“Ngăn sông cấm chợ” nhiều rủi ro
Theo quy định tại các văn bản pháp luật hiện hành, đối với vùng xảy ra dịch bệnh hoặc uy hiếp bởi dịch bệnh với bán kính 3km sẽ bị áp dụng biện pháp cấm buôn bán, vận chuyển lợn ra khỏi vùng dịch. Theo đó, việc tiêu thụ, giết mổ thịt lợn chỉ được thực hiện nội trong khu vực đó, điều này được đánh giá là đang gây khó khăn cho các cơ sở giết, mổ lợn có quy mô và công suất lớn.
Ông Nguyễn Thiều Nam - Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Masan cho biết: Biện pháp “Nghiêm cấm vận chuyển lợn và các sản phẩm lợn ra vào vùng dịch, vùng bị dịch uy hiếp” đã trở nên không hiệu quả để đạt được mục tiêu “giảm thiểu tác động tiêu cực đến kinh tế” khi vùng dịch bệnh hầu như đã lan tràn khắp miền Bắc”.
Ông Nam dẫn chứng: “Tổ hợp giết mổ thịt lợn quy mô lớn của Masan ở Kim Bảng, Hà Nam hiện nay có quy mô cả hàng vài chục tấn mỗi ngày, chúng tôi hoàn toàn nhập từ nguồn lợn sạch bệnh về để giết, mổ. Song theo quy định hiện nay, vùng huyện Kim Bảng đang có dịch, nên nếu có giết, mổ cũng chỉ được tiêu thụ ngay trong vùng, mà làm sao một huyện Kim Bảng có thể tiêu thụ hết số thịt lợn lớn như thế của nhà máy chúng tôi. Chính vì tình hình đó, Masan đã phải chủ động đóng cửa Tổ hợp chế biến, giết mổ thịt lợn quy mô lớn của mình tại Hà Nam từ ngày 12/4”.
Theo ông Nam, việc áp dụng biện pháp “ngăn sông, cấm chợ” đối với các vùng có dịch tả lợn châu Phi hiện nay sẽ gây ra 4 rủi ro lớn:
Rủi ro thứ nhất, chỉ có các cơ sở giết mổ quy mô công nghiệp lớn, có tiêu chuẩn kiểm soát rõ ràng mới là người tuân thủ việc đóng cửa và không phân phối các sản phẩm từ thịt lợn, còn tư nhân hoặc các lò giết mổ nhỏ lẻ, thủ công do không cập nhật các quy định pháp luật, hạn chế về các phương tiện giết mổ và phương tiện kiểm nghiệm thì vẫn hoạt động.
Rủi ro thứ hai, việc quy định lợn sạch bệnh trong vùng dịch, vùng bị uy hiếp chỉ được giết mổ, tiêu thụ tại chỗ (trong vùng dịch, vùng bị uy hiếp) không có nhiều ý nghĩa đối với trang trại, hộ chăn nuôi tập trung quy mô lớn, dẫn đến khả năng tiêu thụ tại chỗ là không đáng kể so với nguồn cung. Điều này có nguy cơ dẫn đến việc người dân kê khai cả lợn sạch bệnh để hưởng hỗ trợ của nhà nước, hoặc thậm chí chủ động gây bệnh cho đàn lợn do không tìm được đầu ra.
Rủi ro thứ ba, các biện pháp cấm đoán lưu thông thịt lợn sạch (ra vào vùng dịch, vùng bị uy hiếp) như hiện nay sẽ gây kiệt quệ cho ngành chăn nuôi và nông dân Việt Nam, đồng thời mở toang cửa thị trường cho thịt nước ngoài nhập khẩu (Mỹ, EU, Brazil) vào Việt Nam.
Rủi ro thứ tư, thịt lợn vẫn là nguồn đạm không thể thay thế cho nhân dân vì vậy khi các cơ cở giết mổ quy mô lớn, hiện đại không được phép tiêu thụ thịt lợn vì nằm trong vùng dịch bệnh và thịt nhập khẩu cũng không thể đến được với mọi người, chắn chắn sẽ đẩy người tiêu dùng quay lại với việc sử dụng thịt không kiểm soát.
