dd/mm/yyyy

Trồng rau trong nhà kính năng suất cao gấp 100 lần

Giảm 90% lượng nước tưới, 80% chất thải ra môi trường, mô hình trồng rau trong nhà kính ở Nhật Bản (NB) đã và đang mang lại năng suất cao gấp gần 100 lần so với trồng ngoài trời.

Điều dường như không tưởng này một lần nữa khẳng định, người Nhật không chỉ giỏi về công nghệ điện tử, mà còn rất giỏi trong sản xuất nông nghiệp.

Trang trại trong nhà

Nếu nói về địa hình, thời tiết, khí hậu, thiên tai, thì NB hoàn toàn bất lợi. Bởi NB nằm giữa biển, với nhiều hoàn đảo lớn nhỏ khác nhau, mỗi năm phải gánh chịu hàng chục cơn bão, hàng chục trận động đất, núi lửa lớn nhỏ phun trào… Khó khăn là vậy, song NB lại được cả thế giới biết đến với việc đi đầu trong công nghệ điện tử. Và những năm gần đây, họ một lần nữa khẳng định với thế giới rằng, nền nông nghiệp của NB rất hiện đại và phát triển không thua kém, thậm chí vượt rất xa những nước có điều kiện thuận lợi hơn.

Ông Hironori Tsuchiya và anh Takaya Hanaoka bên những cây rau diếp, xà lách... “sạch” theo đúng nghĩa.

Năm 2011, tỉnh Miyagi của NB đã phải gánh chịu một thảm họa kép, gồm động đất và sóng thần khiến nhiều vùng bị san phẳng. Ấy thế mà chỉ trong một thời gian ngắn, nơi đây đã biến thành một “vựa” rau lớn của NB với công nghệ rất hiện đại: trồng rau trong nhà kính.

“Trồng rau trong nhà kính sẽ giúp người dân trồng được liên tục quanh năm mà không bị phụ thuộc vào mùa màng, thời tiết bởi điều chỉnh và ổn định được nhiệt độ, hạn chế tối đa sâu bệnh, bảo bảo chất lượng tốt, đồng đều, không phải hoặc sử dụng rất ít thuốc BVTV và sẽ áp dụng được tối đa những công nghệ hiện đại trong nông nghiệp”. Anh Takaya Haonaoka

Ý tưởng này được ông Shigeharu Shimamura ấp ủ từ năm 2011, bởi theo ông, mô hình này sẽ hạn chế được tối đa những bất lợi về đất, diện tích, thời tiết, khí hậu và sẽ cho năng suất cao gấp từ 80 – 100 lần so với trồng ngoài trời. Theo đó, loại rau được ông nghiên cứu và trồng thử nghiệm đầu tiên là rau diếp và xà lách. Ông vừa làm vừa nghiên cứu và năm 2013, bản vẽ về mô hình trồng rau trong nhà kính của ông mới thực sự hoàn thiện. Diện tích khu nhà kính của ông chỉ khoảng 0,5ha, nhưng hàng ngày ông cung cấp tới 10.000 cây rau diếp, xà lách cho thị trường, tương đương khoảng 2 tấn rau.

Để có được kết quả này, ông Shigeharu Shimamura đã sử dụng tới 17.500 đèn LED nhằm cung cấp đủ ánh sáng cho các kệ rau được trồng trên giá nhựa. Ông Shigeharu Shimamura cho biết, việc sử dụng đèn LED sẽ giúp ông kiểm soát được chu kỳ ngày đêm và kích thích được sự tăng trưởng của rau diếp. “Với cách làm này, chúng tôi có thể tiết kiệm tới 90% nước tưới so với trồng ngoài trời, 80% rác thải và đặc biệt là chúng tôi có thể sản xuất những mẻ rau diếp đầy đủ vitamin và chất khoáng nhanh gấp 2,5 lần so với những trang trại ngoài trời” – ông Shigeharu Shimamura nói.

