dd/mm/yyyy

Bắc Yên - Sơn La: Từ vựa thuốc phiện thành vùng cây ăn quả

Bà con người Mông ở các xã vùng cao huyện Bắc Yên (Sơn La) đã biết trồng cây ăn quả trên đất dốc để tháy thế cây thuốc phiện, xóa đói, giảm nghèo và làm giàu...

Lên Bắc Yên xem bà con chuyển đổi sản xuất

Đường đến các xã vùng cao của huyện Bắc Yên giờ rất thuận tiện. Đường liên xã, liên thôn đã được trải bê tông, xe chạy bon bon. Không còn cảnh xa ngái, núi cách, suối ngăn như những năm trước nữa. Ở các bản cao, bà con người Mông không còn u mê trong làn khói thuốc phiện. Họ đã mạnh dạn đoạn tuyệt với quá khứ đau thương để xây dựng bản làng ngày càng giàu đẹp hơn. Chương trình phát triển cây ăn quả trên đất dốc mà tỉnh Sơn La phát động đã lan tỏa tới tận những bản làng xa xôi nhất. Bà con người Mông không còn độc canh cây ngô, cây lúa nữa, họ đưa cây lên, cây mận và cây có múi vào sản xuất.

Cách đây 2 thập kỉ, tôi đã có dịp đặt chân lên xã Tà Xùa – nóc nhà của tỉnh Sơn La. Hầu hết các hộ dân sinh sống ở xã vùng cao này là bà con người dân tộc Mông. Khi đó, trên mỗi nếp nhà, cuộc sống còn khó khăn lắm. Cái đói, cái nghèo còn bủa vây bản làng. 

Từ vựa thuốc phiện thành vùng cây ăn quả  - Ảnh 1.

Anh Lù A Sáy ở bản Tà Xùa C, xã Tà Xùa là một trong những người dân dám nghĩ, dám làm. Anh đã mạnh dạn chuyển đổi cây trồng làm giàu cho mình và vận động các hộ dân khác làm theo.

Trong cái khó nhọc của người vùng cao lại có một chàng trai người Mông đã dám nghĩ, dám làm và dám vượt qua hủ tục để vươn lên. Đó là anh Lù A Sáy ở bản Tà Xùa C. A Sáy có cách làm hoàn toàn khác với bà con người Mông khi đó. Trong khi nhiều người đi khai thác gỗ ở rừng, Sáy lại mạnh dạn trồng cả nghìn cây pơ mu ở vườn nhà. Bên cạnh đó, Sáy còn vận động bà con góp công, góp của mở đường vào bản. Không dừng lại ở đó, Sáy trồng su su, trồng mận... Biến bản Mông trở thành nơi sản xuất hàng hóa.

Từ vựa thuốc phiện thành vùng cây ăn quả  - Ảnh 2.

Điện, đường, trường, trạm đã vươn tới các xã vùng cao của huyện Bắc Yên. Nhờ đó mà đời sống của bà con đang dần được nâng lên.

Những việc làm của Sáy đã mang lại hiệu quả và tác động mạnh mẽ tới đời sống của bà con nơi đây. "Để thuyết phục mọi người, không gì bằng những việc làm thiết thực và hiệu quả. Như mình trồng cây su su bán có tiền. Nuôi con lợn, con trâu có kĩ thuật sẽ lớn nhanh hơn so với cách làm cũ. Làm đường về bản, xe máy đi được. Nó chở tải ngô, tải thóc thay đôi vai", A Sáy bảo. Khi đó những bản Mông còn đang loay hoay với việc trồng cây gì, nuôi con gì,  A Sáy đã đi trước một bước.

 Giờ đây, rừng pơ mu của A Sáy đã lên xanh tốt, nhiều cây cao cả chục mét. Trong khi đó rừng tự nhiên ở Tà Xùa đang bị thu hẹp nhanh chóng nhường đất cho sản xuất. Ít người dám bỏ ra cả chục năm để trồng rừng như A Sáy. Cách làm của anh cũng đã đánh động tới chính quyền huyện, xã. Người dân không thể cứ dựa vào rừng mãi được mà phải thay đổi cách làm khác.

Từ vựa thuốc phiện thành vùng cây ăn quả  - Ảnh 3.

Phát triển cây ăn quả đang được bà con ở các xã vùng cao của huyện Bắc Yên trồng trên diện rộng.

Ở Tà Xùa còn có cây chè shan tuyết cổ thụ. Tuy nhiên đến nay, việc khai thác chè mới chỉ dừng lại ở quy mô nhỏ. Theo ông Mùa A Sang, Chủ tịch UBND xã Tà Xùa, những năm gần đây Tà Xùa đã có sự thay đổi theo hướng tích cực. Nhớ lại những ngày bà con ở các bản còn trồng thuốc phiện cái đói, cái nghèo và lạc hậu còn ở trong từng nếp nhà. Từ ngày thực hiện chủ trương, chuyển đổi cây trồng và xóa bỏ cây thuốc phiện, Tà Xùa mới thực sự bước vào cuộc đấu tranh giữa cái cũ và cái mới. "Từ cách làm của A Sáy, các hộ dân đã dần cải tạo vườn tạp sang trồng cây ăn quả. Tà Xùa dần trở thành vùng sản xuất hàng hóa. Không dừng lại ở đó, nhiều hộ dân còn mạnh dạn đầu tư làm du lịch. Nhiều homestay đã được xây dựng và mở cửa đón khách. Từ đây cuộc sống của bà con cũng dần được cải thiện", ông Sang chia sẻ.

Từ vựa thuốc phiện thành vùng cây ăn quả  - Ảnh 4.

Xã Tà Xùa giờ còn trở thành địa điểm du lịch hấp dẫn.

Sự thay đổi trong nếp nghĩ, cách làm không chỉ diễn ra ở xã Tà Xùa mà giờ đây đi qua các xã vùng cao như Háng Đồng, Mường Khoa... bà con người Mông, người Thái đã mạnh dạn trồng cây ăn quả trên đất dốc. Mỗi nơi một cách làm, nhưng họ đều quyết tâm hành động và thay đổi cuộc sống của mình. Họ không còn phụ thuộc vào cây thuốc phiện như những năm trước đây nữa. Gia đình bà Lừ Thị Chói, ở bản Pót, xã Mường Khoa đã trồng được 1ha xoài, cách đây cả chục năm. Giờ cây xoài đã cho thu hoạch ổn định. 2 năm trở lại đây, giá xoài có xuống thấp, nhưng do biết cách chăm sóc nên sản lượng xoài tăng lên nhanh chóng, mỗi năm gia đình bà vẫn thu được cả trăm triệu đồng. Đây là một khoản tiền lớn so với bà con nơi đây. Nguồn thu nhập của gia đình bà Chói dần được nâng lên.

Người Mông Bắc Yên đưa cây ăn quả lên đất dốc

Hành trình xóa bỏ cây thuốc phiện ở huyện Bắc Yên cũng trải qua nhiều năm liền. Ngay khi thực hiện chủ trương của Nhà nước xóa bỏ cây thuốc phiện, các xã cũng loay hoay với việc tìm cách trồng cây gì, nuôi con gì để đời sống của bà con được nâng lên. Suốt mấy thập kỉ, nhiều chương trình xóa đói giảm nghèo đã về với bà con vùng cao. Điều dễ nhận thấy nhất trên những quả núi từng bị ngọt trọc để trồng ngô, tra lúa, nay đã có bóng mát của cây ăn quả. Đây thực sự là một sự chuyển biến lớn trong nhận thức của bà con vùng cao.

Từ vựa thuốc phiện thành vùng cây ăn quả  - Ảnh 5.

Bà con người dân tộc ở Bắc Yên được nhận cây giống hỗ trợ từ chính quyền địa phương. Việc bà con mạnh dạn trồng cây ăn quả trên đất dốc đã góp phần quan trọng trong việc xóa bỏ cây thuốc phiện.

Huyện Bắc Yên hiện có 16 xã với trên 100 bản, trong đó còn có một số bản đặc biệt khó khăn, tỷ lệ hộ nghèo còn cao, kinh tế giữa các vùng chênh lệch, nhất là ở các xã vùng cao. Để nâng cao thu nhập cho người dân, huyện đã huy động các nguồn lực đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, tạo điều kiện hỗ trợ nhân dân các xã vùng cao phát triển kinh tế, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi.

