dd/mm/yyyy

Trồng cam Canh vùng biên giới, lão nông đổi đời

Những ngày tháng 12, có dịp về lại vùng đất huyện Sông Mã (Sơn La), vùng đất biên cương của tổ quốc tìm hiểu về cây cam Canh, một loại cây trồng mới đã bén duyên với vùng đất này, giúp cho nhiều hộ nông dân vươn lên làm giàu và đổi đời.

Cùng với cây nhãn, cây cam Canh hiện đang được nhiều người dân huyện Sông Mã quan tâm, bởi cây dễ trồng, có thể trồng chuyên canh hoặc xen với những loại cây ăn quả khác. Nhưng để trồng và mang lại hiệu quả kinh tế thì đòi hỏi người nông dân phải cần cù, chịu khó tìm hiểu và áp dụng đúng các biện pháp kỹ thuật. Những năm gần đây, kinh tế hộ ở xã Chiềng Khoong, huyện Sông Mã phát triển khá rõ nét với nhiều ngành nghề thương mại, dịch vụ, chăn nuôi gia súc, gia cầm... Đặc biệt là việc chuyển đổi diện tích cây trồng kém hiệu quả sang trồng cây ăn quả các loại trên đất dốc, nâng cao thu nhập cho hộ gia đình, trong có cây cam Canh.

Trồng cam Canh nơi biên ải, lão nông đổi đời - Ảnh 1.

Ông Lê Danh Phúc là 1 trong những hộ đi đầu trong việc đưa cây cam Canh về trồng tại bản C5 (xã Chiềng Khoong, huyện Sông Mã, tỉnh Sơn La).

Để định hướng trong việc phát triển kinh tế hộ, cấp ủy, chính quyền xã tuyên truyền, vận động nhân dân thi đua sản xuất, kinh doanh, tập trung chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi. Phối hợp với phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Sông Mã mở các lớp chuyển giao kỹ thuật, đưa giống mới vào sản xuất. Đồng thời, tạo điều kiện để các hộ tiếp cận các nguồn vốn vay phát triển kinh tế theo hướng hàng hóa cải tạo vườn tạp, chuyển diện tích cây trồng kém hiệu quả sang trồng cam Canh, nhãn ghép, xoài Đài Loan, bưởi Diễn... Việc chuyển đổi cây trồng có giá trị kinh tế cao trên đất dốc đã giúp nhiều nông hộ thoát nghèo và vươn lên làm giàu tại nơi biên cương của tổ quốc.

Trồng cam Canh nơi biên ải, lão nông đổi đời - Ảnh 2.

Ông Phúc đang chăm sóc cam Canh tại vườn.

Theo giới thiệu của cán bộ Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện sông Mã, chúng tôi tìm đến gia đình anh Lê Danh Phúc, bản C5, xã Chiềng Khoong, một điển hình trồng loại cây cam Canh mang lại hiệu quả kinh tế cao. Qua con đường đất gồ ghề, trơn trượt, chúng tôi đến khu vườn của gia đình ông Phúc trong lúc cả gia đình đang chăm bón cho vườn cây trái. 

Với tính tình thân thiện của lão nông dân chân chất, quanh năm gắn bó với đồng đất thoăn thoắt dẫn chúng tôi đi thăm khu vườn rộng hơn 4ha trồng cam Canh. Tại vườn, cây cam nào cũng sai trĩu quả, vừa đi ông vừa giới thiệu về cách chăm sóc và bón phân sao cho cây được xanh tốt.

Khi được chúng tôi hỏi về hành trình đưa cây cam Canh về vùng đất biên ải này, ông Phúc bộc bạch: Thực hiện chủ trương của huyện về chuyển đổi cây trồng trên đất dốc, tôi đã mạnh dạn đưa giống cam từ Hưng Yên về trồng. Sau 3 năm chăm bón, những cây cam Canh của gia đình tôi đã phát triển tốt, rồi đơm hoa, kết trái đều đặn. Trong quá trình trồng, tôi thấy cây cam rất phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng nơi đây, chỉ cần chăm sóc thật tốt, chú ý không để cây bị nhiễm các loại sâu đục thân, cuốn lá, đục quả...

