dd/mm/yyyy

Thời con đặc sản

Dịp trước và sau Tết Nguyên đán, người chăn nuôi “méo mặt” khi giá lợn (heo) xuất chuồng “xuống dốc không phanh”. Lúc này câu chuyện về nuôi con đặc sản lại được quan tâm hơn bao giờ hết.

Trang trại hươu của ông Tống Xuân Minh, ở xã Phú Long, huyện Nho Quan, Ninh Bình. Ảnh: Trần Quang.

Chăn nuôi con đặc sản là một xu thế rất tốt. Dù con đặc sản có năng suất không cao nhưng giá trị đem lại cho người nuôi rất lớn. Đặc biệt, trong bối cảnh hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng, nhất là việc chúng ta tham gia TPP, việc nuôi con đặc sản được coi là một cách thức để đối phó với các sản phẩm giá rẻ của các nước phát triển. Nhất là ở nhiều địa phương do điều kiện khó khăn về diện tích đất, vốn đầu tư và thị trường nên chăn nuôi công nghiệp khó phát triển. Do đó, việc chọn lựa những vật nuôi đặc sản là một lựa chọn tối ưu.

Thắng lớn nhờ đi trước

Ông Trịnh Văn Đàm ở thôn 12, xã Đông Sơn, thị xã Tam Điệp (Ninh Bình) được bà con trong xã gắn cho biệt danh “Đàm khùng” bởi lẽ anh luôn làm những việc mà người thường khó làm được, ví như việc “bỏ nhà” vào rừng sống, hay đưa hươu nuôi nhốt thành “hươu rừng”.

Sau nhiều năm khai hoang, ông Đàm đã có hơn 10ha đất, vừa kết hợp trồng hoa màu, ông tiến hành đầu tư mạnh tay vào chăn nuôi. Ban đầu ông chỉ nuôi dê thả núi và gà… Đến năm 2000, ông đi tìm mua 2 con hươu nái và 1 hươu đực về nuôi. Vừa xây chuồng trại, anh vừa đi tìm đến các trang trại để học hỏi kinh nghiệm thực tế; đi mua sách, tài liệu hướng dẫn về nuôi hươu để đọc. “Ban đầu nuôi hươu cũng tưởng khó, nhưng khi nuôi thấy dễ hơn cả nuôi lợn, gà… vì hươu chỉ ăn lá cây và các phụ phẩm nông nghiệp, bệnh tật lại ít”, ông Đàm cho biết.

Nuôi con đặc sản đòi hỏi nguồn vốn và chọn lựa phân khúc thị trường tiêu thụ.

Đến nay, ông Đàm đã thành công. Hiện, đàn hươu của ông lên đến trên 20 con, trong đó có trên 10 hươu nái sinh sản và gần 10 hươu đực đang cho nhung, bình quân 1 năm 1 hươu đực cho sản lượng nhung từ 6 đến 1kg nhung/con. “Hiện 1 năm vừa thu hoạch nhung, cùng với bán hươu giống mỗi năm gia đình tôi thu về không dưới 100 triệu đồng. Tính ra, trung bình mỗi tháng tôi có thu nhập trên 20 triệu đồng. Ngoài ra, thu nhập phụ thêm từ chăn nuôi dê thả núi mỗi năm cũng được hàng chục triệu đồng”, ông Đàm khoe.

Với nguồn thu từ chăn nuôi, đến nay ông đã có tiền mua được đất ở ngoài phố và xây được nhà khang trang. Ngoài ra, nhờ nguồn thu từ hươu gia đình ông đang nuôi 3 con ăn học, trong đó 1 cháu đang học Trung học phổ thông và 2 cháu học Trung học cơ sở. “Tôi sẽ tiếp tục mở rộng quy mô diện tích trang trại và nhân giống đàn hươu lên, dự kiến đến năm 2020 sẽ có 50 con, đảm bảo cung cấp cho thị trường hàng chục kg nhung sạch mỗi năm”, ông Đàm khẳng định.

Trên mọi vùng miền vẫn luôn xuất hiện những “vua” con đặc sản. Điểm chung là họ luôn đi tiên phong và thực hiện ý tưởng một cách quyết liệt. Nhiều con đặc sản trở thành thương hiệu không chỉ của địa phương mà còn được nhiều vùng miền biết đến, đem lại thu nhập cao cho người chăn nuôi.

