Vì dòng điện ngày mai của Tổ quốc, năm 2007, gia đình ông Hoàng Văn Thắng cùng nhiều hộ dân khác phải rời khỏi nơi ở cũ ở bản Nghe Tỏng (xã Mường Chiên, huyện Quỳnh Nhai, tỉnh Sơn La) về tái định cư tại bản Quỳnh Thuận, xã Chiềng Pha.
Trao đổi với phóng viên Báo Nông thôn Ngày nay/Điện tử Dân Việt/Điện tử Trang Trại Việt, ông Hoàng Văn Thắng, chia sẻ: Sau khi chuyển về nơi ở mới được vài năm, chúng tôi được cán bộ Hội Nông dân, khuyến nông huyện, xã đến tập huấn kỹ thuật trồng cà phê nên gia đình chuyển đổi 1,5 ha đất trồng ngô, lúa sang trồng cà phê. Nhiều năm gắn bó với cây cà phê, Những năm đầu gia đình cũng có thu nhập ổn định từ loài cây này. Nhưng để làm giàu từ trồng cà phê quả thực không hề đơn giản. Vì càng ngày chi phí sản xuất càng tăng nên doanh thu chỉ đủ hòa vốn.
Với quyết tâm vươn lên làm giàu trên vùng quê mới, ông Thắng tìm đến các trang trại làm kinh tế điển hình trên địa bàn tỉnh Sơn La để học hỏi kinh nghiệm. Năm 2014, trong một lần đến huyện Mai Sơn tham quan các trang trại làm kinh tế điển hình, ông Thắng cực kỳ tượng với trang trại trồng cam của ông Đỗ Xuân Khởi tại xã Chiềng Ban và hợp tác xã Ngọc Hoàng trồng thanh long tại xã Nà Bó.
Sau buổi tham quan trở về, ông Thắng tham khảo ý kiến của cán bộ khuyến nông, Hội Nông dân xã và sau đó ông mới biết đất ở bản Quỳnh Thuận thích hợp trồng cây ăn quả. Không chút ngần ngại, ông Thắng bàn với gia đình chuyển đổi nửa diện tích cây cà phê sang trồng cam Vinh, quýt, bưởi Da xanh, thanh long và chanh leo.
"Trong quá trình chăm sóc, ngoài kiến thức được cán bộ chuyên môn của xã tập huấn, gặp khó khâu nào, tôi nhấc điện thoại lên gọi hỏi các ông chủ ở Mai Sơn. Trong quá khứ, họ cũng từng trải qua cuộc sống khó khăn nên mình hỏi quy trình bón phân, tỉa cành, phun thuốc ra làm sao... đều được chỉ bảo tận tình" - ông Thắng phấn khởi bảo.
Ban đầu, do chưa có nhiều kinh nghiệm trồng cây ăn quả nên mỗi loại cây ông Thắng chỉ trồng thử nghiệm vài chục cây. Sau 2, 3 năm, nhận thấy cây nào, cây nấy đều sinh trưởng, phát triển tốt, quả sai trĩu cành, ông Thắng chuyển toàn bộ diện tích cây cà phê sang trồng cây ăn quả.
Hiện, ông Thắng trồng 500 cây cam Vinh, 300 cây chanh leo, hơn 200 trụ thanh long ruột đỏ và trồng thêm hàng trăm cây mận Hậu, quýt, đào.
Nhờ tích cực đưa các loại giống cây ăn quả đem lại hiệu quả kinh tế cao về trồng, năm 2019, ông Thắng xuất bán ra thị trường khoảng 15 tấn quả các loại. Với giá chanh leo 20.000 đồng/kg, giá cam Vinh 15.000 đồng/kg, giá thanh long 25.000 đồng/kg, ông Thắng thu 300 triệu đồng. Sau khi trừ chi phí, ông Thắng đút túi khoảng 200 triệu đồng.
Ông Thắng tâm sự: Trồng nhiều loại cây ăn quả trên một diện tích đất cho thu nhập quanh năm. Nếu chẳng may, cây này mất giá, mất mùa hay bị dịch bệnh thì còn có cây kia bù lại. Làm nông nghiệp phải tĩnh toán kỹ càng, nếu chỉ chuyên canh trồng một loại cây mà gặp phải sự cố thì công sức đổ xuống sông xuống biển.
Với sự cần cù, chịu khó, nhanh nhạy trong việc áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất nông nghiệp, đến nay, ông Thắng đã trở thành tấm gương điển hình trong phát triển kinh tế, làm giàu trên vùng quê mới.