dd/mm/yyyy

Gia cầm liên tục mất giá, người nuôi vẫn liều tái đàn

Theo ghi nhận của PV Trang trại Việt, từ sau Tết Nguyên đán Canh Tý đến giờ, do ảnh hưởng của dịch virus corona giá gia cầm liên tục lao dốc làm cho nhiều hộ dân chăn nuôi bị thua lỗ thê thảm. Tuy nhiên hiện nhiều nông dân tại các tỉnh, thành vẫn liều vào giống gà, vịt ồ ạt tiềm ẩn nhiều rủi ro.
Gia cầm liên tục mất giá, người nuôi vẫn liều mua giống vào đàn - Ảnh 1.

Giá vịt thịt hôm nay tại các địa phương vẫn ở mức thấp từ 25.000 đồng đến 27.000 đồng/kg.

 Chưa bán hết đàn cũ đã vào thêm giống mới

Vào những ngày này, bà Phạm Thị Thới, một chủ trại gia cầm ở Vạn Ninh (Khánh Hòa) vừa chăm sóc đàn vịt thịt còn lại vừa chăm sóc, úm đàn giống vịt hơn 1.000 con mới mua.

Hiện, gia đình vị chủ trại này vẫn còn hơn 3.000 con vịt đã đến tuổi xuất bán nhưng do lái buôn trả giá quá rẻ nên hai vợ chồng bà Thới vẫn quyết định giữ đàn vật nuôi lại nuôi thêm ít ngày nữa, chờ giá lên mới bán.

"Giá vịt hiện tại khoảng 26.000 đồng/kg, nếu xuất bán xác định lỗ trên dưới 6.000 đồng/kg nhưng chúng tôi vẫn phải chấp nhận vì đó là điều rủi ro trong chăn nuôi. Tuy nhiên, không phải vì thế mà tôi bỏ nghề, bởi chăn nuôi có lúc lãi, lúc lỗ là chuyện thường tình", bà Thới nói.

Theo bà Thới, dù lúc này giá gia cầm đang thấp nhưng đến các tháng tới, khi dịch bệnh được khống chế, người dân lại tiêu dùng nhiều gà, vịt sẽ giúp cho mặt hàng này tăng giá đột biến.

"Những người chăn nuôi chuyên nghiệp thường rất hiểu chu kỳ chăn nuôi và thị trường nên họ sẽ có giải pháp thích ứng tốt, tránh được thua lỗ nặng", bà Thới chia sẻ.

Bà Thới cho biết thêm, lúc này giá giống đang khá rẻ nên nếu bà con cân đối được vốn, điều kiện chăn nuôi thì vào giống lúc này cũng tương đối thuận lợi. Tuy nhiên, để vào đàn hiệu quả, an toàn trong thời gian dịch bệnh nhiều như lúc này thì bà con cũng cần phải chọn con giống tốt, chất lượng đảm bảo và khi đưa về nuôi cũng phải áp dụng các biện pháp chăn nuôi an toàn sinh học thì may ra mới thành công.

Gia cầm liên tục mất giá, người nuôi vẫn liều mua giống vào đàn - Ảnh 2.

Dù giá thịt gia cầm liên tục mất giá nhưng nhiều hộ chăn nuôi vẫn tiếp tục vào thêm đàn.

Cùng hướng đi với bà Thới, ông Nguyễn Trọng Thinh, một chủ trại nuôi gia cầm ở Khoái Châu (Hưng Yên) mới đây cũng vừa vào đàn giống gà, vịt hơn 2.000 con. Ông Thinh cho biết, so với thời điểm giữa và cuối năm 2019 vừa qua, giá giống gia cầm hiện đã giảm khá nhiều.

Cụ thể, giá vịt bơ (vịt super) bóc trứng 1 ngày tuổi có giá bán 12.000 đồng/con; vịt biển 11.500 đồng/con; ngan đen đực 24.000 đồng/con, ngan mái đen giá 12.000 đồng/con; gà Hồ lai mua xô giá 14.500 đồng/con; vịt cánh trắng giá 4.500 đồng/con, bầu lai giá 6.000 đồng/con; gà ri bán xô giá từ 11.000 đồng đến 13.000 đồng/con, gà mía mua xô giá 13.000 đồng/con...

