dd/mm/yyyy

Người Mông làm du lịch đẩy lùi tệ nạn

Sau gần 30 năm bà con người Mông ở Hang Kia, Pà Cò (Mai Châu, Hòa Bình) đồng lòng xóa bỏ cây thuốc phiện, bản làng đã "qua cơn mê" và đổi thay từng ngày...

Thay đổi nếp nghĩ cách làm để xóa bỏ cây thuốc phiện

Đường lên xã Hang Kia, Pà Cò bây giờ không còn xa ngái và gian nan như những năm trước đây. Con đường bê tông phẳng lì nối liền 2 xã vùng cao của huyện Mai Châu đã hoàn thành cách đây 2 năm. Thủ phủ "ma túy" khi xưa, giờ đã và đang thay da đổi thịt từng ngày. Bà con người Mông sau khi xóa bỏ cây thuốc phiện, ngoài làm nương, làm rẫy đã biết mở cửa làm du lịch. Họ đã tận dụng lợi thế về cảnh quan và văn hóa bản địa để phát triển ngành công nghiệp không khói.  

Có đường bê tông chạy qua xã, nhờ vậy mà cuộc sống của bà con người Mông cũng dân thay đổi. Quá khứ đau thương đang lùi xa. Ông Sùng A Màng, Chủ tịch UBND xã Pà Cò là người cũng đã từng chứng kiến những ngày tháng mà bản trên, bản dưới chìm trong làn khói u mê của khói thuốc phiện. "Để bà con đồng lòng xóa bỏ cây thuốc phiện cũng quả là gian nan. Chính quyền xã mất nhiều năm trời, ròng rã, vận động bà con mới thành công. Giờ đây, người Mông đã thay đổi nếp nghĩ và cách làm mới rồi. Làm du lịch cộng đồng đã và đang mở ra hướng phát triển kinh tế đầy triển vọng cho Pà Cò", ông Mang cho biết. 

Xa rồi những mùa hoa anh túc  - Ảnh 1.

Quá khứ đau thương ở Pà Cò đã dần lùi xa. Bà con người Mông nơi đây đã đoạn tuyệt với cây thuốc phiện chuyển sang làm du lịch.

Sau ngày xóa bỏ cây thuốc phiện trên nương và công cuộc cai nghiện cho cả trăm người ở các bản, bà con người Mông phải vật lộn với cuộc mưu sinh mới. Gia đình chị Sùng Y Múa ở bản Hang Kia, xã Hang Kia cũng rơi vào tình trạng đó. Vợ chồng Y Múa lại học theo cách làm của ông Khà A Gia – người đã biết làm du lịch cách đây cả mấy thập niên.

Xa rồi những mùa hoa anh túc  - Ảnh 2.

Homestay của anh Tráng A Páo là điểm đến hấp dẫn của nhiều du khách.

Y Múa vay vốn của anh em họ hàng mở homestay. Ngày vợ chồng Y Múa mở cửa đón khách du lịch, bà con người Mông nơi đây còn nhiều e ngại. Họ không tin rằng, mô hình của Y Múa có thể thành công. Khác với sự lo lắng của bà con, khu nghỉ của gia đình Y Múa đón được rất nhiều khách. Họ đến Hang Kia để nghỉ ngơi và thưởng thức món ăn truyền thống cũng như tìm hiểu văn hóa bản địa. Hiểu được nhu cầu của khách, Y Múa đã không ngừng hoàn thiện homestay của mình. Đến giờ nhà Y Múa trở thành điểm đến quen thuộc của nhiều du khách. "Có khách du lịch, mình bán được nông sản của địa phương. Họ còn là cầu nối giúp bà con nông dân tiêu thụ nông sản", Y Múa chia sẻ.

Xa rồi những mùa hoa anh túc  - Ảnh 2.

Homestay của Y Múa đã mở ra hướng làm ăn mới cho gia đình. Sau gần chục năm hoạt động, giờ homestay của Y Múa trở thành điểm đến quen thuộc của du khách.

Mùa nối mùa trôi qua, sự mạnh dạn của vợ chồng Y Múa đã gặt hái quả ngọt. Nhiều bà con trong xã cũng đã tìm hiểu và học hỏi cách làm của Y Múa. Đặc biệt là ở xã Pà Cò, các homestay xinh xắn giữa núi rừng đang được người dân xây dựng. Nói như ông Sùng A Màng, Chủ tịch UBND xã Pà Cò, từ khi tụ điểm ma túy cũng như thuốc phiện Pà Cò bị xóa bỏ, du khách đã đến nơi đây nhiều hơn. Bà con mở cửa đón khách cũng là cách làm ăn kinh tế vô cùng hiệu quả. Nhiều tập công ty, doanh nghiệp cũng đã liên hệ với xã với mong muốn xây dựng khu nghỉ dưỡng tại đây.

Xa rồi những mùa hoa anh túc  - Ảnh 3.

Phát triển du lịch gắn với nền văn hóa bản địa là lợi thế của xã Pà Cò và Hang Kia.

Lại nói đến việc làm du lịch của bà con người Mông cũng gặp không ít khó khăn và bỡ ngỡ. Như vợ chồng anh Phàng A Páo ở bản Chà Đáy, xã Pà Cò đã và đang thành công khi mở homestay. Khu nghỉ của A Páo có thể đón cả mấy chục du khách mỗi ngày. A Páo cũng đã biết quảng bá khu nghỉ dưỡng của gia đình lên các nền tảng mạng xã hội. Du khách ở khắp nơi trên thế giới cũng dễ dàng tìm được khu nghỉ dưỡng của nhà A Páo sau một cái kích chuột. "Mỗi năm làm du lịch, mình lại rút ra được nhiều kinh nghiệm. So với việc trồng ngô, trồng lúa, làm du lịch mang lại thu nhập cao hơn. Vợ chồng mình và nhiều người dân trong bản có việc làm và thu nhập", A Páo chia sẻ.

xóa bỏ cây thuốc phiện - thành điểm du lịch hấp dẫn 

Sự đổi thay trong nếp nghĩ, cách làm của bà con người Mông đã dần đẩy lùi tệ nạn đã từng tồn tại cả mấy thập kỉ. Hang Kia – Pà Cò từng là điểm nóng về ma túy, nhưng mấy năm gần đây, 2 địa danh này trở thành điểm du lịch hấp dẫn về văn hóa là những chuyến săn mây kỳ thú... Anh Giàng A La, Giám đốc HTX dịch vụ du lịch và nông nghiệp Hang Kia chia sẻ: Với mong muốn xây dựng Hang Kia trở thành điểm đến hấp dẫn khách du lịch trong nước và quốc tế, các thành viên của HTX đã đầu tư trồng hoa, tạo cảnh quan, quan tâm nâng cao chất lượng cơ sở lưu trú; tổ chức nhiều hoạt động trải nghiệm thú vị như thăm quan vườn mận, trang trại cam rộng 15 ha của HTX…

Xa rồi những mùa hoa anh túc  - Ảnh 4.

Quá khứ đau thương, chìm đắm trong làn khói u mê của thuốc phiện, giờ đã lùi xa. Bà con người Mông ở xã Hang Kia và Pà Cò đã biết tận dụng vẻ đẹp nguyên sơ để chào đón du khách đến nghỉ dưỡng.

Khách du lịch có thể tự tay dệt thổ cẩm tại gia đình hộ thành viên HTX để tạo ra những bộ trang phục thổ cẩm độc đáo… Từ đầu năm đến nay, HTX đón trên 1.000 lượt khách (khoảng 500 khách lưu trú); doanh thu đạt trên 1 tỷ đồng.  

Xuân Tuấn