Theo giới thiệu của lãnh đạo UBND xã Bản Lầm, chúng tôi đến thăm mô hình chăn nuôi tổng hợp của lão nông Quàng Văn Diên ở bản Pùa. Mô hình của ông nằm tách biệt hẳn so với khu dân cư khoảng 3km.
Thấy chúng tôi đến thăm, ông Diên tay bắt mặt mừng. Rót chén nước giới thiệu, làm quen, ông Diên bảo: Tôi sinh ra trong gia đình thuần nông. Trước đây, bố mẹ làm nương làm rẫy là chủ yếu nên đời sống của gia đình gặp nhiều khó khăn. Chịu ảnh hưởng từ phương thức canh tác của bố mẹ nên khi lập gia đình, hàng ngày vợ chồng tôi cũng chỉ biết cầm cái cuốc lên nương lên rẫy. Vì vậy, năm này qua năm khác, cuộc sống vẫn không khá lên được.
Sau nhiều đêm trăn trở, ông Diên bàn với vợ tìm cách làm giàu. Sau khi thăm quan, học hỏi kinh nghiệm một số mô hình chăn nuôi trên địa bàn tỉnh Sơn La, ông Diên quyết tâm từ bỏ phương thức canh tác truyền thống, chuyển sang xây dựng mô hình chăn nuôi tổng hợp. Với tiềm năng đất đai rộng lớn, ban đầu ông Diên phát triển chăn nuôi bò. Về sau, ông nuôi thêm gà Lạc Thuỷ và vịt cổ xanh.
Ông Diên cho biết: Hiện gia đình có 6 con bò, khoảng 1.000 con gà Lạc Thuỷ và trên 100 con vịt cổ xanh. Bình quân mỗi năm, tôi xuất bán 1 con bò đực và khoảng 3 tấn gà, vịt ra thị trường. Nhờ đó, từ năm 2018 trở lại đây, năm nào gia đình cũng thu nhập khoảng 150 triệu đồng. Sau khi trừ chi phí mua con giống, tôi lãi gần 100 triệu đồng mỗi năm.
Chia sẻ thêm với chúng tôi, ông Diên bảo: Nghe nói thì đơn giản như vậy thôi nhưng khi bắt tay vào làm thực tiễn mới khó. Để xây dựng thành công mô hình chăn nuôi tổng hợp như bây giờ là cả một quá trình phấn đấu không ngừng nghỉ. Trước khi bắt tay vào nuôi bò, gà, vịt, tôi đã chủ động tìm đến các trang trại có uy tín học hỏi kỹ thuật chăn nuôi, cách tiêm phòng. Bên cạnh đó, nguồn thức ăn, nước uống cung cấp cho đàn vật nuôi phải luôn đảm bảo sạch sẽ, an toàn.
Ông Cà Văn Tân, Phó Chủ tịch UBND xã Bản Lầm đánh giá: Mô hình chăn nuôi tổng hợp của gia đình ông Quàng Văn Diên phù hợp với tiềm năng của địa phương và mang lại hiệu quả cao. Không chỉ làm giàu cho gia đình, ông Diên còn sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm, hướng dẫn kỹ thuật chăn nuôi cho những hộ dân có nhu cầu trong vùng. Trong thời gian tới, xã sẽ tiếp tục tuyên truyền, vận động người dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, từng bước nâng cao thu nhập cho bà con.