dd/mm/yyyy

Trai trẻ bán xe SH lấy tiền sáng chế máy xử lý rác "biến" thành dầu thô

Chung chí hướng và đam mê, 6 thanh niên Nhóm nghiên cứu ứng dụng Kim Cương Việt cùng dốc lòng nghiên cứu, sáng chế máy xử lý rác "biến" thành dầu thô, phân sinh học.

Kinh tế chẳng mấy dư dả, các thành viên người đã bán xe, người ứng cả nửa năm tiền lương với tâm huyết, khát khao cháy bỏng biến ý tưởng thành hiện thực - sáng chế máy xử lý rác "biến" thành dầu thô…

Mặt trước máy xử lý rác thải dân sinh của Nhóm Kim Cương Việt. Ảnh: Đăng Trình.
Mặt trước máy xử lý rác thải dân sinh của Nhóm Kim Cương Việt. Ảnh: Đăng Trình.

Sáng chế công nghệ tiên tiến

Mong muốn tìm lời giải tối ưu cho bài toán “rác thải dân sinh”, 6 thanh niên cùng chung chí hướng, nhiệt huyết đã thành lập Nhóm nghiên cứu ứng dụng Kim Cương Việt (gọi tắt Nhóm Kim Cương Việt). Họ là: Anh Đỗ Quốc Thái (SN 1967, trú Hoàn Kiếm, Hà Nội, đồng thời là Chủ nhiệm đề tài), Tào Nguyên Giáp (SN 1988, Vĩnh Phúc, Trưởng nhóm), Phùng Ngọc Minh (SN 1985, Đông Anh, Hà Nội), Lý Đình Chính (SN 1992, Lạng Sơn), Nguyễn Phú Vinh (SN 1989, quê Vĩnh Phúc, cán bộ Kho K28, Cục kỹ thuật, Quân khu 2), Nguyễn Văn Cường (SN 1985, quê Mê Linh, Hà Nội, cán bộ Kho K28, Cục kỹ thuật, Quân khu 2) đã nghiên cứu hoàn thiện “Công nghệ xử lý rác thải dân sinh không chôn lấp”.

Công nghệ này áp dụng nguyên lý nhiệt phân và đảo nhiệt tạo áp suất xử lý rác thải. Qua đó, xử lý các loại rác thải vô cơ, hữu cơ khó xử lý bậc nhất như: Băng vệ sinh, bỉm trẻ em, rác thải y tế… mà không phải chôn lấp.

“Ưu điểm của công nghệ là tạo được khí gas, dầu thô, phân bón sinh học, giúp tận thu các hợp kim và kim loại để tái sử dụng trong ngành công nghiệp; Chi phí đầu tư hợp lý, tính bền vững ổn định lâu dài. Đặc biệt, giá thành đầu tư xử lý rác thải chỉ tốn ½ so với các công nghệ hiện tại”, anh Đỗ Quốc Thái chia sẻ.

Mặt sau của máy xử lý rác dân sinh do nhóm Kim Cương Việt sáng chế. Ảnh: Đăng Trình.
Mặt sau của máy xử lý rác dân sinh do nhóm Kim Cương Việt sáng chế. Ảnh: Đăng Trình.

Cốt lõi của công nghệ xử lý rác thải dân sinh không chôn lấp chính là máy xử rác bằng thép được Nhóm Kim Cương Việt dày công chế tạo. Máy cao 2,2m, rộng 2,0m, dày 1,9m, nặng 3,2 tấn. Công suất xử lý gần 20 tấn rác/ngày. Máy có 2 lò đốt: Nhiệt phân, đảo nhiệt, có buồng lạnh, hệ thống buồng khử khí thải (xử lý qua dung dịch kiềm giúp lắng đọng các chất độc, tạo nguồn khí đảm bảo an toàn ra môi trường).

Thực tế thực nghiệm tại một số địa phương và bãi rác Nam Sơn (Sóc Sơn, Hà Nội), kết quả phân tích các mẫu dầu thô, tro đều đạt các chỉ số khoa học…

Sơ đồ quy trình xử lý rác thải dân sinh theo
Sơ đồ quy trình xử lý rác thải dân sinh theo "Công nghệ xử lý rác thải dân sinh không chôn lấp" của Nhóm Kim Cương Việt. Ảnh: Đăng Trình.

Anh Tào Nguyên Giáp – Trưởng Nhóm Kim Cương Việt phân tích: Chất vô cơ gồm: Polyme, bỉm, băng vệ sinh, cao su, vỉ thuốc…; Hữu cơ: Rau, củ quả. Xác động vật; Chất trơ gồm: Gạch, đá, sắt, thủy tinh, sành, sứ… Chất trơ được phân loại tận thu các hợp kim, kim loại bán cho các nhà máy tái chế, một phần sau đốt thì hoàn thổ. Còn các chất thải hữu cơ, vô cơ được xử lý nhằm tạo dầu thô, khí gas, làm phân hữu cơ.

Trưởng Nhóm Kim Cương Việt Tào Nguyên Giáp (trái) và thành viên nhóm đang cho rác vào máy xử lý rác. Ảnh: Đăng Trình.
Trưởng Nhóm Kim Cương Việt Tào Nguyên Giáp (trái) và thành viên nhóm đang cho rác vào máy xử lý rác. Ảnh: Đăng Trình.

Theo đó, rác sẽ được phân loại trên bàn phân loại rác, sau đó, rác vô cơ đưa qua máy cắt để cắt nhỏ, “ép” hết nước (nếu có dính nước). Tiếp theo, cho rác vào máy xử lý rác có 2 lò đốt nhiệt phân và đảo nhiệt.

Rác đốt trong máy có 2 lò đảo nhiệt, nhiệt độ đốt hàng nghìn độ C. Quá trình đốt sản sinh khí gas và dầu thô. Tro được đốt tiếp lần 2 tạo kali nguyên sinh dùng ủ rác hữu cơ tạo phân sinh học. Ảnh: Đăng Trình.
Rác đốt trong máy có 2 lò đảo nhiệt, nhiệt độ đốt hàng nghìn độ C. Quá trình đốt sản sinh khí gas và dầu thô. Tro được đốt tiếp lần 2 tạo kali nguyên sinh dùng ủ rác hữu cơ tạo phân sinh học. Ảnh: Đăng Trình.

“Sau khi đốt ở nhiệt độ hàng nghìn độ C, rác cháy thành tro. Tiếp tục, nguồn tro sẽ được dùng làm vật liệu đốt tiếp. Quá trình đốt sẽ sản sinh ra dầu thô, khí gas và kali nguyên sinh. Kali nguyên sinh dùng làm chất xúc tác để ủ rác hữu cơ trong vòng 48 giờ tạo ra phân hữu cơ phục vụ sản xuất nông nghiệp”, anh Giáp nói.

“Trái ngọt” đầu tiên từ sáng chế máy xử lý rác

Gian nan chế tạo được máy xử lý rác, hoàn thiện công nghệ, sau những vất vả, nỗ lực Nhóm Kim Cương Việt đã được nếm trải những “trái ngọt” thành công đầu tiên. Năm 2016, Nhóm thực nghiệm và giới thiệu công nghệ xử lý rác thải tại: Nhà văn hóa làng Quán Tỉnh, xã Uy Nỗ (Đông Anh, Hà Nội).

Vòi chiết dầu thô của máy xử lý rác thải dân sinh của Nhóm Kim Cương Việt. Ảnh: Đăng Trình.
Vòi chiết dầu thô của máy xử lý rác thải dân sinh của Nhóm Kim Cương Việt. Ảnh: Đăng Trình.

Năm 2017, thực nghiệm, giới thiệu công nghệ tại UBND xã Gia Phong, huyện Gia Viễn (Ninh Bình); xã Sơn Hà, huyện Nho Quan (Ninh Bình); xã Tân Hương (thị xã Phổ Yên, Thái Nguyên); Khu tập kết rác xã Đông Hội (Đông Anh, Hà Nội); Khu xử lý rác thải Nam Sơn (Sóc Sơn, Hà Nội). Kết quả thực nghiệm thành công được các địa phương đánh giá cao.

Cũng trong năm 2017, thành công lan tỏa, nhóm được Công ty TNHH An Cường Thịnh (xã Sơn Lai, huyện Nho Quan, tỉnh Ninh Bình) tín nhiệm mời xử lý khói bụi.

