Ông Phan Tuấn Cự phát biểu tại Hội thảo về tôm giống nhằm tìm giải pháp tôm xuất khẩu 10 tỉ USD.
Xuất khẩu 10 tỉ USD không chỉ là “giấc mơ”
Việt Nam với chiều dài bờ biển hơn 3.200km là điều kiện tuyệt vời cho lĩnh vực đánh bắt, nuôi trồng thủy sản. Hiện tại, lĩnh vực nuôi trồng thủy sản đã lên tới 700.000ha, nếu như quản lý tốt thì sản lượng 2 triệu tấn tôm hoàn toàn có thể trở thành hiện thực mục tiêu xuất khẩu 10 tỉ USD chứ không chỉ còn là “giấc mơ”.
Để có được sản lượng 2 triệu tấn tôm thì con giống phải được coi là một trong những yếu tố quyết định. Theo tính toán, muốn sản xuất được 100 tỉ con tôm thương phẩm thì nhu cầu giống phải có từ 400 đến 500 tỉ con giống chất lượng. Hiện nay, xét về năng lực của các công ty sản xuất tôm giống trong nước thì hoàn toàn có thể đáp ứng được đủ con giống cung ứng cho thị trường. Thậm chí, nếu nhu cầu thị trường cần thì các doanh nghiệp sản xuất tôm giống trong nước có thể sản xuất được nhiều hơn con số trên.
Mục tiêu tôm xuất khẩu 10 tỉ USD không phải xa vời khi những lợi thế được khai thác hiệu quả. Ảnh minh họa
Theo Tổng cục Thủy sản, với nhu cầu tôm giống hằng năm khoảng 130 tỉ con thì số lượng tôm bố mẹ cần để sản xuất giống là 230.000 con (trong đó: 200.000 tôm thẻ chân trắng và 30.000 tôm sú). Hiện tại, nguồn tôm bố mẹ cung cấp cho sản xuất tôm giống ở nước ta từ 3 nguồn đánh bắt tự nhiên, sản xuất trong nước và nhập khẩu. Đến nay, trên cả nước có hơn 2.422 cơ sở sản xuất giống tôm nước lợ (trong đó 1.861 cơ sở sản xuất giống tôm sú, và 561 cơ sở sản xuất tôm thẻ chân trắng). Các cơ sở chủ yếu tập trung tại các tỉnh Ninh Thuận, Bình Thuận, Khánh Hòa, Bạc Liêu, Cà Mau.
Theo quy định hiện nay, có một thực tế rất bất cập là nếu tôm giống được sản xuất trong một tỉnh, khi bán ra trong tỉnh đó thì không cần phải làm kiểm dịch. Trong khi đó, đa phần các tỉnh nuôi tôm trọng điểm đều có sản xuất tôm giống và nuôi tôm thương phẩm, dẫn tới số lượng tôm giống không cần phải khai báo kiểm dịch là rất lớn, không thống kê được.
Chất lượng tôm giống có vai trò then chốt
Việt Nam đang nuôi tôm theo 2 hình thức là nuôi tôm công nghiệp và quảng canh. Đối với nuôi tôm nghiệp, hiện nước ta cũng có rất nhiều mô hình như: nuôi tôm công nghiệp ao lót bạt, nuôi không lót bạt, nuôi dày, nuôi thưa, nuôi trong nhà kính, nuôi tôm trên cát…
Tôm giống bố mẹ được doanh nghiệp nhập về từ nước ngoài
Thực tế cho thấy, nuôi tôm công nghiệp ở nước ta trong những năm gần đây được đầu tư hạ tầng, con giống rất bài bản nhưng thiếu khoa học kỹ thuật nên hiệu quả cũng chưa cao, chưa ổn định. Bên cạnh những người trở thành tỷ phú từ tôm thì vẫn còn nhiều người nuôi vẫn bị thua lỗ, thậm chí mất vốn.
