Clip: Huyện Bắc Yên (Sơn La) tạo việc làm cho lao động nông thôn góp phần giảm nghèo bền vững trên địa bàn huyện
Tạo việc làm cho lao động nông thôn vùng cao góp phần giảm nghèo bền vững
Năm 2022, huyện Bắc Yên (Sơn La) đã ra khỏi danh sách 74 huyện nghèo của cả nước. Tuy nhiên, hiện nay, huyện vẫn còn 13 xã và 67 bản đặc biệt khó khăn. Ngay từ đầu năm 2023, huyện Bắc Yên đã chủ động các nguồn lực để thực hiện công tác giảm nghèo. Để thực hiện có hiệu quả công tác giảm nghèo huyện Bắc Yên đã tập trung triển khai thực hiện các chương trình MTQG, trong đó, công tác giải quyết việc làm cho lao động nông thôn, nâng cao thu nhập cho người dân đã được huyện Bắc yên quan tâm và chú trọng nhằm từng bước giảm nghèo bền vững.
Tình hình lao động trong độ tuổi lao động (từ 15 đến 60) trên địa bàn huyện Bắc Yên (Sơn La) tính đến thời điểm 31/12/2022 có 39.504 người, số lao động có khả năng lao động khoảng 38.300 người. Qua tìm hiểu, nguồn lao động trên địa bàn huyện chủ yếu làm nghề nông nghiệp theo mùa vụ, tỉ lệ người lao động chưa có hoặc thiếu việc làm còn cao nên đời sống của người dân còn nhiều khó khăn.
Về định hướng việc làm cho lao động nông thôn, trao đổi với phóng viên báo NTNN/Dân Việt/Trang Trại Việt, ông Vương Hồng Hải, cho biết: "Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội huyện đã chủ trì, phối hợp với các ngành chức năng, UBND các xã, thị trấn xây dựng, tham mưu cho UBND huyện, Chủ tịch UBND huyện trình, ban hành nhiều văn bản lãnh đạo, chỉ đạo về công tác lao động nhằm giải quyết việc làm cho người lao động trên địa bàn, tăng thu nhập cho người dân góp phần thực hiện tốt công tác giảm nghèo bền vững".
Cũng theo ông Hải, "năm 2023, Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội huyện đã phối hợp tổ chức hội nghị tuyên truyền tư vấn giới thiệu việc làm, tổ chức thành công ngày hội việc làm huyện Bắc Yên lần thứ hai năm 2023, bên cạnh đó, phòng cũng đã phối hợp với các cơ quan đơn vị liên quan, UBND các xã thị trấn tham mưu UBND huyện tổ chức mở các lớp đào tạo nghề; triển khai thực hiện có hiệu quả các nguồn vốn cho vay giải quyết việc làm...".
Thực hiện Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 - 2025, huyện Bắc Yên (Sơn La) đã phối hợp với Trung tâm dịch vụ việc làm tỉnh Sơn La và Trường Cao đẳng than khoáng sản Việt Nam, các công tuyển dụng lao động tổ chức 28 hội nghị tuyên truyền tư vấn giới thiệu việc làm, tuyển chọn lao động đi học và làm tại các công ty, doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh; tổ chức thành công ngày hội việc làm huyện Bắc Yên lần thứ hai năm 2023 với 21 gian hàng và trên 1.200 lao động tham dự ngày hội. Đến thời điểm báo cáo trên địa bàn huyện có 20 lao động đi học tập tại Trường cao đẳng TKSVN và có 850 lao động đi làm việc tại công ty, doanh nghiệp ngoài huyện, tỉnh.
Anh Tráng A Vàng Tủa, ở bản Pá Nó, xã Mường Khoa (Bắc Yên, Sơn La) do hoàn cảnh kinh tế gia đình khó khăn, không có điều kiện để theo học các trường CĐ, ĐH. Tuy nhiên anh mong muốn thoát ly, tìm được một công việc có thu nhập ổn định để trang trải cuộc sống. Qua tìm hiểu và được kết nối, anh đã làm hồ sơ theo học, sau một năm đào tạo được bố trí làm việc tại Công ty Than Núi Béo Vinacomin ở tỉnh Quảng Ninh với mức thu nhập ổn định.
