dd/mm/yyyy

Thu tiền tỉ nhờ nuôi cá quý hiếm kết hợp làm du lịch

Từ việc đam mê nuôi cá đặc sản quý hiếm kết hợp làm du lịch sinh thái trên lồng bè ở sông Hậu, anh Bảy Bon ở Cần Thơ thu về tiền tỉ mỗi năm.

Nuôi cá đặc sản quý hiếm dưới lòng sông Hậu

Anh Lý Văn Bon (người dân địa phương thường gọi là Bảy Bon) sống ở Cồn Sơn (khu vực 1, phường Bùi Hữu Nghĩa, TP.Cần Thơ) cho biết, gia đình có 16 bè nuôi cá trên sông Hậu với tổng diện tích trên 5.000 m2 .

Một trong những loại thuỷ sản chủ lực được anh nuôi là cá thác lác cườm. Hàng ngày, ông xuất bán 300 – 500 kg cá tươi cho các đại lý, thương lái ở TP.Cần Thơ, TP.HCM, Hà Nội và nhiều tỉnh thành khác trong nước.

Anh Bảy Bon đang cho cá ăn.
Anh Bảy Bon đang cho cá ăn.

Ngoài ra, anh còn có cơ sở chế biến chả, rút xương, muối sả làm theo phương pháp thủ công và không sử dụng các chất bảo quản với tiêu chí thực phẩm sạch. Mỗi ngày có hàng trăm kg thành phẩm được tiêu thụ.

Được biết, năm 2012, cá thác lác cườm được anh Bảy Bon chọn nuôi thay thế cá điêu hồng; bình quân cho xuất bè từ 800 - 1.000 tấn cá/năm. Ngoài loại cá đặc sản trên, anh Bảy Bon còn nuôi các loại cá đặc sản khác như cá chạch lấu, cá trê đuôi đỏ (hay còn gọi là cá Hồng Vỹ), cá trê da vàng, cá Koi (cá chép Nhật) … cho xuất bè vài chục tấn/ năm.

Theo phóng viên tìm hiểu, cá trê đuôi đỏ (hay còn gọi là cá Hồng Vỹ) của anh Bảy Bon là một loại cá quý hiếm. Loại cá này có đầu to, lớp da dày, sắc màu trắng dưới bụng, màu đen trên toàn bộ lưng, vây đuôi có màu đỏ.

Một trong những loại cá đặc sản, quý hiếm được nuôi trên bè cá của anh Bảy Bon.
Một trong những loại cá đặc sản, quý hiếm được nuôi trên bè cá của anh Bảy Bon.

Hiện nay, anh Bảy Bon có hàng chục con cá trê đuôi đỏ, mỗi con có trọng lượng hàng chục kg. “Loại cá này có được là do tôi sưu tầm từ nhiều nơi và nuôi nhiều năm nay. Tôi dám chắc, ở ĐBSCL nói riêng và cả nước nói chung, không ai sở hữu đàn cá quý và có trọng lượng lớn như của tôi”, anh Bảy Bon nói.

Kết hợp làm du lịch nông nghiệp

Để tăng thêm thu nhập cho gia đình, anh Bảy Bon không thuê người mà chỉ nhờ người thân phụ giúp. Vài năm trở lại đây, anh còn kết hợp với nhiều bà con Cồn Sơn làm du lịch sinh thái.
Anh Bảy Bon nói: “Lúc đầu chỉ có vài chục người đến, dần dần càng nhiều du khách đến tham quan bè cá của tôi. Ai đến cũng thích thú, khen ngợi vì tận mắt chứng kiến nhiều loại cá đặc sản ở miền Tây, trong đó có nhiều loài gần như không còn tìm thấy ở nơi khác. Tôi cảm thấy rất phấn khởi”.

Theo anh Bảy Bon, việc khách du lịch đến bè cũng là dịp để quảng bá sản phẩm từ con cá thát lát. Khách du lịch có thể thấy được quy trình sản xuất an toàn, từ đó mà tin tưởng hơn vào sản phẩm của anh cung cấp ra thị trường.

Hiện nay, trung bình mỗi ngày bè cá của anh đón khoảng 10 đoàn khách tham quan (khoảng 100 người). Riêng thứ bảy, chủ nhật lượng khách gấp đôi. Khi khách tham quan bè cá, anh Bảy Bon chỉ thu 10.000 đồng/người.

Nuôi cá và làm du lịch đã giúp gia đình anh Bảy Bon từng bước đổi đời. Bảy Bon chia sẻ: “Nhờ mô hình nuôi cá đặc sản kết hợp thêm làm du lịch, tôi có thể thu tiền tỉ mỗi năm. Tới đây tôi còn mở rộng thêm quy mô, làm thêm dịch vụ triển lãm cá, dịch vụ cá bú bình… Hiện tôi vẫn tiếp tục sưu tầm, nuôi thêm nhiều loại cá quý hiếm khác để phục vụ khách tham quan”, anh Bảy Bon nói.

Ông Trần Văn Bảy Mươi Lăm - Phó Chủ tịch Hội Nông dân quận Bình Thủy nói: “Mô hình của anh Bảy Bon hiện đang được khuyến khích nhân rộng. Anh Bảy Bon cũng sẽ nhiệt tình hỗ trợ, chia sẻ kinh nghiệm. Với mô hình làm kinh tế hiệu quả trên, năm 2016, anh đã được tặng danh hiệu Nông dân sản xuất kinh doanh giỏi cấp thành phố”.

Huỳnh Xây