Xã cùng nhà trường chung tay xoá mù chữ cho người dân
Lớp xoá mù chữ được thực hiện hàng ngày vào buổi tối, từ 19h đến 21h30. Các học viên sẽ được học chương trình tiểu học có trình độ từ lớp 1 đến lớp 3.
Tham dự lễ khai giảng có đồng chí Giàng A Hạ - Phó chủ tịch UBND xã Phìn Hồ, cùng lãnh đạo nhà trường, thầy cô giáo và các học viên.
Trong quá trình học, mỗi học viên sẽ được hỗ trợ 10kg gạo/tháng. Ngoài ra, các học viên còn được hỗ trợ miễn phí: Sách vở, bút mực.
Chia sẻ với phóng viên báo Nông thôn ngày nay / Dân Việt / Trangtraiviet điện tử, thầy giáo Nguyễn Ngọc Huyền, Hiệu Trưởng trường PTDTBT Tiểu học Phìn Hồ cho biết: Việc mở lớp học này nhằm nâng cao tỷ lệ phổ cập giáo dục tiểu học, xóa mù chữ trên địa bàn xã Phìn Hồ.
Mục tiêu trước mắt của lớp xoá mù chữ là dạy cho các học viên biết đọc, biết viết và tính toán những phép tính đơn giản, phục vụ trực tiếp việc mua bán, trao đổi hàng hóa, biết giao tiếp bằng tiếng phổ thông…
Nỗ lực mở lớp xoá mù chữ
Tà Gênh là bản khó khăn của xã vùng cao Phìn Hồ (huyện Sìn Hồ, Lai Châu), các hộ gia đình sinh sống chủ yếu là đồng bào dân tộc Mông. Do hoàn cảnh khó khăn nên việc tiếp cận với con chữ rất khó.
Để mở được lớp học xoá mù chữ này, các thầy cô giáo trường PTDTBT Tiểu học Phìn Hồ đã phối hợp với Hội phụ nữ và Đoàn Thanh niên xã đến từng nhà, vận động từng người đi học.
Qua câu chuyện với các thầy giáo, cô giáo, được biết: Đa số những người mù chữ trong bản đều là trụ cột, lao động chính của gia đình, hàng ngày phải đi làm nương kiếm sống.
Từ sự vận động của các thầy cô giáo trường PTDTBT Tiểu học Phìn Hồ, lớp học xoá mù chữ đã có 27 học viên tham gia, 100% là dân tộc Mông. Học viên nhỏ nhất sinh năm 2002 và lớn nhất sinh năm 1976.
Chia sẻ thêm với phóng viên về chương trình dạy học, thầy giáo Nguyễn Ngọc Huyền, Hiệu Trưởng trường PTDTBT Tiểu học Phìn Hồ cho biết: Trong các buổi học, nhà trường phối hợp với các chính quyền xã kết hợp tuyên truyền các chính sách của Đảng và nhà nước, luật hôn nhân gia đình..., kỹ thuật chăn nuôi, trồng trọt cho các học viên…