"Dù giá giống rẻ nhưng nhiều hộ dân mới bị thua lỗ nặng trong đợt vừa qua cũng không còn đủ sức để tiếp tục đầu tư nuôi tiếp được", ông Thinh khẳng định.

Ông Thinh cho biết thêm, không chỉ có hộ ông mới vào thêm giống mà nhiều hộ khác trên địa bàn Khoái Châu cũng mới mạnh dạn mua thêm gà, vịt ngan đưa về tiếp tục chăn nuôi.

"Ở nông thôn lại qua tuổi lao động không công ty, doanh nghiệp nào tuyển, thuê làm công nhân nữa không nuôi gà, vịt thì chúng tôi không biết làm gì để kiếm sống", bà Nguyễn Thị Tâm, ở Khoái Châu bộc bạch.

Nên nuôi rải vụ

TS Nguyễn Thanh Sơn - Chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi gia cầm Việt Nam cho rằng: Sau nhiều ngày mất giá, đến giờ giá gia cầm cũng đang tăng nhẹ, song theo dự đoán của tôi, do ảnh hưởng của dịch bệnh, nhất là dịch virus coroa nên giá mặt hàng này cũng không tăng quá đột biến, không thể bằng giá trước Tết được.

"Trước tình hình dịch bệnh như hiện nay, nhất là dịch cúm A/H5N6 đang xảy ra tại một số tỉnh khiến người chăn nuôi có phần e ngại và có thể bà con sẽ không tăng và vào đàn gia cầm, đây sẽ điều kiện giúp cho nguồn cung được điều hòa làm cho giá mặt hàng này tăng lên trong thời gian tới", ông Sơn khẳng định.

Gia cầm liên tục mất giá, người nuôi vẫn liều mua giống vào đàn - Ảnh 3.

Giá gà thịt hôm nay ở chợ đầu mối gia cầm Hà Vỹ (Hà Nội) vẫn chưa có khởi sắc.

Về phần mình, ông Nguyễn Xuân Dương - Quyền Cục trưởng Cục Chăn nuôi (Bộ NNPTNT) cho hay: Thời điểm trước, trong và nhất là sau Tết Nguyên đán, do dịch cúm virus corona, các lễ, hội, sự kiện đầu năm cũng tạm ngừng hoạt động gây ảnh hưởng nhất định khiến nhu cầu thịt gia súc, gia cầm giảm, trong khi đó nguồn cung lại tăng dẫn đến giá các mặt hàng này giảm. Tuy nhiên, theo nhìn nhận của tôi, giá các mặt hàng vịt, gà, ngan giảm không nhiều mà chỉ thấp hơn giá thị trường rất ít và sẽ hồi phục dần trong thời gian tới.

"Theo quy luật của thị trường, việc tăng giảm giá sản phẩm chăn nuôi là hết sức bình thường, chúng ta phải xác định trong chu kỳ sản xuất, chăn nuôi gia cầm trong năm bao giờ cũng có lỗ, có lãi, thậm chí 1 năm có 8 tháng bà con thu lãi, 4 tháng phải chịu lỗ là bình thường", ông Dương khẳng định.

Khuyến cáo thêm với người chăn nuôi, ông Dương lưu ý, trong thời gian tới, bà con và các địa phương vẫn nên sản xuất bình thường và không chủ quan lơ là trước dịch bệnh, nhất là dịch cúm A/H5N6. Điều đáng nói nữa là bà con phải cần có điều chỉnh về quy mô chăn nuôi và tiếp tục tiến hành chăn nuôi an toàn sinh học để bảo đảm an toàn, bền vững cho đàn vật nuôi và thu nhập.

"Bà con chăn nuôi cũng lưu ý làm sao chúng ta phải nuôi rải vụ ra và tập trung tăng sản phẩm vào các tháng mua thu, mua đông và giảm về mùa hè. Đặc biệt là vào mùa hè tới, chúng ta phải chủ động ngay từ bây giờ để điều chỉnh sao cho hợp lý nhịp đẻ của gia cầm để tránh việc thừa sản phẩm gây ra tình trạng khủng hoảng về giá", ông Dương nhấn mạnh.


Hải Đăng