Từ năm 2016 đến nay, qua việc tổ chức thực hiện chủ trương của tỉnh Sơn La về phát triển cây ăn quả, UBND huyện Bắc Yên đã thực hiện hỗ trợ nhân dân trồng mới, ghép cải tạo vườn tạp bằng giống cây ăn quả chất lượng cao phù hợp với điều kiện khí hậu của từng vùng, như: Xoài ghép, nhãn ghép giống chín muộn, mận hậu ghép... Đến nay, toàn huyện Bắc Yên có 6.517 ha cây ăn quả (trồng mới 3.588 ha bằng các loại giống cây ăn quả chất lượng cao), diện tích đang cho thu hoạch là 3.621 ha, sản lượng 9.089 tấn. Trong đó, sản lượng một số sản phẩm quả chủ lực, như: Xoài 1.090 tấn, nhãn 499 tấn, mận hậu khoảng 40 tấn, sơn tra 1.832 tấn đã được tổ chức liên kết giúp người dân tiêu thụ.

Từ vựa thuốc phiện thành vùng cây ăn quả  - Ảnh 6.

Từ năm 2015 đến nay, Bắc Yên đã trồng mới 500 ha sơn tra, nâng tổng số diện tích sơn tra hiện có gần 2.600 ha, trong đó, 1.530 ha cho thu hoạch, sản lượng ước đạt khoảng 1.900 tấn/năm, tập trung chủ yếu tại các xã Háng Đồng, Làng Chếu, Xím Vàng và Hang Chú. Quả sơn tra được các HTX và các doanh nghiệp trên địa bàn thu mua để chế biến thành rượu vang sơn tra và chế biến khô để đem đi tiêu thụ tại các tỉnh đem lại nguồn thu nhập, góp phần làm giảm tỷ lệ hộ nghèo cho người dân các xã vùng cao.

Bên cạnh cây ăn quả ôn đới như lê, mận và cây có múi, huyện Bắc Yên còn phát triển mạnh trồng cây sơn tra (táo mèo). Ở hầu hết các xã của huyện đều trồng cây sơn tra. Theo bà Dương Thị Lan Hương, Trưởng phòng NN&PTNT huyện Bắc Yên, những năm qua, Phòng đã phối hợp với cơ quan chuyên môn cải tạo, lai ghép giống cây sơn tra, để đầu tư phát triển sản xuất, xây dựng thành vùng nguyên liệu tập trung. Đẩy mạnh tuyên truyền, vận động, hướng dẫn người dân kỹ thuật đốn tỉa, thu hái, phòng trừ sâu bệnh và các phương pháp bảo quản kéo dài thời gian lưu quả để nâng cao chất lượng sản phẩm sơn tra nguyên liệu.

Từ vựa thuốc phiện thành vùng cây ăn quả  - Ảnh 7.

Ngoài trồng cây ăn quả, bà con nông dân ở Bắc Yên còn chú trọng đến chăn nuôi gia súc. Sau mấy thập kỉ, thực hiện chủ trương xóa bỏ cây thuốc phiện, các xã vùng cao đã không còn bóng hoa cây anh túc.

Bên cạnh đó, huyện Bắc Yên chỉ đạo nâng cao hiệu quả hoạt động của các hình thức tổ chức sản xuất, năng lực và vai trò của các tổ chức hợp tác của nông dân trong việc tổ chức sản xuất theo chuỗi từ cung cấp dịch vụ đầu vào, bảo quản, chế biến nông sản và tiếp cận thị trường; ưu tiên vận dụng các nguồn vốn, chính sách hỗ trợ sản xuất thông qua các hợp tác xã, doanh nghiệp nhằm thu hút đầu tư hình thành các liên kết chuỗi giá trị bền vững. Thúc đẩy phát triển các cơ sở sơ chế, chế biến sâu tiêu thụ sản phẩm quả tại chỗ cho người nông dân; chỉ đạo phát triển sản xuất theo hướng sản xuất tập trung, ứng dụng công nghệ cao, sản xuất theo quy trình VietGAP, GlobalGAP hoặc các tiêu chuẩn tương tự; khuyến khích đầu tư sản xuất, phát triển các sản phẩm OCOP của địa phương từ sản phẩm nông nghiệp, đặc biệt là các sản phẩm quả...

Xuân Tuấn