Hy sinh lợi ích riêng vì lợi ích cộng đồng

Một ngày cuối tháng 10, theo chân những chàng trai Kim Cương Việt đi thực nghiệm xử lý rác thải dân sinh người viết được chứng kiến những nhọc nhằn, vất vả nhưng câu chuyện không ngớt tiếng cười nói vui vẻ của các thành viên trong nhóm.

Cận cảnh dầu thô thu được sau khi đốt rác bằng máy xử lý rác thải dân sinh. Ảnh: Đăng Trình.
Cận cảnh dầu thô thu được sau khi đốt rác bằng máy xử lý rác thải dân sinh. Ảnh: Đăng Trình.

Gần 5 năm gắn bó bên nhau, dốc lòng nghiên cứu hoàn thiện “Công nghệ xử lý rác thải dân sinh không chôn lấp” họ- những chàng trai đầy nhiệt huyết đã hy sinh lợi ích riêng với mong muốn đem lại lợi ích phục vụ cộng đồng. Người đầu tư cho hoạt động nghiên cứu nhiều nhất, không ai khác chính là anh Đỗ Quốc Thái. Để phục vụ công tác nghiên cứu, hoàn thiện công nghệ anh đã vay mượn, đóng góp hàng trăm triệu đồng.

Nhóm Kim Cương Việt đã tiến hành thực nghiệm xử lý rác thải dân sinh tại Khu xử lý rác thải Nam Sơn (Sóc Sơn, Hà Nội). Ảnh biên bản thực nghiệm- Đăng Trình.
Nhóm Kim Cương Việt đã tiến hành thực nghiệm xử lý rác thải dân sinh tại Khu xử lý rác thải Nam Sơn (Sóc Sơn, Hà Nội). Ảnh biên bản thực nghiệm- Đăng Trình.

“Rồi cậu Giáp có chiếc xe máy SH giá trị nhất trong nhà đã bán đi góp vào nghiên cứu, giờ Giáp đi ké xe của vợ. Em Vinh, em Cường mới đây xin ứng cả nửa năm tiền lương góp vào. Còn các em khác nữa đều rất tâm huyết. Nhóm có 6 thành viên, mỗi người một công việc, có người công tác xa Hà Nội mấy trăm cây số nhưng thường xuyên về nhóm họp, triển khai công việc chung. Anh em tôi vất vả gian nan, nhưng hạnh phúc khi tạo ra được sản phẩm hữu ích cho cộng đồng”, anh Thái tâm sự…

Clip sáng chế máy xử lý rác "biến" thành dầu thô của Nhóm nghiên cứu ứng dụng Kim Cương Việt:

Chia sẻ về giá trị kinh tế của “Công nghệ mới”, anh Tào Nguyên Giáp cho biết, giá thành máy xử lý rác khoảng 800 triệu đồng. Công suất xử lý gần 20 tấn rác/ngày. Anh nói: “Máy xử lý rác của nhóm có thể xử lý gần 20 tấn rác/ngày; tạo được dầu thô, Kali nguyên sinh dùng ủ tạo phân sinh học. Máy thích hợp cho nhu cầu xử lý rác của các xã, mức đầu tư hợp lý, hiệu quả kinh tế cao. Nhóm có thể chế tạo máy công suất nhỏ hơn, giá thành thấp hơn”…

Chủ nhiệm đề tài Đỗ Quốc Thái thổ lộ, hiện nhóm đang hoàn thiện hồ sơ trình Sở Khoa học và Công nghệ Hà Nội tổ chức thực nghiệm, nghiệm thu đề tài nghiên cứu sáng chế máy xử lý rác "biến" thành dầu thô. Hiện nay, do khó khăn kinh tế, nhóm mong muốn tìm kiếm cộng tác viên cùng đầu tư, phát triển công nghệ trên cơ sở hợp tác minh bạch, nhiệt tình, trung thực trong công việc…

Với phong cách “Đoàn kết, yêu thương, học hỏi không ngừng”, mang ý chí “vươn lên mạnh mẽ” 6 chàng trai Kim Cương Việt đang cần mẫn, vươn lên khó khăn mỗi ngày. Bên cạnh đề tài nghiên cứu “Công nghệ xử lý rác thải dân sinh không chôn lấp”, nhóm đang phác thảo thiết kế “Máy xử lý rác thải Y tế”; Bản vẽ “Cột điện thông minh”...

Đăng Trình