dd/mm/yyyy

Bức tranh nông thôn mới vùng biên Sông Mã

Phong trào thi đua chung sức xây dựng nông thôn mới được huyện biên giới Sông Mã, tỉnh Sơn La triển khai đồng bộ các giải pháp theo hướng có chiều sâu, nâng cao chất lượng, đảm bảo tính bền vững, huy động tối đa các nguồn lực tập trung xây dựng nông thôn mới.

Video: Ông Nguyễn Tiến Hải, Phó Chủ tịch UBND huyện Sông Mã, tỉnh Sơn La chia sẻ về những kết quả nổi bật trong xây dựng nông thôn mới.

Tại xã Huổi Một, nơi đây từng là một trong những xã nghèo, phức tạp về an ninh trật tự, nhưng với sự nỗ lực của cấp uỷ, chính quyền địa phương, bức tranh nông thôn mới hôm nay đang dần khởi sắc. Đời sống của bà con nhân dân ngày càng no ấm hơn; cơ sở hạ tầng đang từng bước được đầu tư xây dựng, tình hình an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội được giữ vững.

Ông Phạm Quang Đức, Chủ tịch UBND xã Huổi Một, huyện Sông Mã chia sẻ: Để phong trào xây dựng nông thôn mới tạo sức lan toả, Ban Chỉ đạo xây dựng nông thôn mới xã đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo các hội, đoàn thể triển khai có hiệu quả công tác tuyên truyền chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, các chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới tới các tầng lớp nhân dân bằng nhiều hình thức đa dạng và phong phú.

Từ đó, nhận thức của cán bộ, đảng viên và nhân dân trên địa bàn xã có nhiều chuyển biến rõ nét; nhân dân đã tích cực trong việc tự quản an ninh trật tự, vệ sinh môi trường, ứng dụng khoa học kỹ thuật trong sản xuất nông nghiệp, chuyển đổi cơ cấu cây trồng từ trồng ngô sắn kém hiệu quả sang trồng cây ăn quả, nhiều mô hình chăn nuôi được hình thành...

Bức tranh nông thôn mới vùng biên Sông Mã - Ảnh 1.

Những tuyến đường liên xã được nhựa hóa khang trang. Ảnh: Ma Yến.

Anh Giàng A Đại, bản Hợp Tiến, xã Huổi Một, huyện Sông Mã tâm sự: Để nâng cao thu nhập, gia đình tôi đã lựa chọn mô hình phát triển trồng cây ăn quả gắn với mô hình nuôi gà mía thả vườn, với quy mô khoảng 300 con. Từ những mô hình này, mỗi năm gia đình tôi thu nhập trên 100 triệu đồng. Hiện mô hình của gia đình tôi đã được nhiều người dân biết đến và học hỏi kinh nghiệm để nhân rộng.

Sau nhiều năm nỗ lực phấn đấu, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc xã Mường Hung háo hức chờ đợi xã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới. Nhờ đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động bà con hiểu xây dựng nông thôn mới mang lại nhiều lợi ích, đồng tình hưởng ứng trong việc đóng góp ngày công, hiến đất...

Đồng thời, phát huy nội lực, Nhà nước đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng thiết yếu, huyện Sông Mã dồn lực hỗ trợ xã Mường Hung thực hiện các tiêu chí khó, tạo khí thế lan toả.

Bức tranh nông thôn mới vùng biên Sông Mã - Ảnh 2.

Hệ thống đèn điện thắp sáng đường quê xã Mường Hung, huyện Sông Mã (Sơn La). Ảnh: Ma Yến.

Ông Cầm Văn Minh, Chủ tịch UBND xã Mường Hung, huyện Sông Mã hào hứng: Xã Mường Hung có 4 dân tộc Mông, Thái, Khơ Mú, Kinh cùng sinh sống. Mặc dù đời sống còn nhiều khó khăn nhưng nêu cao tinh thần vượt khó, hướng tới đời sống khấm khá hơn. Từ các chương trình dự án, chương trình mục tiêu quốc gia hỗ trợ bà con nhân dân phát triển sản xuất, thu nhập bà con được nâng cao đạt 45 triệu đồng/người/năm, tỷ lệ hộ nghèo của xã giảm còn 12,3%.

