dd/mm/yyyy

Nơi thượng nguồn sông Chảy không còn cây thuốc phiện

Cây thuốc phiện đã từng phủ kín các xã vùng cao của tỉnh Lào Cai. Nhưng hôm nay, vựa thuốc phiện khi xưa, giờ thành vùng cây ăn quả ôn đới có giá trị.

Xã đã sạch bóng cây thuốc phiện

Lùng Cải – xã xa xôi và nghèo nhất của huyện Bắc Hà cũng như của tỉnh Lào Cai từng là thủ phủ của cây thuốc phiện. Hầu hết cư dân nơi đây là bà con người Mông sống ở thượng nguồn sông Chảy. Vùng đất cao nguyên với những dãy núi cao nối dài từng là thủ phủ của cây thuốc phiện. Mùa hoa nở, cả vùng núi rộng lớn được tô điểm bởi vẻ đẹp ma mị của hoa anh túc. Những đồi hoa thuốc phiện nối liền nhau chạy tới đường chân trời. Cây thuốc phiện trồng nhiều hơn cả cây lương thực, nên bản làng chìm trong làn khói u mê. Chẳng ai thiết làm gì, cứ đợi mùa hoa khứa nhựa rồi mang xuống chợ bán đổi lương thực.

Ông Giàng Seo Diu, Bí Thư xã Lùng Cải là người Mông, ông cũng là người chứng kiến bao mùa hoa anh túc trôi qua ở đất này. Nhắc lại chuyện xưa, ông Diu vẫn còn cảm thấy ớn lạnh. Khi đó, bản trên, bản dưới đều có người nghiện thuốc phiện. Mỗi khi nhà nào có đám ma, đám cưới là bàn đèn thuốc phiện gả ra. Người già, người trẻ chân co, chân duỗi bên bàn đèn. Ít người màng gì đến chuyện làm ăn. Của nhà trồng được, nên người nghiện nhiều lắm. Vào mùa đông, bản làng chìm trong sương núi và màu khói của thuốc phiện. "Nương rẫy bỏ bê. Người người chìm đắm khiến bản làng tiêu điều. Đó là giai đoạn vô cùng khó khăn với các gia đình người Mông nơi đây", ông Diu nhớ lại.

Xa xồi những mùa hoa anh túc nơi thượng nguồn sông Chảy - Ảnh 1.

Vựa thuốc phiện khi xưa ở các xã vùng cao của tỉnh Lào Cai, giờ đang thay đổi từng ngày. Thay vì trồng cây thuốc phiện, bà con người Mông chuyển sang trồng cây ăn quả.

Ngày đó đâu riêng gì xã Lùng Cải, trải khắp các xã vùng cao từ Si Ma Cai, Bảo Thắng, rồi tới huyện Sa Pa, Bát Xát xa xôi. Đâu đâu người dân cũng trồng thuốc phiện. Cây thuốc phiện hợp đất này, chỉ cần reo chúng xuống là chúng lên rất khỏe. Nói như ông Nguyễn Xuân Giang, Trưởng phòng NN&PTNT huyện Bắc Hà: "Thứ cây đó sinh sôi, nảy nở hơn cả cỏ dại. Cả một vùng cao nguyên rộng lớn, chìm đắm trong màu hoa thuốc phiện".

Mùa hoa thuốc phiện nở thì đẹp đấy, nhưng nó mang lại bao tai ương cho bản làng. Đầu những năm 1990, Nhà nước có chủ trương xóa bỏ cây thuốc phiện. Mệnh lệnh đó đã được thông báo tới các xã, tới tận những bản xa xôi nhất của vùng cao nơi thượng nguồn sông Chảy. Bản trên, bản dưới bàn luận râm ran. Người đồng ý, người phản đối, cái mà người dân lo nhất là bỏ cây thuốc phiện biết làm gì để sống. Những cuộc họp bản, họp xã, đâu đâu, người ta cũng đưa ra những ý kiến như vậy. Cuối cùng, mọi người vẫn thống nhất là quyết tâm bỏ cây thuốc phiện.

Xa xồi những mùa hoa anh túc nơi thượng nguồn sông Chảy - Ảnh 2.

Bà con người Mông ở xã Lùng Cải, huyện Bắc Hà đã thành công trong việc xóa bỏ cây thuốc phiện.

Lại nói đến chuyện đó ở Lùng Cải, ông Diu cũng từng tham gia và đi qua những ngày gian khó đó cùng bà con người Mông. Xóa bỏ cây thuốc phiện, Nhà nước đưa các loại giống cây trồng vào hỗ trợ bà con như cây ngô, cây lúa, cây sắn, cây rong giềng… Tuy nhiên, những ngày đầu xóa bỏ cây thuốc phiện quả là gian nan. "Bên cạnh việc vận động người nghiện đi cai nghiện, tiếp đến là dạy dân trồng lại cây lương thực. Cái việc mà bao đời trước đã làm, nay trồng lại thấy ngượng nghịu và vướng víu", ông Di nhớ lại.

Chủ trương của trên đưa xuống, dần cũng nhận được sự đồng lòng của cán bộ. Từ xã đến bản đều thống nhất là quyết tâm xóa bằng được cây thuốc phiện. Cán bộ, đảng viên làm gương làm trước. Sau một hai vụ, người dân cũng dần quen với việc, không có thu nhập từ cây thuốc phiện. Họ vẫn sống được bằng cách trồng cây lương thực và cây ăn quả. Điều đọng lại trong tâm trí họ là con, cháu người Mông không còn quay cuồng trong cơn nghiện thuốc phiện nữa. Người cai được nghiện, đưa về bản để gia đình giám sát. Làn khói u mê của thuốc phiện từng ru ngủ bao người ở bản cao dần được đánh tan. Người Mông đã "thoát khỏi" tai kiếp của ả phù dung. Họ nhận ra rằng, chỉ có đoạn tuyệt với cây thuốc phiện, bản làng mới có đường sáng để đi.

Xoá cây thuốc phiện, đánh thức tiềm năng nông sản bản làng

Những ngày tháng đau thương ở các bản Mông đã dần lui vào dĩ vãng. Mùa hoa thuốc phiện, giờ chỉ còn trong kí ức của người già. Giờ đến xã Lùng Cải, điều dễ nhận thấy nhất là bà con người Mông hăng say sản xuất. Trên những quả đồi cao có bóng dáng của cây ăn quả. Trong mỗi nếp nhà, không còn làn khói u mê mà là ánh lửa hồng sưởi ấm đêm đông, rộn vang tiếng cười. Người Mông không còn lo con cái mình mắc nghiện nữa, trong mỗi câu chuyện là bàn về việc trồng cây lê, cây mận Tả Van, nuôi con trâu, con bò và chuyện vận động đàn con đi học lấy cái chữ.

Xa xồi những mùa hoa anh túc nơi thượng nguồn sông Chảy - Ảnh 3.

Ông Dìn (người bên trái) đã trồng được 900 cây mận và 300 cây lê.

Sự đổi thay đó đã hiển hiện trên từng nếp nhà. Nói như ông Lương Văn Hưng, Chủ tịch xã Lùng Cải: "Nhiều chương trình của Nhà nước đã giúp bà con chuyển đổi cơ cấu cây trồng. Việc đưa cây lê, cây mận bản địa vào trồng ở Lùng Cải đã bước đầu mang lại hiệu quả".

Theo lời giới thiệu của xã, chúng tôi thăm mô hình trang trại của ông Thào A Dìn ở bản Xín Chải Lùng Chín. Ông Dìn đã trồng được 900 cây mận tả van, 300 cây lê, ngoài ra ông còn nuôi dê, nuôi lợn và trâu, bò. Hôm chúng tôi đến thăm, ông Dìn đang xếp từng bó cỏ voi giống để đưa lên đồi trồng. "Giống cỏ Nhà nước phát cho đấy. Đất mình còn rộng, mình trồng để cho con dê, con trâu, con bò có cỏ ăn khi mùa đông về", ông Dìn chia sẻ.

Xa xồi những mùa hoa anh túc nơi thượng nguồn sông Chảy - Ảnh 4.

Vợ chồng anh Lù nhóm bếp, đun nước sôi cho đàn ngựa uống.

Những năm trước đây, ông Dìn trồng ngô, trồng lúa nương trên diện tích gần 2ha này. Cả nhà làm quần quật từ sáng đến đêm mà cuộc sống vẫn nghèo, vẫn khó. Từ khi chuyển sang trồng cây lê, cây mận… thu nhập của gia đình đã được nâng cao. "Vụ mận năm nay, tôi thu được cả trăm triệu đồng đấy. Mận Tả Van cho quả to, chất lượng ngon, tôi bán được 45.000đ/1kg. Giống lê Đài Loan cũng đã cho thu nhập. Trồng cây ăn quả, cho thu nhập cao hơn rất nhiều lần trồng ngô", ông Dìn cho biết.

