuôi gia súc, trồng cây ăn quả, chứ không nhắc tới cây thuốc phiện nữa. (Ảnh: Xuân Tuấn)

Giờ đây bà con người Mông ở bản Tà Tổng, bản Cao Chải, bản Giàng Ly Cha đến các bản của người Hà Nhì như Cô Lô Hồ, không ai còn nhắc đến chuyện tái trồng cây thuốc phiện nữa. Từ bản cao đến bản thấp, đâu đâu cũng thấy màu xanh của nương lúa, của cây ăn quả. Bà con người Mông nơi đây đã phải đánh đổi bao công sức mới gây dựng được cuộc sống êm đẹp như ngày hôm nay. Trong bản không có người nghiện, không có người tái trồng cây thuốc phiện, khi đi vắng chẳng nhà ai phải đóng cửa.

Ở đâu đó trên bản cao của Tà Tổng vẫn còn có những hộ nghèo, hộ khó, nhưng trong mỗi nếp nhà đang có sự thay đổi rõ rệt về nhận thức. Trẻ em được đến trường,  các bản đang nỗ lực xây dựng nông thôn mới. Một cuộc sống mới không tệ nan ma túy đang dần trở lại với Tà Tổng. Đến đây thì tôi tin lời của nhà văn Đỗ Thị Tấc, bà con ở vùng biên luôn có sức sống mãnh liệt. Họ sinh ra ở đất núi, họ sẽ biết cách làm cho cuộc sống của mình sinh sôi, nảy nở và tốt đẹp hơn.


Xuân Tuấn