Theo lời giới thiệu của ông Cầm Văn Minh, chúng tôi được một cán bộ địa chính xã Mường Hung đưa đi thăm những mô hình phát triển kinh tế mới của xã. Ấn tượng với chúng tôi là đường sá tới các bản đi lại thuận tiện, những cổng chào của từng bản được dựng lên trang trọng ngay đầu đường vào bản, với khẩu hiệu quyết tâm xây dựng bản "sáng, xanh, sạch, đẹp"; dọc hai bên đường đầy đủ đèn điện thắp sáng đường quê.

Cùng với đó là trường học khang trang đạt chuẩn quốc gia, thêm nhiều nhà văn hóa bản kiên cố được đầu tư xây dựng đã góp phần tạo nên diện mạo nông thôn mới vùng biên thêm khởi sắc.

Đến nay, toàn huyện Sông Mã có 4 xã đạt chuẩn nông thôn mới gồm các xã Chiềng Khương, Chiềng Sơ Mường Lầm, Mường Sai. Hiện xã Mường Hung đã đạt 19/19 tiêu chí, UBND huyện đã có Tờ trình đề nghị UBND tỉnh Sơn La thẩm định, trình xét, công nhận xã Mường Hung đạt chuẩn nông thôn mới năm 2024. Có 13 xã đạt từ 11-18 tiêu chí, bình quân tiêu chí đạt 14,2 tiêu chí/xã.

Bức tranh nông thôn mới vùng biên Sông Mã - Ảnh 3.

Diện mạo nông thôn mới huyện Sông Mã hôm nay. Ảnh: Ma Yến.

Những năm qua, hệ thống cơ sở hạ tầng ngày càng được quan tâm đầu tư. Sản xuất nông nghiệp tiếp tục phát triển, hình thành nhiều vùng sản xuất nông nghiệp chuyên canh, người dân tích cực đưa các loại giống cây con mới có năng suất, chất lượng tốt vào sản xuất; đặc biệt là ứng dụng công nghệ cao, ứng dụng sản xuất nông nghiệp hữu cơ.

Nhiều chính sách hỗ trợ các doanh nghiệp, HTX sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP được quan tâm. Công tác tập huấn, hướng dẫn bà con nhân dân chăm sóc vườn cây ăn quả, xây dựng thương hiệu sản phẩm, xây dựng chuỗi cung ứng tiêu thụ sản phẩm an toàn được triển khai hiệu quả. Hình thành vùng trồng cây ăn quả như vùng trồng nhãn, xoài, dứa...

Năm 2024, huyện Sông Mã có thêm 8 sản phẩm OCOP đạt 3 sao gồm: Long nhãn Ngoan Hậu, hoa đu đủ khô Ngoan Hậu, mật ong hoa nhãn Ngọc Dung, rêu khô sào Kim Cương, long nhãn sấy khô Huổi Một, mắc khén Yên Hưng, tỏi Chiềng Phung, bánh dày Mỹ Duyên, nâng tổng số sản phẩm OCOP của huyện lên 15 sản phẩm.

Đời sống vật chất và tinh thần của người dân vùng nông thôn được cải thiện rõ rệt. Thu nhập bình quân đầu người toàn huyện năm 2024 đạt 36,32 triệu đồng/người/năm, tăng 4,86 triệu so với năm 2023; tỷ lệ hộ nghèo hiện giảm xuống còn hơn 8,1%; 100% dân số nông thôn được sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh; 100% các bản và gần 99% số hộ có điện lưới quốc gia; 63% dân số nông thôn được sử dụng nước sạch; tỷ lệ trẻ 5 tuổi ra lớp toàn huyện là 100%, 18/18 xã được công nhận duy trì đạt chuẩn phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em 5 tuổi; xây dựng mới 32 nhà văn hóa bản, nâng tổng số bản trong toàn huyện có nhà văn hóa, nơi sinh hoạt văn hóa, thể thao phục vụ cộng đồng lên 285 bản; công tác y tế, chăm sóc sức khỏe nhân dân ngày càng được nâng cao, vấn đề an ninh trật tự được giữ vững...

