Nằm ở địa đầu Tây Bắc của Tổ quốc, Lai Châu là một trong những tỉnh đặc biệt khó khăn của cả nước. Đời sống nhân dân các dân tộc trong tỉnh chủ yếu dựa vào sản xuất nông nghiệp. Do trình độ dân trí không đồng đều, tập quán sản xuất lạc hậu, nhỏ lẻ nên thu nhập, đời sống của người dân còn nhiều khó khăn. Nhằm nâng cao thu nhập cho người dân, tỉnh Lai Châu đã chỉ đạo các cấp, các ngành, các địa phương trong tỉnh đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động bà con các xã, bản chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, tích cực áp dụng tiến bộ khoa học kĩ thuật vào sản xuất theo hướng hàng hóa. Đòng thời, ban hành nhiều chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất, góp phần thúc đẩy sản xuất nông nghiệp trên địa bàn ngày càng phát triển.
Thực tế cho thấy, trên địa bàn tỉnh Lai Châu đã và đang hình thành một số vùng sản xuất hàng hóa tập trung như: Vùng trồng lúa đặc sản chất lượng cao, với diện tích hơn 2000 ha tại các huyện: Than Uyên, Tân Uyên, Phong Thổ, thành phố Lai Châu; vùng chè chất lượng cao tại thành phố Lai Châu và huyện Tân Uyên, Tam Đường. Nhiều trang trại chăn nuôi gia súc, gia cầm với quy mô lớn có liên kết sản xuất tiêu thụ theo chuỗi với các doanh nghiệp, cũng được hình thành ở một số địa phương trong tỉnh.
Hiện toàn tỉnh Lai Châu có hơn 7.770 ha chè, trong đó diện tích chè kinh doanh là hơn 4.700 ha, chủ yếu là chè kim tuyên, PH8. Có sự thay đổi lớn về nhận thức, nhiều hộ trồng chè ở các huyện Tân Uyên, Tam Đường... mạnh dạn đầu tư thâm canh, liên kết sản xuất với các doanh nghiệp chế biến. Qua đó, thu nhập của người trồng chè ngày càng nâng cao.
Nhiều chuỗi liên kết sản xuất với bao tiêu sản phẩm giữa người dân với các doanh nghiệp cũng được hình thành, bước đầu mang lại hiệu quả tích cực. Điển hình như: Mô hình sản xuất, cung ứng rau thủy canh, mô hình trồng hoa ở xã San Thàng, thành phố Lai Châu; mô hình trồng chanh leo ở huyện Tân Uyên; mô hình nuôi cá lồng trên lòng hồ ở các huyện Than Uyên, Tân Uyên, Mường Tè.
Một trong những chuỗi liên kết hoạt động hiệu quả phải kể đến chuỗi liên kết giữa HTX Thanh Xuân (xã Mường Cang, huyện Than Uyên) với các hộ dân trong việc bao tiêu sản phẩm lúa Séng cù. HTX đã ký kết với hơn 200 hộ dân ở xã Hua Nà và xã Mường Cang (Than Uyên, Lai Châu) sản xuất trên 30 ha lúa Séng cù. Trung bình mỗi năm, HTX thu mua, chế biến và xuất bán ra thị trường hơn 300 tấn gạo, doanh thu hơn 2,8 tỷ đồng.
Từ khi liên kết sản xuất với HTX Thanh Xuân, gia đình chị Lò Thị Thặm, bản Hua Nà (xã Hua Nà, huyện Than Uyên) không phải lo lắng về đầu ra cũng như giá bán sản phẩm lúa Séng cù ra thị trường như trước nữa. "Gia đình tôi cũng như các hộ dân khác rất yên tâm và tin tưởng khi ký hợp đồng liên kết sản xuất lúa Séng cù với HTX Thanh Xuân. Gia đình tôi trồng 2.000m2 lúa Séng cù. Không chỉ được bao tiêu sản phẩm với giá cả hợp lý, ổn định, chúng tôi còn được HTX hướng dẫn kỹ thuật chăm sóc lúa và bảo quản thóc sau thu hoạch" – chị Thặm phấn khởi cho biết.
Trao đổi với phóng viên Báo NTNN/Dân Việt/Trang Trại Việt, ông Đặng Văn Châu - Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Lai Châu, nhấn mạnh: "Sản xuất nông nghiệp của tỉnh Lai Châu trong những năm gần đây đã có nhiều khởi sắc. Không chỉ hình thành được các vùng sản xuất tập trung theo hướng hàng hóa, mà việc phát triển sản xuất theo chuỗi liên kết cũng đã được các doanh nghiệp, HTX và người dân trong tỉnh quan tâm đến. Sản xuất theo chuỗi liên kết có nhiều ưu điểm, nó không chỉ giúp nông dân bao tiêu sản phẩm, mà còn thúc đẩy nông nghiệp phát triển bền vững hơn. Đời sống, thu nhập của người dân cũng nhờ đó mà không ngừng cải thiện, nâng cao. Tham gia vào chuỗi liên kết, trình độ sản xuất của người dân cũng sẽ được nâng lên, qua đó góp phần nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm".