Sản xuất nông nghiệp theo hướng hàng hoá là chủ trương đúng, trúng nên nhanh chóng nhận được sự hưởng ứng của các địa phương trên địa bàn huyện, tạo cú hích cho các tổ chức, cá nhân mạnh dạn chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, đưa cơ giới hóa vào sản xuất.
Có dịp đến thăm mô hình trồng cây ăn quả, cây dược liệu, chăn nuôi gia súc, gia cầm... ở các xã của huyện biên giới Mường Tè, chúng tôi thấy sản xuất nông nghiệp ngày càng cải tiến và có quy mô. Nếu như trước đây, nhiều vùng đất còn hoang hóa không cải tạo, công cụ lao động thô sơ thì nay bà con đã biết áp dụng khoa học kỹ thuật, đưa cơ giới hóa vào sản xuất để tăng năng suất cây trồng. Thành quả đó là sự đầu tư, định hướng đúng đắn của huyện và nỗ lực của đồng bào các dân tộc ở huyện biên giới Mường Tè .
Bên cạnh thực hiện tốt công tác quản lý Nhà nước trong lĩnh vực sản xuất, kinh doanh vật tư nông, lâm nghiệp, đảm bảo chất lượng nguồn vật tư đầu vào phục vụ sản xuất, huyện tăng cường chỉ đạo rà soát, kiểm tra, đánh giá, xếp loại các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm, tạo nguồn cung ứng sản phẩm đảm bảo chất lượng, an toàn ra thị trường; kết hợp đẩy mạnh công tác xúc tiến thương mại, quảng bá, giới thiệu sản phẩm…
Để các sản phẩm trở thành hàng hóa, huyện giao cho Phòng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn phối hợp với các xã, thị trấn tăng cường tuyên truyền người dân chuyển đổi hình thức sản xuất, tái cơ cấu ngành bằng cách mở rộng diện tích đất canh tác, đưa máy móc vào thay thế công cụ lao động thô sơ, tích cực tham gia các lớp dạy nghề để có kiến thức, biết cách áp dụng khoa học kỹ thuật. Các cán bộ khảo sát thổ nhưỡng, khí hậu xem phù hợp với loại cây trồng nào rồi mới triển khai. Nhiều cán bộ, đảng viên tiên phong làm mô hình kinh tế có hiệu quả để dân tin, từ đó nhân rộng thực hiện trên địa bàn.
Bà Vàng Thị Lan, bản Pắc Pạ xã Vàng San tâm sự: Trước đây, cuộc sống bà con dân bản chúng tôi gặp nhiều khó khăn, không có kiến thức, năng suất lao động thấp nên nghèo đói cứ kéo dài. Từ khi được cán bộ xã, huyện tuyên truyền, dân bản biết khai hoang, đưa cây trồng, con giống có chất lượng, máy móc vào sản xuất đem lại hiệu quả cao. Hiện nay, gia đình tôi có hơn 10 con trâu và hơn 100 con vịt, mỗi năm tôi xuất bán tầm 3 con trâu và nhiều gà vịt ra thị trường, thu nhập từ 150 đến 200 triệu đồng/năm.
Huyện Mường Tè tiếp tục duy trì cánh đồng sản xuất lúa tập trung, đưa các giống lúa thuần có năng suất, chất lượng cao vào sản xuất. Có nơi như: Ka Lăng, Thu Lũm đạt năng suất trên 50 tạ/ha lúa. Giữa 2 mùa vụ, bà con trồng thêm rau màu các loại.
Người dân còn tham gia trồng cây ăn quả, cây dược liệu với 8.522,3ha, đem lại giá trị kinh tế. Các sản phẩm từ cây trồng không chỉ giúp bà con no ấm mà còn là những mặt hàng có giá trị trên thị trường và trở thành thương hiệu như: Khoai sọ Nậm Khao, ớt trung đoàn Ka Lăng, tinh dầu sả Thu Lũm, tam thất Pa Vệ Sủ ... Ngoài ra, bà con dân bản còn sản xuất các sản phẩm làm từ thổ cẩm, rèn đúc để tăng thêm thu nhập, thêm mặt hàng, sản phẩm bán ra thị trường.
Nhân dân trong huyện quan tâm đến chăn nuôi, đầu tư con giống, xây dựng chuồng trại, quy hoạch các bãi chăn thả, hình thành các vùng chăn nuôi đại gia súc từ 100 - 200 con, chuyển từ chăn thả rông sang tập trung theo hướng hàng hóa. Nhiều hộ đầu tư hoặc liên kết với nhau làm trang trại nuôi lợn, gia cầm với quy mô hàng nghìn con.
Ông Tống Văn Thi - Trưởng Phòng NN&PTNT huyện cho biết: Để sản phẩm nông nghiệp trở thành hàng hóa, Phòng tiếp tục phối hợp với các cấp, các ngành tăng cường tuyên truyền, vận động người dân; khảo sát, quy hoạch phát triển vùng cây trồng, vật nuôi để mở rộng quy mô nâng cao giá trị hàng hóa; tìm hiểu thị trường; liên kết với các doanh nghiệp, hợp tác xã đầu tư vào sản xuất. Tin rằng với những giải pháp đúng đắn, huyện Mường Tè sẽ có nhiều hàng hóa nông nghiệp đến với thị trường, góp phần xóa đói giảm nghèo ở địa phương.