Để có được kết quả trên, huyện Sông Mã đã triển khai đồng bộ nhiều giải pháp phát triển kinh tế, từng bước nâng cao đời sống của người dân, đặc biệt là phát triển nông nghiệp. Một số mô hình cây trồng, vật nuôi có giá trị kinh tế cao tiếp tục được duy trì và phát triển như cải tạo vườn cây ăn quả bằng các hình thức ghép nhãn chín sớm, nhãn chín muộn, trồng cỏ chăn nuôi đại gia súc, mô hình chăn nuôi gà đẻ trứng…

Một số mô hình mới đang được hình thành và phát triển như: Mô hình phục tráng lúa tẻ I1, mô hình sản lúa theo hướng hữu cơ, mô hình ngô ngọt, rau chân vịt…Duy trì và phát triển 52 HTX sản xuất cây ăn quả (nhãn, xoài, bưởi, cam,…) theo quy trình VietGAP.

Bức tranh nông thôn mới vùng biên Sông Mã - Ảnh 4.

Vùng cây ăn quả Sông Mã phủ xanh đất trống đồi trọc, mang lại ấm no cho bà con nhân dân. Ảnh: Ma Yến.

Ông Nguyễn Tiến Hải, Phó Chủ tịch UBND huyện Sông Mã, tỉnh Sơn La cho biết: Thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia về xây dựng nông thôn mới, Ban Chấp hành Đảng bộ huyện Sông Mã đã ban hành Nghị quyết số 05 về tập trung lãnh đạo, chỉ đạo xây dựng nông thôn mới. Đối với các xã đạt chuẩn nông thôn mới đã có nhiều thay đổi, đời sống, vật chất của người dân được nâng lên, thiết chế văn hoá, cơ sở hạ tầng nông thôn được đầu tư xây dựng khang trang.

Tuy nhiên, trong quá trình xây dựng nông thôn mới, huyện Sông Mã gặp không ít những khó khăn, ngân sách của Trung ương, tỉnh phân bổ về cho địa phương còn hạn chế, đặc biệt là liên quan đến đầu tư các công trình đường giao thông nông thôn. Nhiều bản ở xa trung tâm xã từ 10-15km nên cần nguồn lực rất lớn. Trong khí đó, Nhà nước chỉ hỗ trợ một phần, còn lại nhân dân phải đóng góp, tỷ lệ hộ nghèo ở các xã vùng sâu, vùng xa, khu vực biên giới còn cao dẫn tới khó thực hiện.

Bức tranh nông thôn mới vùng biên Sông Mã - Ảnh 5.

Người dân xã Huổi Một, huyện Sông Mã tích cực phát triển chăn nuôi gia súc theo hướng hàng hoá. Ảnh: Ma Yến.

Theo Phó Chủ tịch UBND huyện Sông Mã, thời gian tới, huyện Sông Mã sẽ xây dựng xã Chiềng Khương đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao vào cuối năm 2025. Giai đoạn 2025-2030, huyện Sông Mã dồn lực phấn đấu 3 xã (Huổi Một, Chiềng Cang, Chiềng Khoong) về đích nông thôn mới. Đây cũng là những xã nằm trục quốc lộ 4G có điều kiện thuận lợi hơn về phát triển kinh tế, xã hội. Đối với các xã khác sẽ phấn đấu đạt từ 1-2 tiêu chí.

Để làm được điều này, huyện Sông Mã sẽ tiếp tục rà soát và tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong Chương trình thực hiện xây dựng nông thôn mới. Tận dụng tối đa và đa dạng hóa các nguồn lực để thực hiện chương trình, gắn Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới với Chương trình giảm nghèo bền vững.

Huy động nguồn lực xã hội hóa, lồng ghép các nguồn vốn hỗ trợ khác để tập trung đầu tư có trọng điểm, trọng tâm, ưu tiên xây dựng kết cấu hạ tầng thiết yếu từng bước hoàn thành các tiêu chí nông thôn mới, nông thôn mới nâng cao và nông thôn mới kiểu mẫu.

Phát huy vai trò của mỗi cán bộ, đảng viên, già làng, người có uy tín, trưởng bản tuyên truyền, vận động nhân dân hiến đất, góp công, góp sức, huy động nguồn lực triển khai xây dựng đường giao thông nông thôn, nhà văn hóa và các công trình hạ tầng kinh tế xã hội khác.

Làm tốt công tác xóa đói, giảm nghèo, chú trọng các xã vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, gắn với việc thực hiện chủ trương tái cơ cấu nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững gắn với kết nối tiêu thụ sản phẩm trên địa bàn...

Ma Yến - Trần Quang