dd/mm/yyyy

Chi trả dịch vụ môi trường rừng: Góp phần thay đổi diện mạo nông thôn ở Lai Châu

Từ nguồn tiền dịch vụ môi trường rừng được nhận hàng năm, người dân các xã, bản của tỉnh Lai Châu có thêm điều kiện để trang trải cuộc sống, đóng góp xây dựng nông thôn mới.

Thực hiện hiệu quả chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng ở Lai Châu

Đến bất kỳ xã, bản nào của tỉnh Lai Châu, hỏi về dịch vụ môi trường rừng hầu như ai cũng biết. Nhiều người dân còn kể vanh vách về thời gian, số tiền dịch vụ môi trường rừng mà gia đình họ nhận được hàng năm. Quan trọng hơn, đó là họ còn biết để được nhận khoản tiền đó, thì bản thân, gia đình mình phải ra sức bảo vệ rừng, giữ rừng ngày càng xanh tốt. Đây cũng chính là câu trả lời chân thật nhất cho thấy chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng đã thực sự đi vào cuộc sống, được người dân đón nhận nhiệt tình. Và đây cũng chính là minh chứng rõ nét về màu xanh tươi tốt trên những cánh rừng của tỉnh Lai Châu.

Chi trả dịch vụ môi trường rừng: Góp phần thay đổi diện mạo nông thôn ở Lai Châu - Ảnh 1.

Chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng mang lại nguồn thu nhập ổn định cho người dân Lai Châu. (Ảnh: Thanh Ngân)

Điều này cho thấy, đồng bào các dân tộc từ vùng thấp đến vùng cao trên địa bàn tỉnh Lai Châu đã có sự thay đổi rõ nét cả về nhận thức và hành động trong việc bảo vệ, phát triển rừng. Chính vì nhận thức rõ về tầm quan trọng cũng như lợi ích của việc giữ rừng, người dân các xã, bản ở Lai Châu ngày càng tích cực tham gia bảo vệ rừng, phát triển rừng. Hầu hết các bản, khu phố của tỉnh Lai Châu đều có tổ chuyên trách bảo vệ rừng, với sự tham gia tích cực, có trách nhiệm của người dân.

Nói như ông Nguyễn Bá Việt – Phó Giám đốc Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng Lai Châu, thì chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng đã tạo "bước ngoặt" lớn trong công tác quản lý, bảo vệ rừng của tỉnh. Nhờ chính sách này, mà công tác quản lý, bảo vệ rừng ở Lai Châu được nâng lên tầm cao mới và đem lại hiệu quả rõ nét. Người dân các xã, bản trong tỉnh được hưởng lợi từ chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng, nên ngày càng tích cực tham gia bảo vệ rừng.

Chi trả dịch vụ môi trường rừng: Góp phần thay đổi diện mạo nông thôn ở Lai Châu - Ảnh 2.

Tỷ lệ độ che phủ rừng của tỉnh Lai Châu tăng lên nhờ có sự tham gia bảo vệ của người dân. (Ảnh: Thanh Ngân)

Chỉ tay về phía cánh rừng xanh tốt phía sau bản, anh Mào Văn Đồng – Trưởng bản Mường Tè (xã Mường Tè, huyện Mường Tè, tỉnh Lai Châu) phấn khởi cho biết: Từ khi có chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng, ý thức, trách nhiệm bảo vệ rừng của người dân trong bản được nâng lên. Người dân trong bản cùng chung tay giữ rừng, nên cánh rừng của bản mới xanh tốt như bây giờ.

Tiền dịch vụ môi trường rừng góp phần làm thay đổi bộ mặt nông thôn

Từ khi có chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng, hàng chục nghìn hộ dân ở Lai Châu có nguồn thu nhập ổn đinh, bền vững. Khoản tiền dịch vụ môi trường rừng được người dân các xã, bản trong tỉnh sử dụng hiệu quả. Từ nguồn tiền dịch vụ môi trường rừng được nhận hàng năm, người dân các xã, bản của tỉnh Lai Châu có thêm điều kiện để trang trải cuộc sống, đóng góp xây dựng nông thôn mới.

Chi trả dịch vụ môi trường rừng: Góp phần thay đổi diện mạo nông thôn ở Lai Châu - Ảnh 3.

Có thu nhập ổn định từ chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng, người dân các xã, bản của tỉnh Lai Châu tích cực đóng góp xây dựng nông thôn mới. (Ảnh: Thanh Ngân)

Ông Vàng Văn Thọ - Phó Chủ tịch UBND xã Bum Nưa (Mường Tè, Lai Châu) cho biết: Xã Bum Nưa hiện có hơn 5000 ha rừng, trong đó diện tích rừng do xã quản lý là hơn 4100 ha. Hàng năm, xã Bum Nưa ký hợp đồng khoán bảo vệ rừng với các bản. Các bản trong xã đều đã thành lập tổ chuyên trách bảo vệ rừng, với sự tham gia tích cực của các hộ dân. Nhờ có sự tham gia bảo vệ của người dân, những cánh rừng trên địa bàn xã phát triển ngày một xanh tốt.

Hằng năm, bình quân mỗi hộ dân trong xã được chi trả hơn 6 triệu đồng tiền dịch vụ môi trường rừng. Số tiền này được các hộ dân sử dụng khá hiệu quả vào phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo, chỉnh trang nhà cửa, xây dựng nông thôn mới. Nhiều hộ dân còn mạnh dạn đầu tư mua cây quê giống về trồng từ tiền dịch vụ môi trường rừng, góp phần phủ xanh đất trống, đồi trọc.

Chi trả dịch vụ môi trường rừng: Góp phần thay đổi diện mạo nông thôn ở Lai Châu - Ảnh 4.

Người dân bản On (Khoen On, Than Uyên) đóng góp lắp dựng cột đèn điện chiếu sáng từ tiền dịch vụ môi trường rừng. (Ảnh: Thanh Ngân)

Tìm hiểu được biết, ở nhiều xã, bản của tỉnh Lai Châu, sau khi nhận tiền dịch vụ môi trường, nhiều hộ dân ở các bản tự nguyện trích lại một phần để làm đường giao thông nông thôn, lắp bóng đèn điện chiếu sáng.

Về bản On (Khoen On, Than Uyên, Lai Châu) chúng tôi không khỏi ngạc nhiên khi được "mục sở thị" những cột đèn điện chiếu sáng dựng bên ven đường. Chỉ tay lên bóng đèn điện chiếu sáng, chị Lò Thị Nguyên, ở bản On vui vẻ nói: "Trước đây, cứ tối là bà con dân bản lại ngại ra đường. Từ khi có cột đèn điện này, cứ tôi đến lại bật lên, cả bản sáng như ban ngày, người dân trong bản ai cũng phấn khởi. Hệ thống cột đèn điện chiếu sáng này là bà con dân bản đóng góp từ tiền dịch vụ môi trường rừng đấy".

Chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng không chỉ tác động trực tiếp đến đời sống, thu nhập của người dân ở Lai Châu, mà còn tạo sức bật trong xây dựng nông thôn mới, trên địa bàn. Bộ mặt các xã nông thôn miền núi của tỉnh ngày càng khởi sắc, đời sống vật chất và tinh thần của người dân trong tỉnh không ngừng cải thiện, nâng cao.


Thanh Ngân