Đến bản Thàn, xã Chiềng Pằn, huyện Yên Châu, tỉnh Sơn La hỏi ông Mè Văn Chinh, dân tộc Khơ Mú ai cũng biết. Bởi ông Chinh là người đi đầu ở bản trong phát triển kinh tế hộ gia đình từ chăn nuôi lợn nhiều năm nay. Mô hình chăn nuôi của ông Chinh hiện nay đang được nhiều bà con dân bản học tập và làm theo.
Trăn trở mãi trong việc tìm hướng nào để vực kinh tế gia đình còn nhiều khó khăn, từ năm 1986, ông Mè Văn Chinh đã quyết tâm đầu tư chuồng trại kiên cố, phát triển chăn nuôi lợn, gia súc gia cầm. Bởi ông thấy rằng gia đình có sẵn vườn đồi, ngô, thóc.
Ban đầu, ông Chinh nuôi vài con lợn thịt. Thấy có lãi, ông bắt đầu nuôi mấy nái mẹ để không phải mua giống lợn bên ngoài. Toàn bộ số lợn con được gia đình tập trung nuôi vỗ béo để xuất bán lợn hơi, bình quân mỗi năm 2-3 lứa, có lúc lên đến 40 con. Ngoài ra, gia đình ông Chinh còn chăn nuôi thêm trâu bò để dùng sức cày kéo, phát triển đàn gia cầm mấy chục con, đào 500 m2 ao thả cá, trồng cây ăn quả (xoài, nhãn); trồng 2 ha cây ngô; góp 1ha đất trồng cây cao su; đầu tư mua máy xay xát thóc ngô tại nhà vừa để phục vụ gia đình, vừa để làm dịch vụ xay xát cho bà con trong bản.
Trường hợp, bà con xát thóc, ngô không có tiền trả công dịch vụ thì lấy cám đổi công xay xát, nên trong nhà luôn dồi dào nguồn thức ăn cho súc, gia cầm. Nhưng kinh tế gia đình ông Chinh chủ lực vẫn là nuôi lợn, bình quân mỗi năm ông bán ra thị trường hơn 3 tấn lợn hơi. Trừ chi phí, tổng thu nhập của gia đình đạt trên 150 triệu đồng/năm.
Theo kinh nghiệm chăn nuôi lợn của ông Chinh, nếu nấu rau rừng hoà với cám ngô, hạn chế sử dụng cám công nghiệp sẽ giúp giảm chi phí, đảm bảo chất lượng sản phẩm thịt lợn. Để đảm bảo lợn phát triển tốt, mỗi ngày ông Chinh cho lợn ăn 3 bữa đều đặn, phối trộn thức ăn cho lợn nái chủ yếu là rau rừng; đặc biệt khi lợn đẻ lợn ăn rau rừng sẽ cho nhiều sữa, giúp xương chắc khoẻ, ít dịch bệnh, còn thức ăn cho lợn thịt chủ yếu là cám ngô, cám gạo.
Ông Chinh còn cho biết, chăn nuôi quan trọng nhất vẫn là khâu phòng bệnh. Lợn nuôn cần được tiêm phòng đúng thuốc tốt, trị đúng bệnh theo hướng dẫn của cán bộ thú y.
Thời gian gần đây, giá lợn trên thị trường bị giảm đáng kể, khiến nhiều hộ chăn nuôi gặp không ít khó khăn do dự, nhưng ông Mè Văn Chinh vẫn duy trì việc chăn nuôi lợn theo thói quen và kinh nghiệm của riêng mình.
Thấy gia đình ông Mè Văn Chinh nuôi lợn hiệu quả, nhiều gia đình bà con trong bản cũng học tập làm theo. Bất kể lúc nào, ông Chinh luôn sẵn sàng hướng dẫn, trao đổi kinh nghiệm cho bà con cùng làm để thoát nghèo. Hộ gia đình nào khó khăn, ông còn cho vay giống nuôi thịt, bán xong mới hoàn trả ông vốn.
Chị Triệu Thị Thơ, một trong những hộ gia đình trong bản được ông giúp đỡ phát triển mô hình chăn nuôi thành công, thoát được nghèo cho biết, mô hình chăn nuôi của ông Chinh đạt hiệu quả rất cao, lợn ít bị dịch bệnh. “Nhiều người qua nhà ông Chinh học hỏi kinh nghiệm, được ông Chinh hướng dẫn rất tận tình, chu đáo, áp dụng chăn nuôi thành công, cho thu nhập và đời sống kinh tế được nâng cao”, chị Thơ chia sẻ.
Tích cực trong phong trào phát triển kinh tế, 6 năm liền ông Chinh được bầu làm phó Chi hội trưởng Hội nông dân của bản. Với vai trò của mình, ông luôn cùng 56 hộ dân bản Thàn, trong đó có tới 90% dân tộc Khơ Mú đoàn kết xây dựng cuộc sống văn hóa, xoá đói giảm nghèo. Từ hàng chục năm nay, bản Thàn luôn được đánh giá là tốt nhất về giữ gìn an ninh trật tự, không có người mắc tệ nạn xã hội, người dân sống đoàn kết, tương trợ giúp đỡ lẫn nhau.
Ông Lò Văn Lống, Bí thư Đảng uỷ xã Chiềng Pằn, huyện Yên Châu, tỉnh Sơn La nhận xét, ông Chinh luôn tìm kiếm thông tin, học hỏi kiến thức chăn nuôi lợn ở nhiều nơi, từ cách chuyển đổi cây trồng vật nuôi đến phát triển kinh tế gia đình. “Từ mô hình của ông Chinh, Đảng uỷ, UBND xã đã tuyên truyền, vận động bà con nhân dân trong xã thăm quan, tìm hiểu, tổ chức học hỏi để tiếp tục phát triển kinh tế, xoá đói giảm nghèo”, ông Lống cho biết.