Video: Nông thôn mới xã Chiềng Khương, huyện Sông Mã, Sơn La.
Chiềng Khương là xã giáp biên với nước bạn Lào. Tên xã cũng là tên cửa khẩu cạnh dòng sông Mã thơ mộng. Đường đến xã Chiềng Khương không còn cảnh xa ngái, núi cách sông ngăn như những năm trước đây nữa. Từ khi triển khai xây dựng chương trình nông thôn mới, bà con ở 21 bản của xã đã cùng góp công, góp sức xây dựng vùng biên giới. Những quả đồi trọc khi xưa giờ phủ xanh bởi cây ăn quả. Bản trên, bản dưới ra sức thi đua giúp nhau giảm nghèo và làm giàu. Cả xã vùng biên đang căng tràn sức sống mới, nhân dân cùng nhau đoàn kết xây dựng xã cửa khẩu có cuộc sống sung túc, ấm no.
Vùng biên Chiềng Khương khởi sắc
Cách đây 20 năm tôi đã có dịp đến cửa khẩu Chiềng Khương. Khi đó đời sống bà con còn nhiều khó khăn. Hệ thống cơ sở hạ tầng còn lạc hậu. Bà con người Thái, người Xinh Mun… luôn đau đáu tìm hướng phát triển kinh tế trồng cây gì, nuôi còn gì làm sao cho hiệu quả. Những khó khăn, nhọc nhằn và trăn trở đó là động lực thúc đẩy bà con tìm ra hướng phát triển mới. Giờ đây trở lại xã biên giới Chiềng Khương sự đói nghèo, lạc hậu năm xưa đã được đẩy lùi. Bà con Chiềng Khương đang ra sức thi đua, phát triển kinh tế xây dựng bản làng.
Bản Thống Nhất, xã Chiềng Khương được coi là đơn vị năng động trong việc phát triển kinh tế. Những ngôi nhà xây hiện đại, lợp ngói đỏ tươi mọc lên giữa những vườn cây ăn quả xoài, mít, nhãn, cà phê… Công dân đầu tiên của bản mà chúng tôi gặp là ông Nguyễn Văn Tuyền – chủ của mô hình nuôi gà giống có tiếng ở Chiềng Khương. Ông Tuyền đang ở trang trại gà với 4000 con gà mái đẻ. Hệ thống chuồng trại được ông làm hiện đại. Từng dãy chuồng nối nhau dài tít tắp. Thay vì nuôi gà theo kiểu truyền thống, thả rông ngoài vườn, ông Tuyên đầu tư xây chuồng khép kín, hiện đại. Từ hệ thống cho ăn, nước uống, thu sản phẩm đến hệ thống thu gom chất thải được đầu tư bài bản, hiện đại.
Nuôi gà đã được chục năm có lẻ, nên ông Tuyền đã nắm rõ về sự sinh trưởng của đám gà trong lòng bàn tay. Ông chia sẻ, nhu cầu gà giống ở vùng Sông Mã rất lớn. Trước đây, bà con toàn phải đặt mua ở dưới xuôi chuyển lên. Giá vừa cao, chất lượng giống thì phập phù. Nắm được nhu cầu này, ông Tuyền đã từng bước gây dựng cơ sở sản xuất gà giống lớn nhất huyện. Hiện tại, mỗi năm ông cung cấp ra thị trường cả vài vạn con giống, thu nhập cả vài trăm triệu đồng. Trang trại cũng tạo công ăn việc làm thường xuyên từ 2-3 lao động.
Cũng giống như ông Tuyền, nhiều nông dân xã Chiềng Khương đã mạnh dạn thay đổi tư duy sản xuất, thay đổi cách làm, vươn lên thành triệu phú. Họ đã và đang đánh thức tiềm năng của vùng cửa khẩu này. Đi qua các bản Thống Nhất, Quyết Thắng, Hưng Hà… thấy một màu xanh của cây ăn trái trải dài theo triền núi. Anh Bùi Văn Quang ở bản Hưng Hà được coi là tỷ phú trẻ của xã vùng biên Sông Mã. Cách đây cả chục năm, anh đã mạnh dạn chuyển đổi khu đồi vốn trồng ngô, trồng dong riềng sang trồng nhãn. Anh Quang kì công chăm sóc vườn nhãn chín sớm và chín muộn theo hướng hữu cơ. Đến nay, anh Quang đã trồng được 6ha nhãn hữu cơ, cho thu nhập trên 2 tỷ đồng.