"Đến nay tôi đã làm được 7 năm, công việc chính của tôi là thợ lò sản xuất, mức thu nhập hàng tháng dao động từ 18 đến 20 triệu/22 công. Tôi thấy công việc và mức thu nhập như vậy rất tốt và phù hợp với các bạn trong độ tuổi lao động như ở Bắc Yên mình", anh Tủa cho biết.
Hiện nay, huyện Bắc Yên (Sơn La) có khoảng 7.948 người lao động đang đi làm việc tại các công ty, các khu công nghiệp ngoài địa bàn huyện, với mức lương bình quân 5-8 triệu đồng/người/tháng. Nguồn thu nhập ổn định, đã giúp nhiều gia đình cải thiện đời sống.
Hằng năm, UBND huyện Bắc Yên (Sơn La) tổ chức Ngày hội việc làm, tư vấn, hướng nghiệp, giúp người lao động, đoàn viên thanh niên và học sinh các trường THPT trên địa bàn có cơ hội tiếp cận, lựa chọn công việc phù hợp. Đồng thời, giúp các doanh nghiệp, đơn vị sử dụng lao động lựa chọn nguồn lao động đáp ứng đầy đủ yêu cầu công việc của đơn vị.
Tại ngày hội việc làm năm 2023, các các đơn vị, doanh nghiệp đến và giới thiệu về nhu cầu tuyển dụng lao động, vị trí tuyển dụng, chế độ chính sách của doanh nghiệp đối với người lao động. Nhiều người lao động, đoàn viên thanh niên và học sinh các trường THPT đến với ngày hội rất phấn khởi và hào hứng.
Em Lý Trung Hiếu, Học sinh lớp 11, Trường THPT Bắc Yên (Sơn La), chia sẻ: "Đầu tiên em cũng khá là hứng thú khi có hoạt động hướng nghiệp của huyện Bắc Yên, em cũng tò mò vì có ngành nghề khá là độc lạ như: Nghề Bartender thì lần đầu tiên em thấy xuất hiện khu vực huyện Bắc Yên của mình. Em cũng tìm hiểu thêm về các ngành nghề như xuất khẩu lao động, nghề Bartender hay là nấu ăn, hay xuất khẩu sang Nhật hoặc Đài Loan, ngành Hàng không".
Để nguồn lao động trên địa bàn huyện Bắc Yên (Sơn La) đáp ứng được yêu cầu về công việc, huyện Bắc Yên tổ chức đào tạo, liên kết đào tạo nghề thêm cho khoảng 8.000 lao động (mỗi năm khoảng 1.600 lao động), trong đó đào tạo cấp văn bằng chứng chỉ khoảng 2.000 lao động (mỗi năm khoảng 400 lao động), bồi dưỡng, tập huấn, định hướng nâng cao kỹ năng nghề cho khoảng 6.000 lao động, trong đó tập trung định hướng nghề cho khoảng 2.500 học sinh tốt nghiệp THPT, phấn đấu có trên 60% học sinh sau tốt nghiệp THPT đi học nghề; nâng tỷ lệ lao động qua đào tạo, định hướng nghề đến năm 2025 đạt trên 55%, trong đó được cấp văn bằng, chứng chỉ 26%.
Triển khai có hiệu quả các mục tiêu đào tạo nghề, giải quyết việc làm gắn với việc triển khai thực hiện Đề án số 04-ĐA/HU của Ban chấp hành Đảng bộ huyện về phát triển nguồn nhân lực đến năm 2025 và mục tiêu đào tạo nghề cho lao động nông thôn là đồng bào dân tộc thiểu số theo Nghị quyết 88/2019/QH14, ngày 18/11/2019 của Quốc hội về phê duyệt Đề án tổng thể phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030.
