dd/mm/yyyy

Ngành giáo dục Lai Châu: Nhiều khó khăn đầu năm học mới

Triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới 2018 trên địa bàn, ngành giáo dục Lai Châu gặp khá nhiều khó khăn do thiếu giáo viên ở các cấp học…

Clip: Nhiều khó khăn đầu năm học mới ở ngành giáo dục Lai Châu.

Ngành giáo dục Lai Châu đầu tư cơ sở vật chất cho năm học mới

Năm học 2022 - 2023, trường liên cấp Tiểu học và Trung học cơ sở Xà Dề Phìn, huyện Sìn Hồ (Lai Châu) được thành lập trên cơ sở sát nhập 2 trường Tiểu học và Trung học cơ sở.

Năm đầu tiên triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới với nhiều khó khăn do có nhiều điểm trường cách xa nhau; giáo viên bộ môn triển khai chương trình mới thiếu, cơ sở vật chất đáp ứng cho công tác giảng dạy, nhất là bộ môn tin học thiếu thốn đã ảnh hưởng rất lớn đến công tác dạy học của nhà trường.

Chia sẻ với phóng viên báo Nông thôn ngày nay / Dân Việt / Trangtraiviet điện tử, thầy giáo Bùi Ngọc Hồng, Hiệu trưởng trường Tiểu Học và Trung học cơ sở Xà Dề Phìn cho biết: Hiện tại các phòng chức năng của nhà trường còn thiếu, giáo viên chưa đủ so với định mức.

Ngành giáo dục Lai Châu: Nhiều khó khăn đầu năm học mới - Ảnh 2.

Phòng học Tin học mới được đầu tư của trường Liên cấp Xà Dề Phìn, huyện Sìn Hồ (Lai Châu) ở điểm trường Trung tâm có 21 máy tính không đáp ứng đủ nhu cầu dạy và học. Ảnh Bảo Anh

Nhà trường được trang bị một phòng tin học với 21 máy tính tại điểm trường trung tâm. Tuy nhiên, sau sát nhập, nhà trường lại có đến 3 điểm trường, các điểm cách nhau trên 3km. Khi học môn tin học, học sinh từ điểm trường phải di chuyển quãng đường trên đến điểm trường trung tâm, học xong lại quay về điểm trường, rất bất cập.

Bước vào năm học mới, ngành giáo dục huyện Sìn Hồ (Lai Châu) có 64 đơn vị trường với hơn 25 nghìn học sinh. Mặc dù đã tổ chức bồi dưỡng, tập huấn chương trình giáo dục phổ thông 2018 cho 100% cán bộ quản lý, tổ chuyên môn, giáo viên.

Ngành giáo dục Lai Châu: Nhiều khó khăn đầu năm học mới - Ảnh 3.

Học sinh lớp 7 trường liên cấp Xà Dề Phìn, huyện Sìn Hồ (Lai Châu) năm học này mới được học môn Tin học do trước đây không có giáo viên và phòng chức năng. Ảnh Bảo Anh

Tuy nhiên, huyện chỉ mới có 9/20 trường tiểu học có phòng tin học, cùng với đó, bộ môn tin học còn thiếu trên 10 giáo viên và gần 20 giáo viên ở môn Tiếng Anh.

Việc thiếu thốn về cơ sở vật chất cũng như giáo viên đang đặt ra một vấn đề lớn cho các nhà trường, đòi hỏi ngành giáo dục huyện biên giới Sìn Hồ phải triển khai các biện pháp cấp bách để bảo đảm tốt công tác dạy học.

Chia sẻ với chúng tôi, ông Phạm Văn Phôi, Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Sìn Hồ (Lai Châu) cho biết: Phòng Giáo dục và Đào tạo đã có những giải pháp để khắc phục tình trạng thiếu giáo viên, nhất là giáo viên môn Tiếng Anh và môn Tin học để dạy chương trình lớp 3. Phòng đã tham mưu cho Ủy ban nhân dân huyện điều giáo viên ở nơi thừa đến những nơi thiếu và những nơi thiếu ít đến nơi thiếu nhiều.

Phòng cũng rà soát và giao nhiệm vụ cho giáo viên Tiếng Anh và giáo viên Tin học của cấp trung học cơ sở dạy kiêm nhiệm môn Tiếng Anh và môn Tin học cấp tiểu học. Đó là giải pháp tình thế, còn về lâu dài, ngành cũng mong UBND huyện và các cơ quan chức năng tạo điều kiện, tuyển thêm giáo viên để bảo đảm tốt cho công tác dạy học của huyện.

Nhiều giải pháp giải quyết khó khăn của Ngành giáo dục Lai Châu

Hiện tại, tỉnh Lai Châu còn thiếu hơn 1.300 biên chế so với định mức, trong đó tập trung nhiều ở bậc mầm non và trung học cơ sở. Đặc biệt, ở các bộ môn lần đầu tiên áp chương trình mới, tỉnh còn thiếu 79 giáo viên Tiếng Anh và thiếu 88 giáo viên Tin học ở cả ba cấp tiểu học, trung học cơ sở, trung học phổ thông.

Những năm gần đây, ở Lai Châu, số học sinh có nhu cầu vào học trung học phổ thông tăng cao. Vì vậy, Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Lai Châu đã tham mưu ủy ban nhân dân tỉnh bố trí kinh phí đầu tư xây dựng thêm phòng học và các công trình phụ trợ nhằm đáp ứng đủ nhu cầu dạy và học.

Ngành giáo dục Lai Châu: Nhiều khó khăn đầu năm học mới - Ảnh 5.

Năm học 2022-2023, toàn tỉnh Lai Châu thiếu 1.300 giáo viên so với định mức, trong đó thiếu nhiều nhất là giáo viên bộ môn Tin học, Tiếng Anh. Ảnh Bảo Anh

Ông Đinh Trung Tuấn, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Lai Châu cho rằng, căn cứ chỉ tiêu biên chế được giao, Sở Giáo dục và Đào tạo, Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố xây dựng kế hoạch tuyển dụng viên chức ngành giáo dục theo phân cấp; ưu tiên tuyển dụng giáo viên môn mới, đặc biệt là giáo viên các môn Tiếng Anh, Tin học.

Bên cạnh đó, Sở Giáo dục và Đào tạo cũng đã chỉ đạo các trường Trung học phổ thông, Dân tộc nội trú trên địa bàn căn cứ tình hình của nhà trường tuyển sinh tối đa học sinh có nhu cầu vào học Trung học phổ thông hoặc học tại trường dân tộc nội trú diện không được hưởng chế độ nội trú. Hiện nay, sĩ số học sinh các trường trung học phổ thông dự kiến trung bình khoảng 55 học sinh/lớp; dân tộc nội trú 40 học sinh/lớp - ông Tuấn cho biết thêm.

Giải pháp tạm thời đang được ngành giáo dục Lai Châu thực hiện là luân chuyển giáo viên bộ môn ở nơi thiếu ít sang nơi thiếu nhiều, ký hợp đồng ngắn hạn với các giáo viên ở bộ môn thiếu giáo viên.

Tuy nhiên, nguồn tuyển giáo viên các bộ môn này ở Lai Châu rất khan hiếm, đòi hỏi các nhà quản lý giáo dục, các cấp ngành liên quan cần có những định hướng và chế độ ưu tiên nhằm thu hút các giáo viên cống hiến lâu dài cho những vùng khó khăn như Lai Châu.

Bảo Anh