Xa xồi những mùa hoa anh túc nơi thượng nguồn sông Chảy - Ảnh 5.

Cây lê được trồng ở các xã vùng cao của tỉnh Lao Cai cho năng suất cao và chất lượng thơm ngon.

Cũng giống như ông Dìn, nhiều hộ dân khác của xã Lùng Cải đã biết chuyển đổi cây trồng. Gia đình anh Vàng A Lù cũng là hộ khá của bản. Vợ chồng anh Lù nuôi ngựa, nuôi trâu và nuôi lợn. Nhờ chịu khó làm ăn mà vợ chồng anh đã xây được nhà cách đây cả chục năm. 3 đứa con được ăn học đến nơi đến chốn. Anh Lù còn tự hào khoe: "Đứa con gái lớn đang theo học đại học Thái Nguyên. 2 đứa nhỏ đang học tại trường làng. Vui lắm cái cán bộ à. Chẳng bao giờ tôi nghĩ, đứa con gái lớn của mình có ngày đi học đại học. Bình thường con gái người Mông chưa học hết cấp II đã đi lấy chồng", anh Lù tự hào khoe.

Câu chuyện làm ăn của anh Lù, ông Dìn là tấm gương sáng để những hộ khác nhìn vào và làm theo. Nối tiếp hành trình xóa bỏ cây thuốc phiện thành công, Chi Cục Phát triển nông thôn tỉnh Lào Cai (Sở NN&PTNT tỉnh Lào Cai) đã triển khai chương trình Hỗ trợ phát triển sản xuất, khuyến nghị các vật nuôi, cây trồng mới thay thế cây có chứa chất ma tuý năm 2022 trên địa bàn tỉnh Lào Cai.

Xa xồi những mùa hoa anh túc nơi thượng nguồn sông Chảy - Ảnh 6.

Giống lê VH06 được trồng tại các xã vùng cao của tỉnh Lao Cai.

Mô hình có tên là: Trồng cây ăn quả ôn đới năm 2022. Địa điểm thực hiện tại xã Lùng Cải, huyện Bắc Hà và xã Trung Chải, thị xã Sa Pa. Đối tượng tham gia là các hộ đồng bào dân tộc thiểu số nghèo, cận nghèo sinh sống trên địa bàn 2 xã. Theo đó, chương trình hỗ trợ bà con giống lê và giống mận Tả Van. Cụ thể trồng 9,5 mận Tả Van và lê VH06 tại xã Lùng Cải và trên 10ha tại xã Trung Chải.

Xa xồi những mùa hoa anh túc nơi thượng nguồn sông Chảy - Ảnh 7.

Hành trình xóa bỏ cây thuốc phiện của bà con ở các xã vùng cao gặp nhiều gian nan. Trong những năm gần đây, bà con người Mông cũng đã mạnh dạn chuyển đổi cơ cấu cây trồng. Trong đó, việc phát triển trồng cây ôn đới như cây lê, cây mận Tả Van đã giúp bà con có thêm thu nhập.

Theo ông Vi Văn Phát, Phó Chi Cục trưởng, Chi cục Phát triển nông thôn tỉnh Lào Cai, chương trình này sẽ giúp các hộ dân tiếp cận với giống cây trồng mới có giá trị, hiệu quả kinh tế cao phù hợp với trình độ, tập quán và điều kiện sản xuất tại địa phương. Góp phần nâng cao nhận thức, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần, hạn chế việc tái trồng cây có chứa chất ma tuý tại các địa phương.

Xa xồi những mùa hoa anh túc nơi thượng nguồn sông Chảy - Ảnh 8.

Mấy năm gần đây, bà con người Mông ở huyện Si Ma Cai còn đưa cây dược liệu vào trồng trên diện rộng.

"Chương trình sẽ tạo công ăn việc làm cho khoảng 60 lao động nông thôn tham gia dự án trên địa bàn các xã. Việc thực hiện dự án góp phần làm tăng thu nhập trung bình của hộ gia đình tham gia dự án từ 20 triệu đồng/người/năm vào năm 2022 và lên 80 triệu đồng/người/năm vào năm 2025 tại vùng triển khai dự án. Đây cũng là mô hình có thể triển khai và nhận rộng ra nhiều xã vùng cao khác của tỉnh Lào Cai", ông Phát cho biết.

Xuân Tuấn