Bên cạnh phối hợp với công ty, đơn vị đào tạo nghề, tạo việc làm cho người lao động, huyện Bắc yên (Sơn La) tập trung triển khai các chương trình, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội gắn với tạo việc làm tại chỗ như: Hỗ trợ vay vốn, đăng ký kinh doanh, thành lập hợp tác xã, các dự án hỗ trợ phát triển sản xuất... hết năm 2022 đã giải quyết, tạo việc làm cho 1.777 lao động; tỷ lệ lao động nông nghiệp trong tổng số lao động xã hội đạt 71%. Phối hợp triển khai thực hiện có hiệu quả các nguồn vốn cho vay để giải quyết việc làm cho lao động nông thôn. Tổng dư nợ cho vay để giải quyết việc làm tính đến thời điểm 30/9/2023 là hơn 41.110 triệu đồng.
Trước đây, cuộc sống của gia đình chị Giàng Thị Gống, ở bản Háng Đồng, xã Háng Đồng (Bắc Yên, Sơn La) chỉ phụ thuộc vào làm nương rẫy, cuộc sống rất khó khăn. Từ các chương trình giảm nghèo bền vững đã hỗ trợ cây con giống cũng như cho gia đình chị vay vốn để phát triển sản xuất. Nhờ vậy, cuộc sống của gia đình chị đã có nhiều đổi thay. Từ một hộ nghèo, giờ gia đình chị đã mở được cửa hàng tạp hóa, sửa chữa xe máy. Cùng với đó, trồng cây Thảo quả, Sa nhân, chăn nuôi thêm trâu, bò đem lại thu nhập hàng trăm triệu đồng mỗi năm.
Chị Giàng Thị Gống phấn khởi, chia sẻ: "Được Đảng, Nhà nước quan tâm hỗ trợ giống cây trồng, vật nuôi cho gia đình tôi phát triển kinh tế, như: giống cây Sơn tra, thảo quả, sa nhân. Ngoài ra còn cho vay vốn để mở cửa hàng tạp hóa và sửa chữa xe máy. Bây giờ cuộc sống của gia đình tôi đã đổi thay rất nhiều".
Đánh giá cao kết quả triển khai chương trình giảm nghèo bền vững trên địa bàn huyện Bắc Yên (Sơn La) gắn với công tác tạo việc làm cho lao động nông thôn, ông Thào A Mua, Phó Chủ tịch UBND huyện Bắc Yên (Sơn La), cho rằng: "Việc tạo cơ hội làm việc cho lao động nông thôn đóng vai trò quan trọng trong việc nâng cao thu nhập và cải thiện chất lượng cuộc sống của họ và đồng thời góp phần vào công tác giảm nghèo bền vững trên địa bàn huyện. Trong thời gian tới huyện tổ chức rà soát, đánh giá thực trạng nguồn nhân lực và cung - cầu lao động trên địa bàn huyện để xây dựng kế hoạch đào tạo nâng cao chất lượng nguồn nhân lực và giải quyết việc làm cho lao động địa phương; tiếp tục tuyên truyền, cầu nối cho lao động nông thôn trên địa bàn huyện đi học tập và làm việc tại các công ty, đơn vị trong và ngoài tỉnh...; tận dụng tối đa các nguồn vốn để hỗ trợ người dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi cũng như hộ trợ vay vốn để sản xuất, từ đó, giúp người lao động trên địa bàn huyện có việc làm, nâng cao thu nhập từng bước góp phần vào công tác giảm nghèo bền vững trên địa bàn huyện".
Để nâng cao đời sống đồng bào dân tộc thiểu số, huyện Bắc Yên (Sơn La) tiếp tục thực hiện hiệu quả các chính sách của Đảng, Nhà nước đối công tác tạo việc làm cho lao động nông thôn vùng cao, vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Năm 2023 huyện Bắc Yên phấn đấu giảm tỷ lệ hộ nghèo 4% trở lên; Phấn đấu đến hết năm 2025, tỷ lệ hộ nghèo giảm còn dưới 23%.