Được biết, năm 2019, diện tích trồng rau quả là 20.500ha, sản lượng hơn 580.000 tấn. Năm 2020, diện tích gieo trồng rau an toàn của thành phố trên 21.000ha. Ngoài ra, 41.200 tấn giống các loại (rau, bắp, lúa) của các doanh nghiệp nông nghiệp sản xuất trên địa bàn TP.HCM đã cung ứng cho trên 1 triệu ha diện tích gieo trồng trên cả nước và xuất khẩu 620 tấn, tăng 27,8% so cùng kỳ năm 2018.
Là huyện ngoại thành, huyện Bình Chánh có tiềm năng phát triển kinh tế nông nghiệp. Nông dân ở đây đã sản xuất những sản phẩm nông nghiệp chất lượng cao đáp ứng nhu cầu tiêu thụ của thị trường. Hiện nay, toàn huyện có hơn 25.255ha đất tự nhiên. Do tốc độ đô thị hóa nhanh, nên diện tích đất sản xuất nông nghiệp của huyện chỉ còn hơn 14.758ha.
Những năm gần đây, chương trình chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi theo hướng công nghệ sạch đã góp phần phát triển mạnh, tăng hiệu quả kinh tế cho nông dân trên địa bàn. Nông dân đã sử dụng phân bón hữu cơ vi sinh, thuốc bảo vệ thực vật sinh học góp phần cải tạo đất, giúp rau phát triển tốt hơn.
Nhờ sản xuất rau an toàn theo quy trình VietGAP, các HTX như: Phước An, Phước Bình, Chi nhánh Phú Lộc (xã Tân Quý Tây), Hưng Điền (xã Hưng Long) đã ký hợp đồng tiêu thụ với nông dân, giúp họ có thu nhập trên 420 triệu đồng/ha/năm. Ngoài ra, nông dân tham gia trồng hoa phong lan theo hướng công nghệ sạch, lợi nhuận 1 - 1,5 tỷ đồng/ha/năm.
Theo ông Hồ Vĩ Nhân - Trưởng Trạm khuyến nông Bình Chánh - Bình Tân, Trạm Khuyến nông đã hướng dẫn chứng nhận VietGAP rau thủy canh cho nông dân.
"Với các mô hình nông nghiệp VietGAP, vấn đề là tìm đầu ra cho sản phẩm tương xứng với chất lượng và sự đầu tư. Vấn đề này đang được các cơ quan chức năng rất quan tâm" - ông Nhân chia sẻ.