Chiều nay (28/5), Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã đến thăm mô hình thâm canh cây xoài hữu cơ của gia đình ông Lò Văn Phớ, bản Nà Hạ, xã Hát Lót, huyện Mai Sơn, tỉnh Sơn La.
Báo cáo tình hình sản xuất với Thủ tướng và đoàn công tác, chị Vì Thị Phương (con dâu ông Phớ) cho biết: Mô hình trồng xoài của gia đình có diện tích 1,5 ha. Năm 2021, gia đình thu được 25 tấn xoài, trong đó xuất khẩu được 20 tấn sang thị trường Trung Quốc. Với giá 8.000 đồng/kg, gia đình thu 200 triệu đồng; sau khi trừ chi phí lãi khoảng 140 triệu đồng. So với trồng ngô, trồng sắn trước đây thì trồng xoài cho hiệu quả kinh tế cao gấp 10 lần.
Theo chị Phương, hiện gia đình đang là thành viên của HTX Dịch vụ nông nghiệp Nà Hạ. Trong thời gian qua, các thành viên trong HTX luôn nhận được sự quan tâm của các cấp, các ngành tỉnh Sơn La trong việc hỗ trợ quy trình sản xuất sạch; mô hình tưới nhỏ giọt; túi bao trái; quảng bá, xúc tiến tiêu thụ sản phẩm xoài ra thị trường trong và ngoài nước. Vì vậy, người nông dân huyện Mai Sơn nói chung và các thành viên trong HTX nói riêng rất yên tâm sản xuất và không phải lo đầu ra.
Thay mặt đoàn công tác, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã biểu dương cách làm hay của hộ gia đình ông Phớ và HTX Dịch vụ nông nghiệp Nà Hạ. Thủ tướng đánh giá, thời gian qua, tỉnh Sơn La có chủ trương đưa cây ăn quả lên sườn dốc là sự đổi mới trong tư duy sản xuất nông nghiệp. Việc làm này đã thay đổi được thói quen canh tác của người nông dân Sơn La cho hiệu quả kinh tế rất cao.
"Nông dân Sơn La đã biết ứng dụng khoa học công nghệ để biến những gốc cây ăn quả bản địa cho năng suất, hiệu quả kinh tế thấp sang những vườn cây ăn quả cho năng suất, hiệu quả kinh tế cao gấp 9 - 10 lần so với trồng cây ngô, cây sắn", Thủ tướng nói.
Tại đây, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cũng đã chỉ rõ 6 vấn đề cần hỗ trợ nông dân trong sản xuất nông nghiệp. Thứ nhất, xây dựng thương hiệu sản phẩm; thứ hai, phải quy hoạch được vùng nguyên liệu; thứ 3, áp dụng khoa học công nghệ vào sản xuất; thứ 4, ngân hàng phải cho nông dân vay vốn với lãi suất vừa phải để người nông dân chịu được; thứ 5, có thị trường tiêu thụ sản phẩm cho người nông dân; thứ 6, có các nhà máy chế biến sau thu hoạch
Tiếp đó, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã đến thăm Trung tâm chế biến rau quả Doveco. Báo cáo với Thủ tướng, ông Đinh Cao Khuê, Chủ tịch HĐQT Doveco cho biết: Trung tâm có diện tích 8,86 ha, vốn đầu tư 500 tỷ đồng; tổng công suất 52.000 tấn sản phẩm/năm.
Các sản phẩm của nhà máy gồm: dứa, chanh leo, xoài, nhãn, chuỗi, mít, bơ, ngô ngọt...được chế biến sâu theo công nghệ của Nhật Bản, Italy, Đức và các nước Châu Âu...sản phẩm đủ tiêu chuẩn để xuất khẩu sang Mỹ, Nhật Bản, EU... Sau khi Trung tâm đi vào hoạt động sẽ tạo công ăn việc làm cho trên 30.000 lao động và kết nối các vùng nguyên liệu các tỉnh Tây Bắc với nhau.
Sau khi nghe báo cáo của Doveco, Thủ tướng Phạm Minh Chính đánh giá cao Công ty đã đầu tư công nghệ vào khâu sau thu hoạch từ đó đa dạng hóa các sản phẩm nông nghiệp, góp phần nâng cao giá trị sản phẩm. Bên cạnh đó, góp phần đa dạng hóa các kênh cung ứng, trong đó, cung ứng về rau củ, quả tươi, chế biến, đa dạng hóa về thị trường.
"Doveco đã góp phần giải quyết việc làm cho hơn 30.000 lao động, từ đó nâng cao sinh kế cho người nông dân, giúp nâng cao thu nhập. Qua đó, góp phần nâng cao đời sống cho người dân Tây Bắc nói chung và tỉnh Sơn La nói riêng", Thủ tướng nói.
Thủ tướng đề nghị Sơn La cần tiếp tục tạo điều kiện và ủng hộ các doanh nghiệp xây dựng các nhà máy chế biến, không những một mà sẽ có nhiều nhà máy để đa dạng hóa sản phẩm, nâng cao chất lượng, góp phần nâng cao đời sống của người nông dân.
Thủ tướng cũng lưu ý, các doanh nghiệp phải làm việc nghiêm túc và chia sẻ khó khăn để đảm bảo hài hoà lợi ích giữa người dân, doanh nghiệp và nhà nước.