Tại các buổi tiếp xúc này, đồng chí Thào Xuân Sùng - Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Đảng đoàn, Chủ tịch Ban Chấp hành Trung ương Hội Nông dân Việt Nam (T.Ư Hội NDVN), trăn trở: “Việc đưa nông sản sạch, đặc sản Việt Nam lên các chuyến bay của Vietnam Airlines, VietJet Air không chỉ giúp cho nông sản sạch, đặc sản các vùng miền đi khắp cả nước mà còn đi khắp thế giới. Việc làm này trước mắt là góp phần giải quyết câu chuyện tìm đầu ra cho nông sản Việt, sau đó là mục tiêu quan trọng hơn góp phần quảng bá, giới thiệu văn hóa Việt Nam cho bạn bè 5 châu.
Tất nhiên, muốn đạt được hiệu quả đó, phải cần có sự chung tay của các cấp, ban ngành; nhất là sự ủng hộ của lãnh đạo hai Hãng Hàng không lớn nhất Việt Nam với vai trò kết nối của T.Ư Hội NDVN”.
Đưa nông sản Việt lên những chuyến bay
Tại buổi làm việc với VietJet Air, ông Thào Xuân Sùng chia sẻ, là hãng hàng không tư nhân lớn nhất Việt Nam, nếu VietJet Air đồng ý đưa nông sản sạch, đặc sản các vùng miền lên các chuyến bay của hãng để phục vụ hành khách thì động thái này vừa giúp nông dân tiêu thụ sản phẩm vừa giúp quảng bá hình ảnh Việt Nam qua những món ăn truyền thống, đặc sản vùng miền. “Với tầm cỡ và thế mạnh của Vietjet Air, T.Ư Hội Nông dân Việt Nam tin tưởng Vietjet có thể hỗ trợ giúp nông dân thoát nghèo, làm giàu bền vững, bởi chỉ khi nông dân Việt Nam - tầng lớp chiếm hơn 70% dân số, có thể thoát nghèo, thì đất nước mới cất cánh được”, ông Sùng nói.
Chia sẻ trước những trăn trở của đồng chí Thào Xuân Sùng, ông Lưu Đức Khánh - Giám đốc Điều hành Công ty CP Hàng không VietJet, cho biết: “Trên thực tế, VietJet đã tham gia vào việc vận chuyển hàng hóa, nông sản cho nông dân các vùng miền đến thị trường tiêu thụ khắp cả nước, kể cả sang các nước bạn. Chẳng hạn, khoảng 70% hàng hóa nông sản của Đà Lạt được VietJet vận chuyển ra thị trường phía Bắc, miền Trung và miền Nam. Chúng tôi cũng vận chuyển dừa Bến Tre ra thị trường miền Bắc, miền Trung... Tóm lại, sứ mạng phục vụ và hỗ trợ nông dân luôn được VietJet tính đến trong chiến lược phát triển lâu dài và bền vững của mình”, ông Khánh nói.
Cũng theo ông Khánh, sắp tới, VietJet sẽ bàn bạc cụ thể với T.Ư Hội Nông dân Việt Nam về các phương án kết nối để mang đặc sản, nông sản sạch lên máy bay - các “chợ” di động ở độ cao 10.000m của hãng, vừa phục vụ khách hàng, đồng thời góp phần giới thiệu nông sản Việt ra thế giới.
Trong khi đó với Vietnam Airlines, thực tế trong năm 2018, hãng hàng không quốc gia này đã góp phần đưa một số nông sản đặc sản lên các chuyến bay của mình, nhất là các loại trái cây đặc sản vùng miền. Cụ thể, trong các tháng 6 và 8.2018, hai trái cây đặc sản là vải thiều Bắc Giang và nhãn lồng Hưng Yên lần lượt được phục vụ như một món tráng miệng trên các chuyến bay nội địa và quốc tế của Vietnam Airlines.
Bước sang tháng 12.2018 (từ ngày 8 đến 22.12), Vietnam Airlines tiếp tục đưa đặc sản cam Cao Phong (Hòa Bình) trở thành món tráng miệng phục vụ hành khách hạng thương gia trên gần 70 đường bay của Vietnam Airlines từ Hà Nội, TP.HCM đi châu Á, châu Âu, Australia và trên đường bay nội địa giữa Hà Nội - TP.HCM.
Tại buổi làm việc với T.Ư Hội NDVN, ông Dương Trí Thành - Tổng Giám đốc Vietnam Airlines khẳng định, Vietnam Airlines sẵn sàng hợp tác với T.Ư Hội NDVN lựa chọn các nông sản đặc sản của từng vùng miền và đảm bảo các quy sản xuất an toàn làm thực đơn ẩm thực hàng không của hãng.
“Ẩm thực trên chuyến bay là một trong những điểm chạm văn hóa đầu tiên của du khách, đặc biệt là du khách quốc tế. Đó là lý do vì sao Vietnam Airlines luôn dành sự ưu tiên đặc biệt cho các sản phẩm mang thương hiệu Việt. Ở khía cạnh văn hóa, việc đưa sản vật nội địa lên các chuyến bay là cách VNA gắn kết sản phẩm hàng không với ẩm thực truyền thống, qua đó quảng bá bản sắc dân tộc với người dân trong nước và bạn bè quốc tế”, ông Thành chia sẻ.
Vẫn còn nhiều khó khăn
Liên quan đến việc đưa nông sản Việt lên những chuyến bay nội địa và quốc tế, ông Trần Thanh Hải, Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương), đánh giá: “Việc đặc sản địa phương đi thẳng lên các chuyến bay được xem là đầu ra ý nghĩa cho nông đặc sản Việt Nam. Đây cũng không phải là cách làm mới so với quốc tế bởi lẽ cách làm này đã được áp dụng ở các hãng hàng không khác trên thế giới, ví dụ như quảng bá cá hồi, hạt mac-ca... Tôi hy vọng sắp tới ngành hàng không sẽ phối hợp với các ngành nông nghiệp để thực hiện những chương trình tiếp thị cho hàng hóa, nông sản Việt Nam vươn ra thế giới”.
Chia sẻ về điều này, ông Nguyễn Lâm Viên, Tổng Giám đốc Công ty Vinamit, nói ngắn gọn: “Khi vận chuyển bằng hàng không vẫn là lựa chọn số một cho xuất khẩu trái cây tươi, thì cảnh “1 đồng tiền hàng, 3 đồng tiền cước” - chi phí logicstic - vẫn sẽ là rào cản cho trái cây... “cất cánh”. Thế nên, nếu không có sự chung tay của các ban ngành thì việc đưa trái cây, nông sản Việt lên những chuyến bay sẽ chỉ dừng lại ở việc quảng cáo hình ảnh mà thôi”.
Đồng quan điểm, ông Lê Thanh Nhân, giám đốc một công ty xuất khẩu trái cây tại Long An cho rằng, cước vận chuyển bằng máy bay quá lớn khiến doanh nghiệp không dám “liều”, chỉ vận chuyển bằng container qua các cửa khẩu nên thời gian tương đối dài, có thể đối mặt nhiều rủi ro. “Nếu Chính phủ có các chính sách hỗ trợ để trái cây Việt về mặt chi phí để có giá thành cạnh tranh nhất thì nông sản, trái cây Việt sẽ có cơ hội “cất cánh” vào các thị trường khó tính”, ông Nhân kỳ vọng.