Clip: Thay đổi cơ chế chính sách, tạo chuyển biến phát triển dược liệu theo chuỗi giá trị.
Nhu cầu về dược liệu rất lớn
Theo thống kê chưa đầy đủ, hiện cả nước có 63 bệnh viện y học cổ truyền công lập; gần 7.000 cơ sở hành nghề y học cổ truyền; 226 cơ sở sản xuất thuốc từ dược liệu, thuốc cổ truyền. Trong đó, có 131 cơ sở sản xuất quy mô công nghiệp sử dụng trên 300 loại dược liệu khác nhau; 1.440 cơ sở sản xuất thực phẩm chức năng với nhu cầu sử dụng dược liệu 20.000 tấn/năm.
Tuy nhiên, quá trình phát triển dân số tự nhiên và đô thị hóa ngày càng gia tăng, việc khai thác và sử dụng thảo dược tự nhiên thiếu khoa học đang là một trong những nguyên nhân chủ yếu dẫn đến một số loài thảo dược quí hiếm có nguy cơ tuyệt chủng. Vì vậy, việc nghiên cứu phát triển và sử dụng các loài dược liệu là một xu hướng tất yếu trong giai đoạn hiện nay, nhất là ở các tỉnh vùng núi phía Bắc nước ta.
Thực tế cho thấy, mỗi thôn, bản ở vùng núi đều có các thầy lang sử dụng một lượng dược liệu rất lớn để làm thuốc chữa trị bệnh và bồi bổ sức khỏe cho người dân địa phương theo phương pháp cổ truyền cũng chưa thống kê được đầy đủ về khối lượng.
Đặc biệt, ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số ở các tỉnh phía Bắc nói chung và Lai Châu nói riêng có rất nhiều loài dược liệu kết hợp với nhau tạo thành những bài thuốc hay để chữa trị bệnh và bồi bổ sức khỏe, kể cả chữa trị được một số bệnh nan y hiểm nghèo cũng cần được khai thác và phát triển.
Tuy nhiên, để phát triển dược liệu thành ngành hàng có khả năng cung cấp khối lượng lớn, đáp ứng nhu cầu không chỉ thị trường trong nước mà cả thị trường nước ngoài thì cần phải qui hoạch vùng sản xuất nguyên liệu tương xứng.
Chia sẻ với Dân Việt điện tử, ông Lê Quốc Thanh, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông quốc gia (Bộ NN&PTNT) cho biết: Phát triển dược liệu đang là thế mạnh chuyển đổi cơ cấu cây trồng có giá trị kinh tế cao tại nhiều tỉnh miền núi phía Bắc, trong đó có tỉnh Lai Châu.
Tuy nhiên, các địa phương, doanh nghiệp đang gặp khó khăn về đầu ra, nâng cao giá trị thương hiệu, giá bán. Việc này đòi hỏi cần đổi mới sáng tạo để phát triển chuỗi giá trị dược liệu gắn với du lịch sinh thái, du lịch trải nghiệm, du lịch cộng đồng.
Theo ông Lê Quốc Thanh, cần khai thác dược liệu ở nhiều khía cạnh, đa giá trị, nếu chỉ coi dược liệu là một loại sản phẩm thì chưa khai thác hết được giá trị của nó. Bởi cây dược liệu thường gắn với chỉ dẫn địa lý, gắn đến những vùng sinh thái đặc biệt, gắn đến văn hóa, truyền thống, gắn đến sự phát triển của một cộng đồng nào đó. Chính vì vậy, chúng ta phải khai thác dược liệu với góc độ đa giá trị và dư địa cho một cây dược liệu cũng chính là dư địa cho phát triển du lịch.
Trong tự nhiên, các loài dược liệu phân bố tương đối phân tán, hiện nay phần lớn dược liệu được khai thác trong tự nhiên, một phần đã được trồng với qui mô diện tích nhỏ; chưa có vùng sản xuất nguyên liệu thảo dược tập trung qui mô lớn, nên việc phát triển thảo dược còn nhiều hạn chế.
Gỡ bỏ rào cản phát triển dược liệu theo chuỗi giá trị
Theo thống kê của các nhà khoa học, riêng các loài thực vật bậc cao có mạch đã phát hiện trong các hệ sinh thái rừng ở Việt Nam có tới hơn 5.117 loài và thứ dưới loài được sử dụng làm thuốc chữa bệnh và bồi bổ sức khỏe. Trong đó, hầu hết loài cây dược liệu quý, hiếm, có giá trị kinh tế cao đều phân bố trong các hệ sinh thái rừng tự nhiên như sâm Lai Châu, sâm vũ diệp, tam thất hoang, bách hợp, thông đỏ…
Hầu hết các loài thảo dược quí, có giá trị đều sống dưới tán rừng, nhất là dưới tán rừng nguyên sinh, ở các đai độ cao khác nhau và các độ tàn che khác nhau. Hơn nữa, hiện nay cả nước có hơn 10,1 triệu ha rừng tự nhiên. Đây là một lợi thế tiềm năng rất lớn, có tính khả thi để phát triển các loại dược liệu dưới tán rừng.