Ông Shigeharu Shimamura cho biết thêm, việc đầu tư làm nhà tính khá tốn kém, song hiệu quả mang lại rất lớn. Chẳng hạn như ông hoàn toàn có thể trồng được rau diếp, xà lách vào mùa hè, nên giá bán cũng theo đó cao hơn nhiều so với rau trồng ngoài trời.

Chăm sóc rau trong nhà kính đòi hỏi phải có trình độ kỹ thuật cao.

“Làng thần kỳ” thu nhập 250.000 USD/hộ/năm

Người dân NB gọi làng Kawakami Mura (tỉnh Nagano, nằm ở phía tây Tokyo) là “Làng thần kỳ”. Bởi đây là ngôi làng có điều kiện đất đai, thời tiết, khí hậu rất khắc nghiệp, nông dân chỉ canh tác được từ 4 – 8 tháng/năm, còn lại là băng giá, nhiệt độ có lúc xuống tới âm 20 độ C. Song với nghề trồng rau diếp, Kawakami Mura đã trở thành làng giàu nhất nước Nhật, với thu nhập trung bình khoảng 250.000 USD/hộ/năm. Vậy họ đã làm nông nghiệp như thế nào?

Anh Takaya Haonaoka, một nông dân ở đây cho biết, trước đây người dân cũng chỉ trồng rau đơn thuần ngoài trời, vào những năm 80 của thế kỷ trước, một vị trưởng làng kêu gọi người dân hình thành mô hình sản xuất rau an toàn theo tiêu chuẩn nghiêm ngặt và hiện nay là mô hình trồng rau trong nhà kính. “Từ nước, phân bón, thuốc BVTV đều được cả làng sử dụng chung một loại, bất kể hóa chất nào dùng cho cây đều phải được bàn bạc kỹ và được sự nhất trí của cả làng, khi sử dụng phải đúng liều lượng, hoặc thấp hơn, chứ không được quá” – anh Takaya Haonaoka cho hay.

Du khách tham quan chụp ảnh cùng công nhân tại trang trại của anh Takaya Hanaoka.

Cũng theo anh Takaya Haonaoka, những người vi phạm sẽ bị cấm sản xuất. Để phục vụ cho việc quảng bá thương hiệu và phổ biến các kiến thức, kỹ thuật canh tác để đảm bảo 100 hộ như một và thông tin về thị trường, làng đã thành lập riêng một “kênh truyền hình”. Đặc biệt, rau ở làng Kawakami Mura, sau khi hái có thể ăn ngay tại vườn mà không sợ bị ngộ độc. Và người dân nơi đây cũng thường dùng cách này để quảng bá và khẳng định rau sạch, chất lượng và an toàn với thương lái, người tiêu dùng.

Tôi thắc mắc khi thấy cả một cánh đồng mênh mông nhưng chỉ có vài người làm việc, anh Takaya Haonaoka cười bảo, tất cả các công đoạn từ trồng, tưới nước, bón phân đến thu hoạch đều đã được máy móc hóa nên chỉ cần vài người là có thể chăm sóc được hàng ha rau. Nhìn cách nông dân làng Kawakami Mura làm nông nghiệp, xây dựng và bảo vệ thương hiệu, tôi mới hiểu vì sao mà đất nước Nhật chỉ có 3% dân số làm nông nghiệp, nhưng vẫn đáp ứng đủ thực phẩm cho cả nước. Tôi chợt nghĩ, làm nông nghiệp đâu cứ phải chân lấm tay bùn...

Mấy năm gần đây, một số công ty NB cũng đã đưa công nghệ và phương pháp canh tác rau của làng Kawakami Mura sang Đà Lạt (Lâm Đồng) của nước ta và bước đầu cũng đã thu được những kết quả nhất định. Song để có được thành công như người dân làng Kawakami Mura, trước tiên bà con nông dân cần phải thay đổi tư duy sản xuất, tư duy xây dựng thương hiệu và bảo vệ thương hiệu. Nói như anh Takaya Haonaoka thì chừng nào người nông dân coi việc sản xuất nông nghiệp là một nghề, coi việc đảm bảo chất lượng, an toàn là tiêu chí sống còn của nghề, thì khi ấy họ sẽ thành công.

Việt Tùng