CLip: Chương trình OCOP tạo "đòn bẩy" nâng cao giá trị nông sản, khẳng định thương hiệu.
Chươn trình OCOP giúp mở rộng thị trường, khẳng định thương hiệu
Sau 3 năm sản phẩm được chứng nhận OCOP, ngày càng có nhiều bệnh nhân ở nhiều địa phương trên cả nước, biết đến sản phẩm OCOP thuốc chữa bệnh Gan A Súa, đây bài thuốc chữa bệnh gia truyền của gia đình anh Cứ A Súa, ở bản Cư Nhà La, xã Sùng Phài, huyện Tam Đường, Lai Châu.
Với ước mơ đưa bài thuốc quý của gia đình đến với nhiều người bệnh hơn, từng bước nâng cao giá trị, sản lượng, anh Súa đã đầu tư hệ thống dây chuyền gồm máy nghiền, máy sấy, máy đóng gói dạng trà túi lọc. Sản phẩm sản xuất ra đã được đăng ký nhãn hiệu, đăng ký mã vạch truy xuất nguồn gốc, dán tem chống hàng giả, vừa để bảo vệ thương hiệu vừa đảm bảo quyền lợi của người dùng thuốc, cùng với sự giúp đỡ của các cấp chính quyền địa phương, sản phẩm thuốc chữa bệnh Gan A Súa của gia đình anh Súa đã được UBND tỉnh Lai Châu chứng nhận là sản phẩm OCOP 3 sao vào năm 2021.
Chia sẻ với báo Nông thôn Ngày nay / Dân Việt / Trangtraiviet điện tử, anh Súa cho biết: Gia đình tôi đã có truyền thống về những bài thuốc điều trị các bệnh về gan. Kể từ khi tôi kế nghiệp, tôi đã áp dụng những tiến bộ của y học hiện đại để phát triển thêm thương hiệu cũng như bài thuốc gia truyền của gia đình. Ban đầu các cây thuốc, vị thuốc trong bài thuốc chủ yếu được hái trên rừng, sau khi nhận ra nguồn nguyên liệu lấy từ rừng gặp nhiều khó khăn cho việc điều chế thuốc, tôi đã mang những cây thuốc về trồng, để có nguồn nguyên liệu tại chỗ.
Tôi rất mừng vì từ khi được chứng nhận là sản phẩm OCOP 3 sao, sản phẩm của gia đình tôi đã được tạo điều kiện tham gia các hội chợ xúc tiến thương mại trong và ngoài tỉnh; nhiều bệnh nhân trên cả nước được tiếp cận tới bài thuốc gia truyền của gia đình và đã khỏi bệnh; Thuốc chữa bệnh Gan A Súa cũng dần khẳng định được thương hiệu trên thị trường, doanh thu cũng nhờ đó tăng lên rõ rệt. Chúng tôi có điều kiện hơn để mở rộng quy mô sản xuất, xây dựng nhà kho nhà xưởng, mua sắm trang thiết bị máy móc phục vụ sản xuất.
Dót chén trà mời khách, anh Súa cho hay, năm 2023 sản phẩm thuốc chữa bệnh Gan A Súa của gia đình tôi đã được UBND tỉnh Lai Châu công nhận là một trong 13 sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu và lựa chọn là một trong 5 sản phẩm đại diện Lai Châu tham gia cuộc thi ở khu vực miền bắc.
Chương trình OCOP nâng cao giá trị nông sản, cải thiện đời sống vật chất, tinh thần ở nông thôn
Chia sẻ về tiềm năng, lợi thế, hiệu quả từ Chương trình OCOP, ông Đặng Văn Châu, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Lai Châu cho biết: Việc phát huy tiềm năng, lợi thế của từng địa phương, cộng với những chính sách, chương trình, đề án về phát triển kinh tế xã hội được tỉnh Lai Châu, các huyện ban hành, tổ chức thực hiện trong thời gian qua đã và đang phát huy hiệu quả góp phần vào thúc đẩy phát triển sản xuất, kinh doanh sản phẩm OCOP, nâng cao giá trị hàng hóa làm tăng thu nhập và góp phần cải thiện đời sống vật chất và tinh thần ở nông thôn.
