dd/mm/yyyy

DN bất ngờ tăng giá thức ăn: Dân kiệt sức, Cục Chăn nuôi nói tăng không đáng kể

Nói về thông tin các doanh nghiệp bất ngờ tăng giá thuốc thú y, thức ăn chăn nuôi, ông Tống Xuân Chinh - Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi (Bộ NNPTNT) cho rằng: Do nhu cầu về sản phẩm tăng cao nên các công ty sản xuất các mặt hàng này đã điều chỉnh tăng giá cám, thuốc nhưng mức tăng không đáng kể.
DN bất ngờ tăng giá thức ăn: Dân kiệt sức, Cục Chăn nuôi nói tăng không đáng kể - Ảnh 1.

Doanh nghiệp sản xuất thức ăn chăn nuôi thông báo tăng giá sản phẩm càng đẩy người nuôi gia cầm vào đường cùng.

Dân kiệt sức

Theo tìm hiểu của PV Trang trại Việt, mới đây nhiều doanh nghiệp sản xuất thức ăn chăn nuôi đã phát đi thông báo điều chỉnh tăng giá các sản phẩm thức ăn chăn nuôi từ 150 đồng đến trên dưới 300 đồng/kg, thậm chí Công ty TNHH Dinh dưỡng vật nuôi Việt Nam còn điều chỉnh tăng 350 đồng/kg với các sản phẩm cám gia cầm.

Bày tỏ bức xúc trước sự điều chỉnh tăng giá thức ăn chăn nuôi, thuốc thú y của các công ty, doanh nghiệp, ông Phạm Ngọc Nam, chủ một trại gia cầm ở Khoái Châu (Hưng Yên) cho biết, giữa lúc gà, vịt mất giá như thời điểm hiện tại thì việc tăng giá cám, thuốc càng khiến cho người kiệt sức thêm.

"Với mức tăng vài trăm đồng/kg đối với người nuôi ít gà, vịt thì còn đỡ, còn đối với các hộ nuôi nhiều lên đến hàng nghìn thì mức tiêu tốn thức ăn sẽ rất lớn. Đặc biệt là trong lúc giá gia cầm giảm sâu dưới giá thành như hiện này thì bà con chăn nuôi sẽ càng phải chịu thua lỗ nặng nề hơn", ông Nam nói.

Hiện, gia đình ông Nam đang nuôi gần 4.000 vịt thương phẩm, phần lớn đàn vịt đều đã đến tuổi xuất bán nhưng không có lái hỏi mua nên vợ chồng ông đành phải cầm cự thêm. Tính ra trung bình mỗi ngày này ông Nam phải chịu lỗ tiền triệu tiền thức ăn cho đàn vịt.

"Nếu bây giờ bán được vịt với giá 25.000 đồng/kg thì chúng tôi cầm chắc khoản lỗ cả trăm triệu đồng, đau xót quá", ông Nam ngậm ngùi bảo.

Ông Trần Văn Trọng, chủ trang trại nuôi gia cầm ở Mỏ Cày Nam (Bến Tre) cho biết, hiện giá gà, vịt đang ở mức thấp và khó tiêu thụ, một phần là do người nuôi bị phụ thuộc quá nhiều vào đối tượng trung gian là lái buôn. Đến giờ các công ty, sản xuất thức ăn chăn nuôi lại tăng giá thì chả khác nào nông dân chúng tôi phải chịu"một cổ hai tròng", bà con đang thua lỗ nặng nay càng cùng cực hơn.

"Trong lúc khó khăn này, chúng tôi chỉ mong các cơ quan quản lý nhà nước và doanh nghiệp sản xuất thức ăn chăn nuôi có chủ trương, chính sách hỗ trợ hợp lý, cần thiết để bà con vượt qua thách thức", ông Trọng kiến nghị.

Ông Chinh cho hay: Cũng phải nói thêm là trong thời gian vừa qua việc phát triển đàn gia cầm đã tăng cao khiến cho nhu cầu sử dụng thuốc thú y, thức ăn chăn nuôi cũng tăng thêm nên các công ty, doanh nghiệp sản xuất mặt hàng này đã điều chỉnh tăng giá bán sản phẩm. Tuy nhiên mức tăng cũng không đáng kể và chỉ là tức thời trong thời gian ngắn, sau đó sẽ ổn định lâu dài.

DN bất ngờ tăng giá thức ăn: Dân kiệt sức, Cục Chăn nuôi nói tăng không đáng kể - Ảnh 2.

Càng để nuôi thêm dài ngày, người nuôi gà càng chịu thua lỗ nặng

Bà con vẫn nên chăn nuôi bình thường

Theo thông tin từ Bộ NNPTNT, từ đầu năm 2020 đến nay, cả nước có 43 ổ dịch cúm gia cầm, bao gồm 38 ổ dịch do virus cúm A/H5N6 và 5 ổ dịch do virus cúm A/H5N1.

Dịch cúm gia cầm xảy ra tại 13 tỉnh, thành phố (bao gồm: Hà Nội, Hải Phòng, Hòa Bình, Bắc Ninh, Hà Nam, Ninh Bình, Thái Bình, Thanh Hoá, Nghệ An, Quảng Ngãi, Khánh Hòa, Bình Dương và Trà Vinh). Tổng số gia cầm chết, buộc tiêu hủy là trên 137.000 con.

Hiện nay, cả nước có 37 ổ dịch cúm gia cầm, bao gồm 32 ổ dịch do H5N6 và 5 ổ dịch do H5N1 tại 11 tỉnh, thành phố chưa qua 21 ngày. Các tỉnh đã hết dịch cúm gia cầm gồm Quảng Ninh, Quảng Ngãi và Khánh Hóa.

Kết quả khảo sát, điều tra cho thấy hầu hết các ổ dịch xảy ra tại các hộ chăn nuôi có đàn gia cầm chưa được tiêm phòng, đặc biệt trên các đàn vịt của các hộ mới chuyển sang nuôi gia cầm do trước đó nuôi lợn nhưng bị ảnh hưởng bởi Dịch tả lợn Châu Phi.

Hiện chính quyền và cơ quan chuyên môn đã xử lý tiêu hủy toàn bộ đàn gia cầm bị bệnh, dương tính với virus cúm gia cầm, tổ chức sát trùng bằng vôi bột, phun hóa chất, khoanh vùng và lập các chốt kiểm dịch tạm thời để chống dịch, tiêm phòng bao vây ổ dịch và tiêm phòng các đàn gia cầm có nguy cơ cao nên chưa có hiện tượng dịch cúm gia cầm lây lan rộng.

Ông Tống Xuân Chinh cho biết thêm, với tổng đàn gia cầm cả nước hiện gần 500 triệu con, do ảnh hưởng của dịch cúm gia cầm bùng phát ở một số điểm nên phải tiêu hủy trên 100.000 con so với gần 500 triệu con tỷ lệ không đáng kể và không ảnh hưởng tới nguồn cung gia cầm tại Việt Nam hiện nay.

"Dù giá gia cầm đang ở mức thấp nhưng người dân vẫn nên sản xuất và chăn nuôi bình thường. Tuy nhiên, để chăn nuôi an toàn và bền vững, bà con cần phải có kế hoạch vào đàn gia cầm ở mức phù hợp với nên chăn nuôi theo hướng an toàn sinh học để giảm rủi ro dịch bệnh. Còn nếu bà con vẫn phát triển đàn gà, vịt tự phát, nuôi manh mún không đảm bảo an toàn dịch bệnh thì sẽ tiếp tục gặp thất bại", ông Chinh khuyến cáo.

Đăng Hải