dd/mm/yyyy

Triệu phú chia sẻ kỹ thuật làm bể nuôi cá lóc

Nuôi cá lóc (cá quả) là một mô hình làm giàu mới tại một số tỉnh miền Bắc như Nam Định, Ninh Bình… Nhờ mô hình mới này mà nhiều hộ đã có thu nhập hàng trăm triệu đồng/năm. Nhưng để thành công thì việc quan trọng hàng đầu là làm bể nuôi cá lóc.

Ông Nguyễn Văn Vinh đang chăm sóc đàn cá lóc nuôi trong bể của gia đình tại huyện Kim Sơn (Ninh Bình). Ảnh Hải Đăng

Theo ông Nguyễn Văn Vinh, một “triệu phú” nuôi cá lóc ở huyện Kim Sơn (Ninh Bình), để có được bể nuôi hiệu quả, bà con cần làm theo các bước sau:

1. Chọn địa điểm làm bể nuôi

Trước khi làm bể nuôi cá lóc, việc đầu tiên bà con cần làm là chọn nơi có nguồn nước sạch và hệ thống thoát nước tốt. Có thể sử dụng nước ao hồ, sông để nuôi cá, nếu dùng nguồn nước giếng khoan là tốt nhất.

Bể nuôi nên xây gần nhà để tiện trong việc chăm sóc, quản lý và bảo vệ.

Đặc biệt bà con chú ý nên chọn những vùng đất ít bị ảnh hưởng của lũ lụt.

2. Xây dựng bể nuôi

Khi tiến hành xây, cần chú ý chọn diện tích bể phù hợp với đàn cá dự định nuôi, bể cá lóc phải đạt từ 10m2 và rộng nhất là 100m2. Nếu bể nuôi cá lóc có diện tích lớn hơn thì nên ngăn ra thành các bể nhỏ để tiện chăm sóc và có thể tách riêng cá theo từng cỡ khi cá phân đàn.

Mặt trong của bể trơn, phẳng (hoặc lót bạt nếu bể chỉ xây gạch) để tránh cá bị va đập, xây xát. Độ sâu của bể từ 1m – 1,5m. Có thể xây bể nổi hoặc bể chìm. Nếu xây bể chìm thì bể sẽ chắc chắn hơn và giữ được nhiệt độ nước ổn định hơn so với bể nổi trên mặt đất. Tuy nhiên chỉ xây chìm khoảng 1/2 – 1/3 chiều cao của bể, nếu xây chìm quá thì sẽ khó thoát nước và bể nuôi dễ bị ngập khi xảy ra mưa lụt.

Xung quanh bể có rào bằng lưới hoặc phên tre đan để ngăn cá lóc nhảy ra ngoài và tránh bị ngập lụt vào mùa mưa lũ.

Bà con lưu ý, khi làm xong bể cần phải xử lý trước khi thả cá. Cách làm là cho nước vào đầy bể xi măng, dùng phèn chua hoặc dùng thân cây chuối xắt nhỏ thả vào rồi tiến hành ngâm bể từ 7 -10 ngày để làm sạch. Sau đó xả nước ngâm ra và cho nước sạch vào để ngâm tiếp bể bằng nước sạch.

Xả nước và rửa lại bể một lần nữa, sau đó cho nước mới vào, bón vôi để ổn định độ pH, đo các yếu tố môi trường nếu thấy phù hợp thì tiến hành thả cá.

Tốt nhất lần đầu nên tiến hành thả cá để thử nước. Sau 3 ngày nếu cá thả thử nước vẫn sống tốt thì tiến hành thả giống.

Đối với bể cũ, bà con chỉ cần ngâm bể bằng nước sạch 2-3 ngày rồi tiến hành xả nước, cho nước mới vào. Bón vôi để ổn định và nâng cao độ pH, tiến hành đo các yếu tố môi trường nếu phù hợp thì tiến hành thả giống.

3. Thiết kế hệ thống thoát nước

Khi xây dựng bể, bà con chú ý làm đáy bể nuôi cá lóc nghiêng về cống thoát nước để có thể thoát nước được dễ dàng. Cống thoát nước có bán nhiều ở các đại lý vật liệu, tùy vào diện tích bể lớn, nhỏ mà đặt kích cỡ ống thoát cho phù hợp.

4.Làm mái che

Tốt nhất người nuôi nên làm mái, hoặc dùng lưới phía trên bể để che nắng, giảm nhiệt độ nước ao nuôi vào mùa hè. Mái che thiết kế đơn giản, bà con chỉ cần dựa theo diện tích nuôi để mua các tấm lợp fibro xi măng (có bán rất nhiều ở các địa lý xây dựng trên toàn quốc) về che.

5. Ô thoáng

Giống như làm nhà cần có cửa sổ, làm bể cá cũng rất cần thoáng. Bà con chú ý tùy theo diện tích bể mà việc thiết kế ô thoáng cho phù hợp, thường thì các bể có từ 2 đến 4 ô thoáng; kích cỡ ô thoáng phải đạt ít nhất là 1m x 1m.

Hải Đăng