Riêng nuôi tôm quảng canh cũng có rất nhiều mô hình, nhưng đa phần người nuôi còn thiếu kiến thức, đặc biệt là thông tin chọn lựa con giống còn rất hạn chế. Mô hình nuôi tôm quảng canh hiện đang phát huy lợi thế trong điều kiện biến đổi khí hậu, xâm nhập mặn ở Đồng bằng sông Cửu Long làm thu hẹp dần đất lúa. Chỉ cần người nuôi đầu tư rất ít nhưng lại đạt được hiệu quả cao nếu như áp dụng đúng khoa học kỹ thuật và có con giống tốt.
Tuy nhiên, có một thực tế là nuôi tôm quảng canh ở nước ta đang phải đối mặt với chất lượng con giống quá kém, giống trôi nổi, giống bệnh, giống bố mẹ không rõ nguồn gốc, giống dư thừa… đều đổ dồn về nuôi tôm quảng canh. Trong khi, nuôi tôm quảng canh chẳng khác gì thả tôm về với tự nhiên nên rất cần con giống tốt, khỏe, sạch bệnh.
Bình quân 1 ngày có khoảng 70 đến 80 xe tôm giống vào các chợ bán phục vụ nuôi tôm quảng canh tại vùng Đồng bằng sông Cửu Long. Mỗi một xe 3.000 bao thì một ngày có khoảng 400 triệu giống, một năm có khoảng 150 tỉ con giống nếu chất lượng giống tốt đạt được khoảng 20% thì một năm chúng ta có khoảng 30 tỉ con tôm thương phẩm đạt được gần 30% giấc mơ tôm xuất khẩu 10 tỉ USD.
Đừng để thua ngay trên sân nhà
Hiện nay, vai trò quản lý nhà nước trong lĩnh vực tôm giống còn yếu kém. Một lĩnh vực sản xuất tôm có 2 đơn vị là Cục Thú y và Tổng cục Thủy sản. Trong khi Cục Thý y chủ yếu chỉ thực hiện công việc cấp giấy kiểm dịch để thu tiền và cấp 1 số lượng clorin khử trùng.
Để quản lý tốt hơn lĩnh vực này, Bộ NN&PTNT cần sớm gộp lĩnh vực thú y thủy sản giao về cho Tổng cục Thủy sản quản lý để thống nhất đầu mối, đồng thời sớm hoàn thiện Luật thủy sản mới có quy định rõ ràng về quản lý tôm giống, và quy định môi trường về vùng nuôi... Các cơ quan quản lý cần kiểm soát tốt chất lượng tôm giống, kiên quyết xử lý những vi phạm đầu vào trong nuôi tôm thương phẩm.
Cả ngành tôm thực tế vẫn đang “đi sau” một doanh nghiệp của nước ngoài là Tập đoàn CP. Thực tế cho thấy, Tập đoàn CP đang “cai trị” cả lĩnh vực sản xuất tôm giống ở Việt Nam. Hiện tập đoàn CP chọn tạo rất thành công tôm bố mẹ thẻ chân trắng, nghiên cứu nhiều quy trình nuôi tôm hiệu quả, sản xuất ra nhiều loại thuốc đặc trị bệnh tôm, có nhiều chế phẩm sinh học môi trường rất tốt giúp người nuôi có hiệu quả. Do chất lượng tôm bố mẹ tốt cho nên CP đang làm “loạn” thị trường tôm giống ở Việt Nam. Có nhiều thời điểm CP không bán tôm bố mẹ cho Việt Nam, nếu bán thì cũng ra nhiều điều kiện và giá tôm bố mẹ thì “trên trời”.
Về vấn đề đào tạo, hiện Việt Nam cũng có một số trường như Đại học Thủy sản Nha Trang, Đại học Cần Thơ... Hằng năm cũng cho ra trường hàng trăm kỹ sư nuôi tôm nhưng thực tế đa phần các kỹ sư này chỉ có lý thuyết, khi xin vào các doanh nghiệp áp dụng thực tế thì đa phần nuôi đâu chết đó, phải học lại ông nông dân từ đầu.
Với những lợi thế tuyệt đối tôm Việt đang kỳ vọng đạt mốc xuất khẩu 10 tỉ USD nhằm đem lại lọi nhuận tốt hơn cho người nuôi tôm và doanh nghiệp chế biến tôm xuất khẩu.