Kiểm soát theo tuyến
Trước các rủi ro đó, Masan kiến nghị, đề xuất biện pháp kiểm soát 3 tuyến kiểm soát để nhằm vừa kiểm soát chặt chẽ, ngăn chặn sự lây lan dịch bệnh, vừa tạo điều kiện cho các trang trại, hộ chăn nuôi không bị dịch bệnh và các cơ sở giết mổ đủ điều kiện được hoạt động dưới sự kiểm soát chặt chẽ của cơ quan quản lý, tiếp tục cung cấp thịt lợn sạch và an toàn tới người dân, cụ thể:
Tuyến một: Đảm bảo không có bất kỳ lợn hoặc đàn lợn nào nhiễm dịch bệnh được xuất chuồng, xuất trại;
Tuyến hai: Đảm bảo không để bất kỳ con lợn nào nhiễm bệnh vào nhà máy giết mổ;
Tuyến ba: Kiểm soát thành phẩm khi ra khỏi cơ sở giết mổ để đảm bảo không có bất kỳ sản phẩm thịt lợn nào bị nhiễm dịch đến tay người tiêu dùng.
Trong trường hợp phát hiện lợn bị dịch bệnh bên trong cơ sở/nhà máy giết mổ thì cơ sở/nhà máy giết mổ phải ngừng hoạt động trong 48 giờ để thanh trùng, trường hợp phát hiện cơ sở/nhà máy giết mổ cố tình vi phạm thì sẽ bị đóng cửa. “Đồng thời các thông tin về các cơ sở giết mổ an toàn sẽ được công khai trực tuyến trên các trang thông tin điện tử của Cục Thú y”- ông Nam nêu ý kiến.
Theo ông Nam, các biện pháp kiểm soát này đòi hỏi doanh nghiệp giết mổ, chế biến phải tự trang bị đầy đủ các trang thiết bị kiểm nghiệm để kịp thời phát hiện bệnh dịch ở các khâu thu mua, vận chuyển, giết mổ và phân phối thành phẩm.
“Trung quốc không áp dụng biện pháp “ngăn sông - cấm chợ” mà tập trung kiểm soát các cơ sở giết mổ, theo đó cho phép các sản phẩm từ lợn đã giết mổ nếu an toàn thì vẫn tiếp tục được cấp giấy chứng nhận thú y và được tiêu thụ không chỉ trong vùng có dịch bệnh mà còn được phép tiêu thụ ra ngoài và đồng thời trách nhiệm kiểm soát được đưa về cho doanh nghiệp giết mổ (xem thông báo về các thương trình phòng chống Dịch tả lợn Châu phi của Tổ chức Nông lương Thế giới FAO)”- ông Nam dẫn chứng.
Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường hoan nghênh tinh thần gương mẫu của Masan khi chủ động đóng cửa nhà máy giết, mổ thịt lợn quy mô lớn tại khu vực đã được công bố dịch của tỉnh Hà Nam. Đồng thời khẳng định, ngay sau cuộc họp sáng nay 13/5, sẽ hoàn thiện văn bản để trình Chính phủ ban hành các biện pháp nhằm tháo gỡ việc tiêu thụ thịt lợn tại các trang trại an toàn.
“Thứ nữa, đó là chính sách hỗ trợ thu mua thịt sạch, để chúng ta có một lượng thịt sạch dự trữ, giảm thiểu nguy cơ rủi ro, đề phòng bất ổn thị trường. Đây là việc làm rất có ý nghĩa, bởi vậy Ban chỉ đạo đã giao ngay cho Bộ Công thương tập hợp tất cả cơ sở chăn nuôi, giết mổ lớn chăn nuôi theo chuỗi từ trang trại đến bàn ăn, có nguồn cung thịt sạch đảm bảo an toàn thực phẩm để ưng ứng cho thị trường”- Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường khẳng định.
Thứ trưởng Bộ Công thương Đặng Hoàng An cũng khẳng định, việc Masan gương mẫu, chủ động đóng cửa nhà máy giết, mổ do nằm trong khu vực xảy ra dịch bệnh dù nhà máy đáp ứng đủ các yếu tố đảm bảo an toàn chế biến thực phẩm là rất đáng hoan nghênh, nhưng cũng rất đáng tiếc, vì như thế chúng ta đã làm lãng phí cơ hội tiêu thụ thịt lợn an toàn cho người chăn nuôi và người tiêu dùng. Bởi khó khăn lớn hiện nay là, chúng ta còn thiếu các cơ sở giết, mổ thịt lợn đảm bảo an toàn.