Đến xã vùng biên Chiềng Khương, tôi còn có may mắn được gặp nhiều tỷ phú trồng nhãn, trồng cà phê, chăn nuôi bò, lợn… Họ đều nỗ lực vươn lên trong cuộc sống làm giàu cho gia đình, đóng góp xây dựng quê hương. Theo thống kê của UBND xã Chiềng Khương, hiện toàn xã có trên 900ha cây ăn quả. Những năm vừa qua, nhờ mạnh dạn chuyển đổi cơ cấu cây trồng, phát động toàn dân tham gia xây dựng nông thôn mới, nên bà con gia sức thi đua, tăng gia sản xuất. Những đóng góp của bà con đã góp phần quan trọng giúp xã Chiềng Khương cán đích chương trình xây dựng Nông thôn mới sớm nhất của huyện Sông Mã.
Những kinh nghiệm quý báu trong việc huy động sức dân
Sau mỗi năm, bộ mặt nông thôn của xã Chiềng Khương có sự đổi thay rõ rệt. Xã đã được công nhận là xã đạt chuẩn nông thôn mới và đang nỗ lực phấn đấu cán đích nông thôn mới nâng cao vào năm 2025. Những gì đã đạt được, không làm chính quyền và nhân dân trong xã dừng lại. Họ vẫn tiếp tục phát huy nội lực để từng bước nâng cao đời sống của bà con nhân dân trong xã. Nói như đồng chí Tòng Văn Việt, Bí thư Đảng ủy xã Chiềng Khương (huyện Sông Ma, Sơn La), hành trình xây dựng nông thôn mới là không có điểm dừng. Xã luôn xác định, xây dựng Chiềng Khương mạnh giàu về kinh tế và môi trường được giữ gìn. Văn hóa của các dân tộc được giữ gìn và phát huy. Toàn dân đoàn kết một lòng, chung sức xây dựng xã vùng biên ngày một giàu mạnh hơn.
Quả như lời Bí thư Đảng ủy xã chia sẻ, từ khi triển khai xây dựng nông thôn mới ở xã Chiềng Khương đến nay, xã cũng luôn đặt ra phương châm hành động, chỉ có sự tham gia đóng góp của toàn dân mới có thể thành công xây dựng nông thôn mới. Bà con chính là chủ thể của quá trình xây dựng này. Ngay từ khi triển khai xã đã kiện toàn Ban chỉ đạo, Ban quản lý xây dựng nông thôn mới xã; kiện toàn Ban phát triển xây dựng nông thôn mới của các bản. Kiện toàn Ban phát triển xây dựng nông thôn mới của các bản do đồng chí Bí thư Chi bộ các bản làm Trưởng ban. Trong đó thành viên là những người có uy tín, trách nhiệm và năng lực tổ chức triển khai do cộng đồng bản trực tiếp bầu
Sau khi kiện toàn ban tổ chức, Ban Chỉ đạo xã đã chỉ đạo thường xuyên lồng ghép công tác tuyên truyền vào các hội nghị của xã, của bản các chủ trương, chính sách về xây dựng nông thôn mới nâng cao và bản kiểu mẫu. Đồng chí Tòng Văn Việt cho biết: "Chương trình xây dựng nông thôn mới là nhiệm vụ của toàn dân. Tất cả các ban ngành đoàn thể xã đều phải xây dựng kế hoạch tuyên truyền chủ trương về xây dựng nông thôn mới đến với tất cả hội viên, đoàn viên từ xã đến bản. Nhờ vậy mà nhận thức của cán bộ, đảng viên và nhân dân các dân tộc trong xã có nhiều chuyển biến, tích cực tham gia thực hiện Chương trình; các điểm triển khai xây dựng công trình nhân dân tự giải phóng mặt bằng, ủng hộ vật liệu, ngày công, hiến đất, cây cối hoa màu… để xây dựng đường giao thông, trường học và văn hóa bản...".
Sau hơn chục năm triển khai chương trình xây dựng nông thôn mới, xã Chiềng Khương đã đạt được những kết quả rất đang ghi nhận. Đến nay, bộ mặt nông thôn xã Chiềng Khương đã thay đổi rõ rệt. Đặc biệt là tỷ lệ hộ nghèo của xã hiện còn không đáng kể. Kết quả điều tra, rà soát hộ nghèo đa chiều năm 2024, trên địa bàn xã còn 74 hộ/2.859 hộ, tỷ lệ đạt 2,58%, số hộ cận nghèo 86 hộ/2.859 hộ, tỷ lệ đạt 3,0%.
Một con số vô cùng ấn tượng ở xã vùng biên giới Chiềng Khương đạt được, xã đã huy động trên 70 tỷ đồng đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng; trong đó, ngân sách Nhà nước hơn 47 tỷ đồng, nhân dân đóng góp trên 23 tỷ đồng, hơn 31.000 ngày công, hiến trên 12.000 m2 đất để hoàn thành 170 tuyến đường giao thông nội bản, dài gần 50 km; tất cả các xã, bản đã xây dựng được nhà văn hóa.