dd/mm/yyyy

Xuất khẩu trái cây chính ngạch vẫn sang Trung Quốc thuận lợi

Năm 2019, xuất khẩu trái cây sang thị trường Trung Quốc giảm đáng kể cả về kim ngạch và sản lượng. Nguyên nhân là do thị trường này kiểm soát chặt việc nhập khẩu theo đường tiểu ngạch. Tuy vậy, những loại trái cây đã được phép xuất khẩu chính ngạch vẫn tăng trưởng đều.

Theo số liệu thống kê từ Tổng cục Hải quan, trong tháng 9/2019 xuất khẩu hàng rau quả đạt 272,16 triệu USD, tăng 0,8% so với tháng trước, giảm 4,7% so với cùng kỳ năm 2018. Lũy kế từ đầu năm đến hết tháng 9/2019 xuất khẩu hàng rau quả đạt 2,81 tỷ USD, giảm 5,1% so với cùng kỳ năm 2018.

Xuất khẩu trái cây chính ngạch vẫn sang Trung Quốc thuận lợi - Ảnh 1.

Trong 9 tháng đầu năm 2019, mặc dù xuất khẩu rau quả sang các thị trường như: Hoa Kỳ, Hàn Quốc, Nhật Bản, Hà Lan, Đài Loan, Hồng Kông, Thái Lan, Úc và đặc biệt là thị trường Lào tăng rất mạnh, nhưng vẫn không đủ bù đắp cho mức giảm xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc.

Xuất khẩu trái cây chính ngạch vẫn sang Trung Quốc thuận lợi - Ảnh 2.

Mãng cầu mới được xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc.

Xuất khẩu rau quả sang thị trường Trung Quốc đạt 1,9 tỷ USD, giảm 14,4% so với cùng kỳ năm 2018. Tỷ trọng xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc giảm 7,3 điểm phần trăm so với cùng kỳ năm 2018.

Bên cạnh đó, căng thẳng thương mại Hoa Kỳ - Trung Quốc đã làm giảm xuất khẩu nông sản của Trung Quốc sang thị trường Hoa Kỳ. Vì vậy, hàng nông sản của Trung Quốc quay lại tiêu thụ nội địa.

Xuất khẩu trái cây chính ngạch vẫn sang Trung Quốc thuận lợi - Ảnh 3.

Xuất khẩu chuối sang Trung Quốc tăng trưởng mạnh.

Mặc dù vậy, kim ngạch, sản lượng xuất khẩu của 9 loại quả đã được phép xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc vẫn tăng trưởng đều đặn. Hiện Việt Nam đã được xuất khẩu 9 loại quả sang Trung Quốc, gồm: thanh long, dưa hấu, vải, nhãn, chuối, xoài, mít, chôm chôm và măng cụt.

Xuất khẩu trái cây chính ngạch vẫn sang Trung Quốc thuận lợi - Ảnh 4.

Xuất khẩu vải thiều rất thuận lợi.

Theo số liệu thống kê từ Cơ quan Hải quan Trung Quốc, nhập khẩu thanh long, dưa hấu, vải, nhãn, chuối, xoài, chôm chôm và măng cụt của nước này trong 8 tháng đầu năm 2019 đạt 2,60 triệu tấn, trị giá 2,16 tỷ USD, tăng 32,6% về lượng và tăng 45,6% về trị giá so với cùng kỳ năm 2018.

Cụ thể, đối với mặt hàng chuối, trong 8 tháng đầu năm 2019, nhập khẩu chuối tươi và các loại chuối khác của Trung Quốc đạt 1,3 triệu tấn, trị giá 767 triệu USD, tăng 38,5% về lượng và tăng 38% về trị giá so với cùng kỳ năm 2018. Giá nhập khẩu bình quân chuối tươi và các loại chuối khác đạt 579,4 USD/tấn, giảm 0,3% so với cùng kỳ năm 2018. Trong đó, Trung Quốc nhập khẩu chuối chủ yếu từ thị trường Philippines và Ecuador, lượng nhập khẩu từ hai thị trường này chiếm 77% tổng lượng nhập khẩu. Việt Nam là thị trường cung cấp chuối tươi và các loại chuối khác cho Trung Quốc với tỷ trọng chiếm tới 15% tổng nhập khẩu.

Đối với măng cụt, nhập khẩu măng cụt của Trung Quốc trong 8 tháng đầu năm 2019 đạt 343 nghìn tấn, trị giá 748 triệu USD, tăng 135% về lượng và tăng 136,2% về trị giá so với cùng kỳ năm 2018. Trong 8 tháng đầu năm 2019, Trung Quốc nhập khẩu măng cụt chủ yếu từ Thái Lan, Indonesia, Malaysia. Trong đó, lượng măng cụt nhập khẩu từ Thái Lan chiếm tới 94% tổng lượng nhập khẩu của Trung Quốc. Đối với Việt Nam, ngày 26/4/2019, Trung Quốc và Việt Nam đã ký Nghị định thư về mở cửa thị trường cho trái măng cụt. Cuối tháng 8/2019, Bộ Nông Nghiệp Trung Quốc công bố các báo cáo liên quan đến kiểm dịch măng cụt Việt Nam đã đáp ứng đầy đủ các yêu cầu. Thời gian tới măng cụt Việt Nam sẽ chính thức có mặt tại các siêu thị và cửa hàng tại Trung Quốc. Đây là cơ hội lớn để các doanh nghiệp khai thác thị trường măng cụt Trung Quốc trong thời gian tới.

Với trái thanh long, trong 8 tháng đầu năm 2019, nhập khẩu thanh long của Trung Quốc đạt 298 nghìn tấn, trị giá 248 triệu USD, giảm 16,2% về lượng và giảm 7,5% về trị giá. Giá nhập khẩu thanh long bình quân 8 tháng đầu năm 2019 của Trung Quốc đạt 831,3 USD/tấn, tăng 10,4% so với cùng kỳ năm 2018. Trung Quốc nhập khẩu quả thanh long chủ yếu từ thị trường Việt Nam với lượng chiếm tới 99,9% tổng lượng nhập khẩu. Nhu cầu nhập khẩu thanh long giảm là do vào đúng vụ mùa thu hoạch của Trung Quốc. Trung Quốc bắt đầu thu hoạch thanh long từ tháng 5 đến tháng 11 hằng năm, không chênh lệch nhiều so với mùa vụ của Việt Nam. Chính vì vậy, các chuyên gia cảnh báo, nông dân Việt Nam nên đẩy mạnh sản xuất rải vụ để tránh trùng với mùa thu hoạch của Trung Quốc.

Bài, ảnh: Khánh Nguyên