Đến nay, sau gần 4 năm triển khai thực hiện Chương trình OCOP trên địa bàn toàn tỉnh đã tổ chức đánh giá, phân hạng và chứng nhận 194 sản phẩm của 86 chủ thể đạt tiêu chuẩn sản phẩm OCOP, trong đó có 13 sản phẩm 4 sao, 181 sản phẩm 3 sao. Các sản phẩm OCOP được chứng nhận đều là sản phẩm đặc sản, đặc trưng, truyền thống của địa phương. Qua đó, đã góp phần từng bước hiện đại hóa nền nông nghiệp, nông dân, nông thôn, thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế và cơ cấu lại ngành nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới.
Các sản phẩm sau khi chứng nhận và các sản phẩm tiềm năng được các cấp, các ngành và địa phương tiếp tục quan tâm tuyên truyền, hướng dẫn hoàn thiện các tiêu chí của Chương trình; hỗ trợ thúc đẩy công tác quảng bá, xúc tiến thương mại, xây dựng các điểm giới thiệu và bán sản phẩm OCOP; hỗ trợ xây dựng các chứng nhận quản lý chất lượng tiên tiến, xây dựng nhà kho nhà xưởng, trang thiết bị máy móc phục vụ sản xuất, bảo hộ nhãn hiệu, xây dựng mã số, mã vạch, tem truy xuất nguồn gốc điện tử (Qrcod) … duy trì được sản lượng, chất lượng sản phẩm, nhiều cơ sở đã đầu tư nâng cấp mở rộng quy mô sản xuất, đa dạng mẫu mã bao bì phù hợp với quy định và thị hiếu của thị trường, quan tâm chú trọng đến công tác quảng bá thương hiệu, đưa sản phẩm OCOP lên một tầm cao mới vươn ra thị trường trong và ngoài tỉnh trong cả nước.
Nhìn từ thực tế, để sản phẩm OCOP tồn tại và phát triển cần phải đảm bảo các yếu tố: Chất lượng sản phẩm, xúc tiến thương mại, tìm đầu ra cho sản phẩm; phát triển các điểm bán hàng và quảng bá, liên kết tiêu thụ sản phẩm OCOP, tạo hệ thống phân phối hiệu quả, giá cả phải cạnh tranh đối với các sản phẩm tương đồng trên thị trường, Bên cạnh đó yếu tố thương hiệu, chỉ dẫn địa lý tạo ra sản phẩm đặc trưng, nâng cao giá trị và sức cạnh tranh là then chốt...
Thời gian qua tỉnh Lai Châu đã ban hành nhiều chính sách hỗ trợ, hướng tới việc chuẩn hóa, xây dựng thương hiệu, nhãn hiệu cho các sản phẩm và phát triển sản phẩm OCOP theo chuỗi giá trị. Đến nay, Lai Châu có nhiều sản phẩm có tem truy xuất nguồn gốc rõ ràng, một số sản phẩm được sản xuất theo chuỗi giá trị, một số sản phẩm đã ứng dụng công nghệ tiên tiến trong quá trình sản xuất góp phần nâng cao giá trị các sản phẩm đặc sản, truyền thống của Lai Châu như: nhóm sản phẩm Đông trùng hạ thảo, Mắc ca sấy, thịt trâu, thịt lợn gác bếp và nhóm sản phẩm dược liệu đặc trưng…
Tính đến hết tháng 9 năm 2023, tỉnh Lai Châu đã hỗ trợ gần 5 tỷ đồng cho 111 sản phẩm được chứng nhận sản phẩm OCOP của 62 chủ thể thực hiện hoàn thiện hồ sơ sản phẩm, thiết kế, in mẫu mã bao bì sản phẩm, thưởng đạt sao OCOP, xây dựng điểm bán sản phẩm OCOP; hỗ trợ gần 700 triệu đồng cho các chủ thể tham gia giới thiệu, quảng bá, kết nối, tiêu thụ sản phẩm OCOP tại các hội nghị, hội chợ thương mại trong và ngoài tỉnh; hướng dẫn, hỗ trợ cho các chủ thể thực hiện đăng ký, xây dựng hệ thống truy xuất nguồn gốc (mã số mã vạch, mã Qrcod …), đăng ký bảo hộ thương hiệu, nhãn hiệu sản phẩm, thiết kế nhãn hiệu, bao bì, in ấn tem nhãn sản phẩm.