Không hiếm chiêu trò

Nuôi con đặc sản không chỉ cần kinh nghiệm, kỹ thuật mà vốn đầu tư rất lớn, vì vậy không phải ai cũng có “gan” theo đuổi đến cùng. Bên cạnh đó, thị trường tiêu thụ con đặc sản chủ yếu vào các dịp lễ, tết, người mua đa phần là đối tượng có điều kinh tế và phần lớn được xuất sang thị trường Trung Quốc nên đầu ra bị phụ thuộc, bấp bênh. Đó còn chưa kể các chiêu trò quảng bá để bán con giống sau đó thì “sống chết mặc bay”.

Ba ba, nhím một thời gây sốt nhưng sau đó nhiều hộ nuôi bị thu lỗ.

Đã có một thời giống ba ba, cá sấu, heo rừng... lên cơn sốt giá, người dân đổ xô đi lùng mua khiến giống cung không đủ cầu, một số nhà hàng trong tình trạng “đói” thịt dù đặt mua với giá cao. Tuy nhiên, sau một thời gian, khi con giống đã bão hòa, giá thịt ba ba, heo rừng, trăn rắn... lại rẻ bằng 1/2, 1/3 so với thời điểm sốt giá, khiến nhiều hộ nông dân lâm vào cảnh thua lỗ, nợ nần.

Nhiều chủ trang trại chia sẻ rằng, cái khó của nghề nuôi những con đặc sản là không tìm được đầu ra ổn định. Nhất là các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ. Đó là nguyên do khiến nhiều con đặc sản sau một thời rầm rộ nuôi đã “mất hút” khỏi thị trường.

Trên thực tế đã có rất nhiều người dân giàu lên từ nuôi con đặc sản, nhưng không có nghĩa ai nuôi con đặc sản cũng giàu. Mà giàu hay không hoàn toàn do người dân quyết định. Bởi nếu nuôi con đặc sản mà vẫn cho thức ăn công nghiệp, kích thích tăng trưởng thì vừa tốn kém, chất lượng lại không cao, giá bán sẽ thấp hơn kiểu nuôi “gà ngủ sào, lợn đào công sự”. TS.Võ Văn Sự

Có nhiều nguyên nhân, nhưng theo một số chuyên gia, cái chính là các hộ chăn nuôi chủ yếu dựa trên kinh nghiệm, chưa có quy trình chính thức nên các biện pháp quản lý để tránh nguy cơ dịch bệnh. Vấn đề đầu ra cho sản phẩm cũng không được lưu tâm dẫn tới nuôi ồ ạt đến giai đoạn xuất bán thì ế ấm, thua lỗ. Mỗi khi “cơn sốt” qua đi, nhiều nông dân nhận ra, nuôi con đặc sản không phải “cuộc chơi” của số đông người.

Theo TS.Võ Văn Sự - Chi hội trưởng Động vật quý hiếm (Hội Chăn nuôi Việt Nam) cho biết: “Hiện ở nước ta có khoảng 20 loài đặc sản đã được người dân nuôi tự phát trong thời gian qua, nhưng chỉ có 10 loài nuôi hữu hiệu như cá sấu, lợn rừng, trĩ đỏ, ba ba. Tôi cho rằng, trong thời gian tới việc nuôi con đặc sản sẽ rất tiềm năng, bởi người dân ngày càng hướng tới việc sử dụng những sản phẩm ngon, sạch, lạ. Điều quan trọng là người dân có sản xuất ra được các sản phẩm ngon, sạch, lạ theo đúng chất của con đặc sản hay không”.

“Kinh nghiệm cho thấy, các chủ trang trại không nên phát triển ồ ạt con đặc sản khi chưa có đầu ra vững chắc. Bên cạnh đó, cần phát triển hệ thống kỹ thuật nuôi, tạo con giống, chế biến và tiêu thụ. Để làm được việc này cần có sự tham gia của các nhà khoa học và doanh nghiệp… Một thực trạng nữa là hầu hết giá cả các con đặc sản “mới nổi” giá con giống, thịt đều rất đắt, cao hơn rất nhiều so với giá trị thực, do đó vô hình chung người dân đang tạo thành rào cản tiêu thụ”. TS.Sự cho biết thêm.

TS.Sự cũng đưa ra lời khuyên: Khi nuôi con đặc sản, nhất thiết phải chọn loài phù hợp nhất với môi trường tự nhiên, khu vực, nơi có nguồn thức ăn rẻ và dễ tiêu thụ.

Trọng Nhân