Thu nhập khá với mô hình nuôi gà ác Giấc mơ về chuỗi nhà hàng đặc sản gà sạch Nuôi gà trên đất đồi thu lợi nhuận hàng trăm triệu đồng Chọn gà mía để phát triển kinh tế |
Lãi cả trăm triệu đồng mỗi lứa gà
Trang trại chăn nuôi gà của anh Trần Ngọc Sinh, (39 tuổi) thôn Phú Lễ 2, xã Bình Trung (Bình Sơn) là một trong những trang trại gà áp dụng phương pháp chăn nuôi chuồng lạnh đầu tiên của huyện Bình Sơn, với quy mô 34.000 con, diện tích khoảng 7.000m2. Ở đây, mỗi trang trại nuôi gà lạnh trung bình có thể nuôi từ 15.000- 16.000 con. Mỗi năm anh Sinh sẽ xuất 4 lứa gà (mỗi lứa 65 ngày), trọng lượng đạt từ 2.5-3.8kg.
Để xây dựng nuôi gà trại lạnh, ban đầu anh Sinh phải bỏ ra một nguồn vốn khá lớn, gần 3 tỷ đồng cho hai chuồng trại. Trại được xây dựng kiên cố, xây bằng bê tông, khung thép, hệ thống máy lạnh làm mát không khí, cùng máng nước tự động, khay để thức ăn, xung quanh trại là vườn cây xanh rợp bóng mát. Anh Sinh cho biết, hầu hết các chủ trang trại ở đây đều nuôi trại hở.
Tuy nhiên, nuôi cách này người nuôi không chủ động được nhiệt độ nên trại lúc nóng, lúc ẩm ướt, lạnh... khiến gà rất dễ sinh bệnh, nguy cơ thất thu cao. Đó là chưa kể đầu ra bấp bênh. Nếu đến kỳ xuất bán mà không tiêu thụ được hết lại phải nuôi duy trì, gà ít tăng cân mà lượng thức ăn nuôi hàng ngày vẫn phải bảo đảm nên hiệu quả thấp. Sau khi tìm hiểu, anh quyết định hợp tác nuôi gà trại lạnh với Công ty C.P Việt Nam.
Trên cơ sở hợp đồng ký kết, anh Sinh được đối tác cung cấp gà giống, thức ăn, hướng dẫn kỹ thuật nuôi và vệ sinh chuồng trại, đồng thời bao tiêu đầu ra. Còn anh đầu tư cơ sở hạ tầng và công chăm sóc. Với mức hỗ trợ đầu ra khoảng 6.000 đồng/kg, ngoài ra được thưởng ở nhiều tiêu chí như: đạt trọng lượng gà, tỷ lệ hao hụt ít... tính ra, mỗi lứa gà gia đình anh thu lãi khoảng 200 triệu đồng.
"Mô hình này tuy đầu tư chi phí khá cao nhưng lại rất chắc ăn. Toàn bộ quy trình từ nuôi đến cho ăn đều được khép kín nên gà lớn nhanh và hầu như không có bệnh, đặc biệt, đầu vào, đầu ra đều có đối tác bao tiêu. Mỗi lứa gà khi xuất bán, theo thỏa thuận với Công ty C.P, trung bình 1kg gà người nuôi sẽ hưởng khoảng 6.000 đồng, sau khi trừ chi phí, chúng tôi thu lãi gần 200 triệu đồng. Với 2 trang trại gà hiện nay, gia đình anh thu nhập hơn nửa tỷ đồng/năm, anh Sinh phân tích.
