Khoảng tháng 9 âm lịch hàng năm, sau những cơn mưa kéo dài, trên bề mặt gành đá ở vùng biển miền Trung lại xuất hiện một loại rong sẫm màu, dai mướt rất đặc biệt được gọi là rong mứt biển (mứt biển).
Người dân miền Trung ví rong mứt biển như "lộc trời" mọc trên đá bởi không cần trồng, không cần chăm sóc chúng vẫn mọc tua tủa và mang lại thu nhập cho họ.
Được biết, rong mứt có 2 loại: Rong mứt cọng và rong mứt sợi. Rong mứt cọng thường mọc ở các gành đá sát bờ, cọng rong to hơn, được bán giá thấp hơn, vào mùa có giá khoảng 150.000 đồng/kg. Còn rong mứt sợi thường mọc ở các gành đá xa bờ, cọng rong nhỏ như sợi chỉ mành, được bán với giá cao hơn, khoảng 200.000 đồng/kg tươi.
Bãi biển Nam Ô (phường Hòa Hiệp Bắc, quận Liên Chiểu, Đà Nẵng) là nơi có nhiều rong mứt biển.
Mùa mứt biển kéo dài khoảng 3 tháng, từ cuối tháng 9, đầu tháng 10 cho đến tháng 12 âm lịch. Lúc này, nước biển bớt đi độ mặn sau những trận mưa kéo dài, điều kiện lý tưởng cho loài rong biển thân ngắn này phát triển mạnh mẽ.
Những cụm mứt biển có màu sẫm gần như đen, óng mượt, sinh sôi và bám chặt vào bề mặt những tảng đá ngâm trong nước biển.
Người ta thường khai thác mứt biển ngay khi vừa mới mọc vì đây là lúc mứt biển ngon nhất, lá còn non, dai và ngọt, khi chế biến món ăn sẽ đậm vị. Mứt biển để già sẽ giảm hương vị và chất lượng.
Tuy nhiên, việc khai thác mứt biển không hề đơn giản mà khá vất vả, thậm chí nguy hiểm. Ngư dân sẽ đi hái mứt từ lúc trời chưa sáng, khoảng 4-5h, có khi còn sớm hơn. Lúc này thủy triều rút ra xa, để lộ những phiến đá bám đầy rong mứt trơn mướt.
Người hái mứt phải mặc những bộ quần áo bó sát cơ thể, tay đeo găng để tránh bị hàu làm xây xước; đội mũ trùm kín để chống chọi với cái giá lạnh lúc nửa đêm và những cơn sóng biển lạnh lẽo tạt vào người.
Với ánh sáng từ chiếc đèn gắn trên trán, họ dò dẫm trong bóng tối, leo lên những phiến đá trơn trượt, những ghềnh đá cheo leo, lởm chởm để tìm đến nơi có nhiều mứt biển nhất. Nơi nào sóng đánh nhiều thì rong mứt mọc nhiều và những con sóng lớn có thể đánh ngã họ xuống biển bất cứ lúc nào.
Khai thác mứt biển rất kỳ công bởi nó bám sát mặt đá và rất trơn mềm. Những người hái mứt dùng một miếng sắt mỏng để cạo và một túi lưới đựng mứt. Phần đông người đi hái mứt biển Nam Ô là phụ nữ. Họ lom khom bên những tảng đá, kiên nhẫn, tỉ mỉ cạo từng chút mứt cho vào túi lưới.
Công việc cần mẫn kéo dài nhiều tiếng đồng hồ cho đến giữa buổi sáng, khi nước biển lên thì mới dừng. Lúc này cơ thể họ cũng rã rời vì đau lưng, mỏi tay, bù lại thành quả xứng đáng với công sức họ bỏ ra.
Người dân Nam Ô cho biết vào thời điểm đầu mùa, mứt mọc dày, họ có thể khai thác trung bình 3-6kg mứt biển một ngày.
Mứt hái xong sẽ được rửa qua nước biển 1 lần rồi rửa qua nước ngọt 2 lần và để ráo. Mứt có thể dùng tươi hoặc phơi khô dùng dần.
Trước đây, rong mứt được gọi là món "nhà nghèo", bởi chúng gắn với những bữa cơm dân dã của người dân miền biển. Những năm gần đây, rong mứt lên đời thành món đặc sản nổi tiếng khắp nơi. Nhiều người nhận xét rong mứt ngon nhất trong tất cả các loại rong ở Việt Nam.
Theo Tri thức & Cuộc sống, rong mứt có tên khoa học là Porphyra, thuộc ngành tảo đỏ Rhodophyta, sinh sống và phát triển tự nhiên ở vùng nước lợ hoặc vùng nước biển nông.
Loại rong này có hàm lượng dinh dưỡng cao gấp hàng chục lần rong khác do chứa các acid amin, các vitamin B, B2, A, C và các nguyên tố vi lượng, khoáng chất cần thiết cho cơ thể con người, trong khi hàm lượng chất béo không cao, rất thích hợp cho người ăn kiêng và bị tiểu đường, mỡ máu, mỡ gan...
Từ rong mứt có thể làm thành nhiều món, phổ biến nhất là nấu canh cùng thịt xay, đậu phụ, tôm nõn,... hoặc rang cháy tỏi cùng dầu mè. Rong mứt tươi khó bảo quản, không tươi được lâu và dễ bị giập nát nên trên thị trường và sàn thương mại điện tử, các sản phẩm từ rong mứt khô vô cùng đắt khách.
Đến nhà hàng, quán ăn ở Đà Nẵng, Phú Yên vào dịp cuối năm, du khách sẽ được thưởng thức nhưng tô canh rong mứt biển tự nhiên thanh mát, mang hương vị mặn mòi của biển.