Trồng cam Canh nơi biên ải, lão nông đổi đời - Ảnh 3.

Nét mặt vui mừng của ông Phúc khi vườn cam cho quả sai trĩu.

Để vườn cam Canh phát triển xanh tốt trên nương rẫy, ông Lê Danh Phúc mua máy bơm hút nước từ con suối cạnh nương tưới cho toàn bộ vườn cây. Khoảng 1 thời gian ngắn, vườn cam của gia đình ông phát triển mơn mởn và cho sai trĩu quả. Hiện tại, ông Phúc đã trồng 700 gốc cam Canh đang cho thu hoạch quả. Đời sống kinh tế của gia đình ông ngày càng khấm khá và dư giả, không còn phải mai đây, mai đó đi thu mua nông sản ở các bản xa xôi kiếm thêm thu nhập như trước kia nữa.

Trồng cam Canh nơi biên ải, lão nông đổi đời - Ảnh 4.

Nhờ chuyển đổi cây trồng trên đất dốc sang trồng cam Canh, đời sống thu nhập của ông Phúc đã khấm khá và dư giả.

Theo kinh nghiệm trồng cam của ông Phúc, cam Canh là loại cây ăn quả khó tính nên người trồng phải chăm sóc rất tỉ mỉ, cần phải áp dụng quy trình chăm sóc nghiêm ngặt. Trước khi trồng phải đào hố rộng 30cm, sâu 30cm rồi bón thúc phân chuồng, phân hữu cơ. Khâu quan trọng nhất để cây cam Canh ra được hoa, kết trái nhiều, người trồng phải nắm bắt, theo dõi chặt chẽ dự báo thời tiết. Trước khi chuẩn bị trời rét đậm cần xử lý diệt một phần rễ và khoanh gốc cam... đảm bảo được các yếu tố trên cam sẽ sai quả hơn và ngọt nước hơn.

Không chỉ chú ý đến khâu chăm sóc để vườn cam Canh ngon, đẹp, đem đến cho khách hàng những quả cam ngọt, ưng ý nhất, ông Phúc còn được biết đến là một người rất nhạy bén trong phát triển kinh tế. Nắm bắt được tâm lý cũng như nhu cầu của người tiêu dùng về cam, bưởi ở nơi biên cương này. Vì vậy, hàng năm ông đã đến các nhà vườn ở xã trên địa bàn huyện Sông Mã đặt hàng trước, để cung cấp cho khách hàng ở các huyện thuộc tỉnh Sơn La kiếm thêm thu nhập.

Trồng cam Canh nơi biên ải, lão nông đổi đời - Ảnh 5.

Nhờ cách chăm sóc tốt và bón phân hữu cơ, vườn cam Canh của gia đình ông Phúc luôn sai quả và ngọt nước. Cứ đến vụ thu hoạch, thương lái đổ về tận vườn thu mua nên ông bán được giá khá cao.

Trao đổi với PV báo Nông thôn ngày nay/Dân Việt/Trang Trại Việt, ông Phúc chia sẻ: Sau một vụ thu hoạch quả cam, trên cây cam Canh tôi phải cắt tỉa cành khô đi, để lại những cành khỏe mạnh để năm sau cây cho quả tiếp và tiếp tục bón phân thúc phân phân hữu cơ, tạo điều kiện cho cây bù đắp lại chất dinh dưỡng sau một thời gian dài nuôi quả. Từ khi tôi chuyển sang trồng cam Canh đến giờ, cuộc sống kinh tế đã dư giả và có của ăn của để, tôi xây được nhà cửa khang trang. Mỗi năm tôi thu được khoảng 50 tấn, hiện 1kg cam Canh tôi bán tại vườn với giá dao động từ 18.000 – 25.000đồng/kg, tùy từng loại mẫu mã. Sau khi trừ chi phí, tôi thu lãi gần 300 triệu đồng.

 

Hà Hoàng - Đinh Minh Khanh