Nhận thấy mô hình nuôi gà trại lạnh đem lại hiệu quả kinh tế cao, gia đình ông Cao Văn Thân, thôn Phú Lễ 2, xã Bình Trung (Bình Sơn) cũng học tập và làm theo. Hiện, ông đang xây dựng hệ thống chuồng lạnh trên diện tích 5.000m2. Ông Thân cho rằng, nuôi gà trại lạnh "khỏe" hơn so với cách nuôi hở truyền thống. Do được trang bị hệ thống máng nước, khay để thức ăn theo dây chuyền nên tiết kiệm được chi phí nhân công. Mỗi trại chỉ cần vài nhân công vẫn làm hết mọi việc hàng ngày. Hơn nữa, trại lạnh được xây dựng kiên cố, có thể sử dụng hàng chục năm, trong khi trại thường sau 2-3 năm đã xuống cấp".
Không riêng gì các hộ nuôi trên địa bàn huyện Bình Sơn, để ổn định đầu ra cho sản phẩm và ít phải chịu rủi ro, nhiều chủ trang trại trên địa bàn tỉnh đã chuyển sang theo hướng nuôi gà trại lạnh. Theo Chi cục Thú y Quảng Ngãi, hiện tỉnh có khoảng gần 10 trại gà lạnh, có nhiều hộ nuôi với số lượng lớn từ 32.000 đến 48.000 con mỗi lứa, tập trung tại các huyện Mộ Đức, Nghĩa Hành và Bình Sơn. Từ đó, đem lại nguồn thu nhập ổn định cho người chăn nuôi.
Ít dịch bệnh
Theo ông Võ Tấn Chung, ở xã Hành Phước (Nghĩa Hành), ngoài hiệu quả kinh tế, mô hình nuôi trại lạnh đã giảm thiểu rất nhiều nguy cơ gây bệnh. Do mô hình khép kín, việc vệ sinh chuồng trại tốt,...nên rất ít xuất hiện dịch bệnh trên gà. "Từ khi chuyển sang nuôi gà lạnh từ năm 2019 đến nay, chưa lần nào cúm gia cầm xuất hiện tại trại nuôi. Đặc biệt, các trang trại nuôi gà lạnh không nghe có mùi hôi hay xuất hiện những đám ruồi nhặng bay đầy chuồng như những trại gà hở. Không khí trước khi đưa vào chuồng cũng đều được làm mát và luân lưu liên tục nên không còn mùi hôi", ông Chung giải thích.
Theo nhiều chủ trại gà, hiện tại, người dân chủ yếu nuôi hợp đồng theo hình thức gia công với công ty Cổ phần chăn nuôi CP Việt Nam với quy mô lớn. Trên cơ sở đó, công ty sẽ trả cho người nuôi tiền công khoảng 6.000- 7.000 đồng/con gà sau 65 ngày. Ngoài ra, hộ nuôi sẽ được đối tác đầu tư trọn gói từ giống, kỹ thuật, thức ăn, còn người nuôi chỉ tốn công chăm sóc, vệ sinh chuồng trại.
Tuy nhiên để được nuôi gia công theo phương thức nuôi lạnh, điều đầu tiên người nuôi phải có vốn và mặt bằng, đảm bảo việc xây dựng chuồng trại đúng theo tiêu chuẩn của công ty đưa ra. "Dù chi phí ban đầu bỏ ra khá lớn nhưng đổi lại thu nhập ổn định. Bản thân tôi cũng không suy nghĩ, lo lắng về thị trường nữa. Quan trọng là mình nuôi sao cho tốt, độ hao hụt ít, còn mọi thứ đã có công ty lo", ông Chung chia sẻ.
Trong tình hình chăn nuôi nhỏ lẻ tiềm ẩn nhiều rủi ro bởi dịch bệnh, đầu vào và đầu ra bấp bênh như hiện nay, viêc người dân chuyển sang chăn nuôi với quy mô lớn liên kết với doanh nghiệp và áp dụng hình thức nuôi lạnh đang mở ra cơ hội cho người chăn nuôi phát triển kinh tế. Từ đó, giúp người chăn nuôi tránh khỏi những rủi ro bởi các nhân tố gây bệnh từ môi trường, giảm thiểu ô nhiễm môi trường hướng đến chăn nuôi hiệu quả bền vững.