Tâm tư, kiến nghị Thủ tướng: Cần giải pháp hỗ trợ HTX trong việc chuyển đổi đất công ích phục vụ sản xuất

Hồng Liên Thứ bảy, ngày 28/05/2022 15:29 PM (GMT+7)
Đó là một trong những tâm tư, kiến nghị của nông dân Phạm Văn Lộc - Chủ nhiệm Dự án hệ sinh thái nông nghiệp bền vững UCA tại Hà Nội và một số tỉnh thành trên cả nước.
Bình luận 0

Hỗ trợ HTX trong việc chuyển đối đất công ích phục vụ sản xuất

Trò chuyện với Dân Việt trước thềm Hội nghị Thủ tướng đối thoại với nông dân Việt Nam tại tỉnh Sơn La vào ngày 29/5, anh Phạm Văn Lộc - Phụ trách Dự án hệ sinh thái nông nghiệp bền vững UCA tại Hà Nội và một số tỉnh thành trên cả nước bày tỏ những tâm tư, kiến nghị với người đứng đầu Chính phủ: "Hiện các HTX đang gặp vướng mắc trong việc xin chuyển đổi mục đích sử dụng đất quỹ công ích của xã quản lý,... Vậy trong thời gian tới, Chính phủ sẽ có những giải pháp gì trong việc hỗ trợ HTX trong việc chuyển đổi đất công ích phục vụ sản xuất?".

Tâm tư, kiến nghị Thủ tướng: Cần giải pháp hỗ trợ HTX trong việc chuyển đổi đất công ích phục vụ sản xuất - Ảnh 1.

Anh Phạm Văn Lộc - Chủ nhiệm Dự án hệ sinh thái nông nghiệp bền vững UCA tại Hà Nội và một số tỉnh thành trên cả nước.

Anh Phạm Văn Lộc cho hay: "Chúng tôi tự sản xuất nguyên liệu đầu vào, tạo ra vòng tròn khép kín làm tiền đề cho hệ sinh thái sản xuất, chế biến và kinh doanh thực phẩm".

Hiện nay, dự án đã được áp dụng ở một số trang trại ở nhiều địa phương như tại Long Biên, Sóc Sơn, Sơn Tây, Chương Mỹ (Hà Nội) và sản phẩm được cung cấp cho nhiều hệ thống siêu thị thực phẩm sạch lớn như Bác Tôm, Biggreen,... ở các tỉnh miền Bắc

Dự án với mục tiêu ứng dụng khoa học công nghệ trong các khâu sản xuất, thương mại nhằm tối ưu hóa chi phí sản xuất cũng như đảm bảo sự cân bằng tương đối trong việc thương mại sản phẩm có giá trị cao.

"Để đảm bảo sản xuất cũng như đảm bảo tính cạnh tranh trên thị trường của dòng sản phẩm mới, chúng tôi nỗ lực áp dụng công nghệ mới nhằm giảm tối đa việc tiếp xúc trực tiếp của công nhân với nguồn dinh dưỡng, bảo vệ thực vật nguy hại đến sức khỏe người lao động và đảm bảo nguyên liệu đầu vào ổn định về số lượng cũng như chất lượng cho các thành viên trong hệ sinh thái" - anh Lộc tiết lộ.

Tham gia vào chuyển đổi số nông nghiệp, nông dân sẽ được hỗ trợ như thế nào?

Với dự án Hệ sinh thái Nông nghiệp bền vững UCA, người nông dân gần như không phải trực tiếp "chạm tay" vào làm. Bởi, đã có các tay robot đơn giản thay thế công năng của lao động phổ thông. Ngoài ra, dự án cũng sử dụng ứng dụng di động trong việc điều phối sản xuất (điều hành hoạt động tưới nước qua aap được cài đặt trên điện thoại thông minh).

"Tất cả dữ liệu về sâu bệnh hại trên rau, các triệu chứng thú y trên vật nuôi, các yếu tố nguy hại từ môi trường được truyền lại từ hình ảnh, cảm biến và được lưu trữ trên hệ thống máy chủ, xử lý, gửi lấy ý kiến tham vấn của kỹ sư, hệ thống chuyên gia sản xuất cũng như cảnh báo quá trình khi gặp điều kiện tương tự. Tất cả những thay đổi đó đều được ghi nhận, phân tích và lưu trên ứng dụng điện thoại thông minh giúp quá trình thuận lợi hơn" - anh Lộc nói.

Tâm tư, kiến nghị Thủ tướng: Cần giải pháp hỗ trợ HTX trong việc chuyển đổi đất công ích phục vụ sản xuất - Ảnh 2.

Rau sau khi được thu hoạch ở các vùng nguyên liệu được chuyển về kho của hệ sinh thái. Từ đó, rau được bảo quản trong nhà lạnh và được đưa đến hệ thống siêu thị của hệ thống siêu thị hợp tác với hệ sinh thái.

Anh Lộc cho biết, công nghệ đã mang lại rất nhiều thành quả hữu ích, tạo tiền đề để phát triển bền vững. Ứng dụng giúp hệ thống lần đầu tiên có nhật ký điện tử, được cập nhật hàng ngày, giúp khách hàng là hệ thống cửa hàng thực phẩm theo dõi, giám sát thường xuyên từ đó tăng được uy tín cũng như sự kiểm chứng thực tế từ khách hàng, giúp khách hàng chủ động thời gian lấy hàng, có hàng để đặt hàng trước, gia tăng từ 3 đại lý lên đến 22 đại lý sử dụng tất cả sản phẩm mà hệ sinh thái trên địa bàn Hà Nội. Doanh thu tăng 500%.

Chuyển đổi số nông nghiệp cần có nền tảng số, hạ tầng số, chính sách số để hỗ trợ các chủ thể nông nghiệp có đủ nguồn lực phát triển công nghệ sản xuất và ứng dụng công nghệ tiên tiến. Qua đó, giúp nâng cao năng suất và giá trị nông, lâm, thủy sản. Đây là cú hích để thúc đẩy cơ cấu lại ngành nông nghiệp và phát triển sản xuất kinh doanh hiện đại, hội nhập quốc tế, thay đổi đời sống người dân nông thôn. Do vậy, trước tiên phải giải bài toán thị trường đầu ra cho nông sản Việt; khuyến khích các doanh nghiệp công nghệ làm nông nghiệp thông minh, giúp nông dân tiếp cận nhanh và hiệu quả các công nghệ mới tiên tiến và hiện đại trong thực tiễn sản xuất, tạo nền tảng cho quá trình chuyển đổi số; đẩy mạnh quá trình kết nối, tiêu thụ nông sản trên các sàn thương mại điện tử.

Trò chuyện với Dân Việt, anh Phạm Văn Lộc bày tỏ kiến nghị: Vừa qua, Chính phủ đã ban hành Chương trình chuyển đổi số quốc gia, trong đó có chuyển đổi số nông nghiệp. Anh Lộc rất mong Thủ tướng Chính phủ, lãnh đạo các Bộ, ngành trong thời gian tới đây sẽ có những chính sách, cơ chế để nông dân được hỗ trợ tham gia vào quá trình chuyển đổi số nông nghiệp.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem