Giải pháp mà các nhà tổ chức tour đưa ra là hoàn thiện dần các tour du lịch nông nghiệp, khai thác thế mạnh vườn rẫy và không gian sinh thái đầy ắp nắng gió đại ngàn, đậm vị cà phê.
Du lịch vườn rẫy cà phê chồn
Một sáng trời thu, tôi đưa nhóm bạn phương xa đi thưởng thức một loại đặc sản của xứ cà phê, gặp ngay một đoàn du khách đến từ Hải Phòng đang tò mò tham quan trang trại cà phê chồn. Cơ sở của Công ty THHH MTV Kiên Cường nuôi hơn 450 con chồn hương với mục đích tạo ra cà phê chồn.
Được hỏi vì sao biết mà tìm đến tận đây, một doanh nhân đất Cảng cho biết: Tháng trước, anh sang Đài Loan, bất ngờ thấy một nhà hàng quảng cáo là đại lý độc quyền chuyên bán cà phê chồn Kiên Cường Buôn Ma Thuột, giá mỗi phin đắt gấp gần ba chục lần các loại cà phê khác mà vẫn đông người chọn, nên muốn vào tận nơi xem sao.
Buôn Ma Thuột, điểm đến nhiều hấp dẫn
Cao nguyên Đắk Lắk 1,9 triệu dân, với thành phố trung tâm là thủ phủ cà phê Buôn Ma Thuột. Được thiên nhiên ưu đãi về đất đai, khí hậu, thời tiết và nguồn nhân lực dồi dào, cao nguyên Đắk Lắk đã gây dựng được nhiều mô hình nông nghiệp độc đáo, đặc trưng có giá trị kinh tế cao, những năm qua thu hút hàng triệu lượt du khách trong và ngoài nước.
Chỉ nói riêng khu vực nội ngoại thành Buôn Ma Thuột, đã có nhiều điểm đến hấp dẫn. Ngoại thành có xã Cư Êbur có làng Nai đang nuôi hơn 2.100 con nai và vườn thanh long quanh năm trái chín đỏ rực rộng hơn 120 ha; Xã Ea Tu có làng Thỏ nuôi hơn 6.000 con thỏ và ngôi nhà sàn dài nổi tiếng với bài thuốc quý của cha con Vua Voi Ama Kông-Khăm Phết Lào; Xã Hòa Thắng có các vườn bơ ngon và cửa hàng giới thiệu sản phẩm bơ trái; Xã Ea Kao có HTX dệt thổ cẩm Tơng Bông ở buôn Tơng Jú quyến rũ sắc thái văn hóa Ê Đê; Xã Hòa Phú có Câu lạc bộ Cá lăng đang xây dựng thương hiệu và làng Hoa cây kiểng đã được tỉnh phê duyệt chủ trương xây dựng cụm làng nghề; Xã Hòa Khánh với trang trại nhân giống hoa Phong Lan bằng công nghệ sinh học nuôi cấy mô, và những vườn rau sạch tuyệt đẹp; Xã Hòa Thuận có các vườn tiêu năng suất cao nhất thế giới, lên đến 5-6 tấn/ha ...
Nội thành, có HTX nấm Hà Hương đường Trần Quý Cáp phường Tự An trồng đủ loại nấm quý hiếm; Cũng có không ít du khách muốn tìm hiểu về nghề nuôi ong phiêu bạt giang hồ, mà Đắk Lắk là tỉnh có quy mô nuôi lớn nhất nước, với hơn 20 nghìn đàn ong quanh năm cho mật tiêu thụ nội địa và xuất khẩu.
Các sản phẩm đặc trưng của vùng đất này đã theo chân du khách đến nhiều nơi trên thế giới. Như cà phê chồn Kiên Cường được đặt hàng từ Đài Loan, Hàn Quốc, Đan Mạch, Trung Quốc, kể cả Nhật Bản. Tại khách sạn Rex 5 sao ở TP Hồ Chí Minh, khách thượng lưu thường gọi cà phê chồn Kiên Cường giá 349.000đ/phin. Thương hiệu “Nhung Nai Cư Êbur” thâm nhập thị trường châu Á với nhiều mặt hàng bồi bổ sức khỏe. Một số giống hoa Phong lan quý nhân giống bằng công nghệ sinh học tại đây cũng đã bán đi nhiều nơi, kể cả Đà Lạt.
Khi đến tham quan các mô hình nông nghiệp trên địa bàn, du khách đều ngỡ ngàng thích thú trước những sản phẩm cây nhà lá vườn, không quên mua nhiều loại đặc sản mang đi. Sáng đẹp trời, tại một vườn ca cao treo đầy trái chín trên đường Y Ngông, đoàn du khách Pháp đã thích thú nếm thử vị thịt quả ca cao chín ngay dưới tán lá mát rượi, và uống những ly sinh tố ca cao chua ngọt rất thơm ngon. Chị Nguyễn Phụng thú vị nhận xét: Dù là cư dân Tây Nguyên, nhưng nếu không có chuyến chơi “ké” này, chị cũng không biết quả ca cao tươi cũng có thể làm sinh tố ngon lành như thế!
Từng sang Đức chào bán tour du lịch cà phê trong hội chợ Du lịch quốc tế Beclin từ năm 2006, ông Lê Hoàng Cơ giám đốc công ty Du lịch Đam San, nguyên Chủ tịch hiệp hội Du lịch Đắk Lắk cho rằng nếu tổ chức tốt cho khách tham quan vườn cà phê mùa hoa nở trắng xóa thơm ngát núi đồi, mùa trái chín đỏ mọng trĩu cành, mùa béc tưới xoay vòng phun mưa rào rạt mát rượi trên khắp các trang trại, kết hợp nghệ thuật ẩm thực, cồng chiêng một cách tinh tế, thì hàng năm Tây Nguyên đều có thể đón được hàng vạn du khách Châu Âu như Đức, Pháp, Ý, Hà Lan v.v... từ tháng 10 đến tháng 2 năm sau. Trung tâm Đào tạo nghề Du lịch và Khách sạn Đam San từ năm 2012 tới nay liên tục tổ chức hàng trăm khóa học 3 tháng. Học viên các lớp Bếp Âu, Bếp Á, Bartender (pha chế) tốt nghiệp hầu như 100% đều “đắt sô” phục vụ .
XEM THÊM >> Mô hình du lịch nông nghiệp đang "lên ngôi"
Đoàn chuyên gia của Viện nghiên cứu du lịch thuộc Tổng cục Du lịch gần đây đã đi thực tế nhiều chuyến về các vùng nông thôn Đắk Lắk để đẩy mạnh hướng phát triển du lịch nông nghiệp. Dự kiến vùng chuyên canh cà phê của đồng bào Dao định cư lâu đời ở xã Cư Suê huyện Cư Mgar sẽ là điểm đến hấp dẫn.