dd/mm/yyyy

Xử lý dứt điểm tình trạng ô nhiễm ở hệ thống thủy lợi Bắc Hưng Hải

Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà yêu cầu các cấp, các ngành tổ chức thực hiện đồng bộ các giải pháp, nhiệm vụ để giải quyết dứt điểm tình trạng ô nhiễm môi trường đối với hệ thống Bắc Hưng Hải.
Xử lý dứt điểm tình trạng ô nhiễm ở hệ thống thủy lợi Bắc Hưng Hải - Ảnh 1.

Đoạn kênh thủy lợi Kim Sơn thuộc Hệ thống thủy lợi Bắc Hưng Hải đi qua thị trấn Sặt, huyện Bình Giang, tỉnh Hải Dương. (Nguồn: TTXVN)

Văn phòng Chính phủ vừa ban hành Thông báo 315/TB-VPCP ngày 9/8/2023 truyền đạt kết luận của Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà tại Hội nghị về xử lý ô nhiễm môi trường hệ thống Công trình Thủy lợi Bắc Hưng Hải.

Hệ thống Bắc Hưng Hải là công trình thủy lợi có vai trò rất quan trọng, phục vụ đa mục tiêu (sản xuất nông nghiệp, công nghiệp, kinh doanh, dân sinh) cho 4 tỉnh, thành phố: Bắc Ninh, Hà Nội, Hưng Yên và Hải Dương. Tuy nhiên, nhiều năm qua, hệ thống thủy lợi này đã trở thành "điểm nóng" về ô nhiễm môi trường.

Tình trạng ô nhiễm nguồn nước hệ thống Bắc Hưng Hải vẫn diễn biến phức tạp, gia tăng ô nhiễm vào mùa khô. Một số đoạn sông, kênh rạch có mức độ ô nhiễm đã vượt quá ngưỡng chịu tải của môi trường...

Nguyên nhân chính của tình trạng này là do nước thải sinh hoạt tại khu đô thị, khu dân cư tập trung và dân cư nông thôn phần lớn không có hệ thống thu gom, xử lý nước thải tập trung nên đang xả trực tiếp ra môi trường. Hầu hết các cụm công nghiệp, làng nghề, cơ sở chăn nuôi không có hệ thống thu gom, xử lý nước thải. Những tháng mùa khô trong năm, nguồn nước bổ cập cho hệ thống Bắc Hưng Hải còn thiếu. Ý thức chấp hành pháp luật về bảo vệ môi trường của một bộ phận doanh nghiệp, người dân còn thấp...

Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà yêu cầu các cấp, các ngành từ Trung ương đến các địa phương phải có quyết tâm chính trị cao hơn nữa, chỉ đạo quyết liệt hơn nữa và tổ chức thực hiện đồng bộ các giải pháp, nhiệm vụ để giải quyết dứt điểm tình trạng ô nhiễm môi trường đối với hệ thống Bắc Hưng Hải.

Các nhóm giải pháp, nhiệm vụ trọng tâm cần tập trung thực hiện gồm: quy hoạch; hoàn thiện cơ chế, chính sách; đầu tư, xây dựng hạ tầng kỹ thuật về bảo vệ môi trường; quản lý, kiểm soát, giám sát nguồn thải; thanh, kiểm tra và xử lý vi phạm về môi trường; tuyên truyền, truyền thông nâng cao nhận thức về bảo vệ môi trường.

Tập trung hoàn thành quy hoạch 4 tỉnh, thành phố trên hệ thống Bắc Hưng Hải; lồng ghép, tích hợp các quy hoạch có liên quan, xác định rõ các khu xử lý chất thải rắn và hệ thống thu gom, xử lý nước thải sinh hoạt tập trung, phù hợp với định hướng trong quy hoạch vùng, quy hoạch bảo vệ môi trường quốc gia, quy hoạch bảo vệ môi trường chuyên ngành quốc gia theo quy định. Bố trí đủ quỹ đất để thực hiện hạ tầng kỹ thuật bảo vệ môi trường theo quy hoạch được phê duyệt.

Nghiên cứu, đề xuất cơ chế, chính sách để huy động mọi nguồn lực, đặc biệt là xã hội hóa, đầu tư theo hình thức đối tác công tư trong đầu tư các công trình xử lý chất thải rắn và xử lý nước thải tập trung.

Rà soát toàn bộ các Quy chuẩn Kỹ thuật Quốc gia chuyên ngành liên quan đến nước thải, thoát nước; trên cơ sở đó nghiên cứu, đề xuất xây dựng, ban hành Quy chuẩn Việt Nam về nước thải sau xử lý dùng cho mục đích sử dụng khác nhau, trong đó có mục đích sử dụng để bổ cập nguồn nước cho các sông, kênh, mương,... giúp duy trì dòng chảy, giảm thiểu, cải thiện ô nhiễm môi trường nước.

Tập trung nguồn lực đầu tư xây dựng các công trình thu gom, xử lý nước thải sinh hoạt tập trung, đảm bảo nước thải phát sinh trên địa bàn được thu gom, xử lý toàn bộ, đáp ứng yêu cầu quy chuẩn Việt Nam về nước thải cho phép trước khi thải ra hệ thống Bắc Hưng Hải.

Kiên quyết không cấp phép đầu tư, cấp phép môi trường đối với các dự án, cơ sở không đảm bảo các yêu cầu về bảo vệ môi trường, đặc biệt là các dự án, cơ sở không có biện pháp, công trình xử lý nước thải đảm bảo xử lý nước thải đạt quy chuẩn Việt Nam về nước thải cho phép trước khi xả ra hệ thống Bắc Hưng Hải.

Tiếp tục tăng cường thanh, kiểm tra việc chấp hành pháp luật về bảo vệ môi trường; phòng, chống tội phạm về môi trường và xử lý vi phạm về môi trường đối với các tổ chức, cá nhân có hoạt động xả nước thải vào Hệ thống Bắc Hưng Hải và các sông nhánh thuộc hệ thống; xử lý nghiêm những hành vi vi phạm. Đồng thời, áp dụng triệt để các biện pháp khắc phục hậu quả vi phạm, đình chỉ hoạt động xả thải và yêu cầu nâng cấp, hoàn thiện, các công trình xử lý nước thải phải đảm bảo các yêu cầu về bảo vệ môi trường theo quy định.

Phó Thủ tướng giao nhiệm vụ cụ thể cho các Bộ, trong đó, Bộ Tài nguyên và Môi trường lựa chọn hệ thống Bắc Hưng Hải là mô hình thí điểm để xử lý và có phương án, giải pháp giải quyết dứt điểm tình trạng ô nhiễm môi trường các sông chảy qua các đô thị, thành phố lớn trên cả nước.

Riêng đối với thành phố Hà Nội, Phó Thủ tướng yêu cầu tập trung, khẩn trương huy động mọi nguồn lực để đẩy nhanh tiến độ triển khai các dự án đầu tư xây dựng Nhà máy xử lý nước thải sinh hoạt tập trung tại quận Long Biên và huyện Gia Lâm để thu gom, xử lý toàn bộ nước thải sinh hoạt phát sinh trên địa bàn trước khi thải ra sông Cầu Bây, sau đó ra hệ thống Bắc Hưng Hải./.



(TTXVN/Vietnam+)