Tuy nhiên, không phải dưới tán rừng nào cũng có thể phát triển được dược liệu nói chung và dược liệu quí nói riêng. Đặc biệt, vấn đề phát triển dược liệu dưới tán rừng tự nhiên, kể cả rừng nguyên sinh và rừng thứ sinh còn nhiều hạn chế bởi cơ chế chính sách qui định.
Ông Ngô Lê Trụ, Cục Lâm nghiệp (Bộ NN&PTNT) chia sẻ: Hiện nay, các chính sách pháp luật của chúng ta còn chưa đầy đủ, như Luật Lâm nghiệp không quy định việc cho phép trồng cây dược liệu ở rừng đặc dụng, mà chỉ trồng và phát triển ở rừng phòng hộ, tuy nhiên các quy định về quản lý việc trồng cây dược liệu để đạt mục tiêu bền vững và sử dụng môi trường rừng như thế nào cũng chưa được quy định cụ thể.
Hiện nay, chưa có phương pháp, chưa có cách định giá cho việc thuê môi trường rừng để canh tác bền vững, do đó gây khó khăn lớn cho các doanh nghiệp và các chủ rừng trong việc phát triển cây dược liệu dưới tán rừng.
Chia sẻ những trăn trở trong phát triển dược liệu ở nước ta, Phó giáo sư, tiến sỹ Nguyễn Huy Sơn, nguyên cán bộ Viện Dược liệu (Bộ NN&PTNT) cho biết: Về mặt khoa học, chúng ta chưa nghiên cứu được đầy đủ các loài, giống và kỹ thuật để gây trồng các loài cây dược liệu. Gần đây chúng tôi đã tiếp cận và nghiên cứu được một số loài nhưng chưa thực sự đầy đủ để đưa vào sản xuất.
Mặt khác, chúng ta đang vướng phải những rào cản do cơ chế chính sách, ví dụ như cây Sâm Lai Châu và Sâm Ngọc Linh là 2 loài cây thuộc nhóm II A, II B đang vướng bởi hạn chế trong thương mại, buôn bán và giao lưu quốc tế.
Ông Sơn cho biết, hầu hết các loài dược liệu quý đều nằm ở dưới tán rừng, mà rừng ở đây có độ cao từ 1000m trở lên, đa phần là rừng phòng hộ và rừng đặc dụng, trong khi đó chính sách hiện nay là hạn chế tác động vào rừng và hệ sinh thái rừng nên gây cản trở rất lớn trong việc phát triển cây dược liệu quý hiện nay.
Được biết, ngày 30/10/2013 Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định 1976 phê duyệt Quy hoạch phát triển dược liệu Việt Nam đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030 đã mở ra một cơ hội lớn trong việc phát triển dược liệu.
Theo đó, dược liệu được phát triển trên cả 8 vùng sinh thái để trồng 54 loài cây dược liệu trên diện tích 28.000ha, từ đó cung ứng khoảng 110.000 tấn dược liệu các loại, đồng thời lựa chọn và khai thác hợp lý 24 loài dược liệu tự nhiên, từ đó cung ứng đủ nguồn dược liệu cho công nghiệp dược, y học cổ truyền, các lĩnh vực khác và xuất khẩu.
Gần đây nhất, ngày 01/6/2023 Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 611 về việc phê duyệt Chương trình "Phát triển Sâm Việt Nam đến năm 2030, định hướng đến năm 2045". Hiện nay Bộ NN&PTNT đang Dự thảo Quyết định Ban hành Kế hoạch triển khai thực hiện, khi Quyết định được phê duyệt thì đây sẽ là cơ hội không chỉ cho việc phát triển Sâm mang thương hiệu Việt Nam, mà còn là cơ hội để phát triển các loài cây dược liệu khác dưới tán rừng.
Có thể khẳng định, tiềm năng phát triển dược liệu theo chuỗi đa giá trị ở các tỉnh miền phía Bắc nói riêng và trong nước nói chung là rất lớn, tuy nhiên để đạt được mục tiêu này, trước hết phải tháo gỡ những quy định chưa phù hợp trong hệ thống pháp luật, đặc biệt là Luật Lâm nghiệp, điều này cần được các bộ, ngành, địa phương đặc biệt quan tâm. Qua đó, tạo thuận lợi cho các doanh nghiệp, chủ rừng và người dân phát triển dược liệu, khai thác hiệu quả và bền vững những tiềm năng hiện có.