Căng mình chống rét cho cây trồng
Mấy ngày qua, nông dân miền Bắc phải căng mình chống rét cho cây trồng, vật nuôi. Bà Nguyễn Thị Sơn, xã Đốc Tín, huyện Mỹ Đức, cho biết: "Gia đình tôi mới gieo mạ được 10 ngày. Mặc dù thời tiết rét đậm, rét hại kéo dài, nhưng do gia đình tôi đã che phủ nilon bảo vệ nên cây mạ vẫn sinh trưởng bình thường".
Theo Trưởng phòng Kinh tế huyện Mỹ Đức Lê Hải Hồng: Đến nay tỷ lệ gieo mạ xuân trên địa bàn huyện đạt khoảng 90% diện tích, tương đương 350ha, một số xã gieo cấy sau Tết Nguyên đán như: An Mỹ, Đại Nghĩa, Đồng Tâm… chưa gieo mạ. “Theo khuyến cáo của ngành Nông nghiệp Hà Nội, bắt đầu từ ngày 4-2 các địa phương sẽ gieo cấy lúa xuân. Tuy nhiên, nếu nhiệt độ xuống dưới 15 độ C, huyện Mỹ Đức sẽ khuyến cáo nông dân không gieo cấy để giảm thiệt hại” - ông Hồng cho biết.
Tại huyện Đông Anh, đang giai đoạn cao điểm thu hoạch vụ rau phục vụ Tết Nguyên đán, mặc dù nhiệt độ giảm sâu, song do có kinh nghiệm nên nông dân đã chủ động các biện pháp bảo vệ cây trồng. Ông Nguyễn Tuấn Hồng, Giám đốc Hợp tác xã sản xuất và Tiêu thụ rau an toàn Bắc Hồng cho biết: Hiện hợp tác xã đã chỉ đạo nông dân che chắn cho cây rau để giảm thiệt hại.
Theo Phó Trưởng phòng Kinh tế huyện Đông Anh Nguyễn Xuân Hà, toàn huyện có 800ha trồng rau, hiện nhiều vùng rau của huyện đã xây dựng nhà vòm, nhà lưới che chắn nên giảm tác động của giá rét đậm, rét hại. Tuy nhiên, nếu nhiệt độ kéo dài dưới ngưỡng 15 độ C thì một số loại rau ăn lá sẽ bị ảnh hưởng.
Bà Phạm Thị Bảy, ở xã Phương Trung, huyện Thanh Oai, cho biết: Hai ngày qua nhiệt độ xuống thấp, gia đình tôi có 3 con trâu, nhưng không chăn thả ngoài đồng mà nuôi nhốt ở chuồng trại, thực hiện che chắn khu chuồng bằng bạt và cho ăn thêm cám và nước muối. Tuy nhiên, nếu thời tiết tiếp tục kéo dài nông dân sẽ phải tăng chi phí để mua thức ăn xanh, các loại khoáng chất, vitamin dự trữ cho trâu, bò...
Theo Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Chu Phú Mỹ, hiện Hà Nội chưa có thiệt hại về cây trồng, vật nuôi. Sở đã thành lập các đoàn kiểm tra tình hình sản xuất tại các quận, huyện để có chỉ đạo, hướng dẫn cụ thể. Đồng thời, đề nghị chính quyền địa phương tăng cường kiểm tra công tác phòng, chống rét, bố trí kinh phí, nhân lực tổ chức thực hiện các biện pháp phòng, chống cho vật nuôi, cây trồng nhằm giảm thiệt hại xuống mức thấp nhất cho nông dân.
Nhiều khuyến cáo
Hiện các tỉnh miền Bắc đã và đang có những biện pháp bảo vệ cây trồng, vật nuôi trước thời tiết rét đậm, rét hại kéo dài. Theo Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt (Bộ NN&PTNT) Trần Xuân Định, đợt không khí lạnh lần này tác động mạnh nhất đến các tỉnh miền núi phía Bắc. Vùng núi cao xuất hiện băng giá, mưa tuyết. Trước thực trạng này, để bảo vệ cây trồng, Cục Trồng trọt khuyến cáo nông dân, đối với cây úa ngừng xuống giống, gieo cấy khi nhiệt độ thấp hơn 15 độ C.
Với diện tích lúa ở các vùng thấp trũng, giống dài ngày đã cấy cần giữ nước mặt ruộng 7-10cm, ngập gốc lúa để giữ ấm; tuyệt đối không bón thúc đạm và NPK hàm lượng cao; diện tích mạ đã gieo che phủ vòm nilon, tuyệt đối không bón đạm cho mạ. Với cây rau màu, ngừng bón thúc đạm trong những ngày nền nhiệt còn thấp, đồng thời che phủ bằng vòm nilon hoặc các vật liệu khác để hạn chế tác động của rét hại; phủ kín gốc bằng xác thực vật; tưới đủ nước hằng ngày, không để tình trạng quá khô...
Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi (Bộ NN&PTNT) Tống Xuân Chinh cho biết: Để phòng chống đói rét, giảm thiểu thiệt hại cho vật nuôi, Cục đã đề nghị Sở NN&PTNT các tỉnh phía Bắc triển khai các biện pháp phòng, chống đói, rét cho vật nuôi.
Theo đó, các địa phương cử các đoàn công tác trực tiếp, hướng dẫn, kiểm tra, đôn đốc phòng, chống đói, rét, nhất là những nơi có nguy cơ vật nuôi bị ảnh hưởng nhiều. Các ngành chức năng phổ biến và hướng dẫn người chăn nuôi củng cố chuồng trại, che chắn giữ ấm và bảo đảm vệ sinh chuồng nuôi, đôn đốc, tiêm phòng đầy đủ và tẩy ký sinh trùng cho trâu, bò; hướng dẫn nông dân chủ động dự trữ thức ăn tinh, thức ăn thô khô (rơm, rạ, cỏ khô) và bảo quản các phụ phẩm nông nghiệp làm thức ăn cho gia súc ăn...