Gỡ rào cản, khai thác "mỏ vàng" dược liệu, trồng sâm quý dưới tán rừng

Tuấn Hùng Thứ tư, ngày 12/07/2023 18:27 PM (GMT+7)
Hầu hết các loài thảo dược quý, có giá trị đều sống dưới tán rừng, nhất là dưới tán rừng nguyên sinh, ở các đai cao khác nhau và các độ tàn che khác nhau. Hiện nay cả nước có hơn 10,1 triệu ha rừng tự nhiên - đây là lợi thế, tiềm năng rất lớn để phát triển các loại dược liệu dưới tán rừng.
Bình luận 0

Phát triển dược liệu dưới tán rừng còn nhiều rào cản

Theo thống kê của các nhà khoa học, riêng các loài thực vật bậc cao có mạch đã phát hiện trong các hệ sinh thái rừng ở Việt Nam có tới 5.117 loài và thứ dưới loài được sử dụng làm thuốc chữa bệnh, bồi bổ sức khỏe. Trong đó, hầu hết loài cây dược liệu quý, hiếm, có giá trị kinh tế cao đều phân bố trong các hệ sinh thái rừng tự nhiên, như: Sâm Lai Châu, sâm vũ diệp, tam thất hoang, bách hợp, thông đỏ, vàng đắng, Hoàng Liên ô rô…

Tuy nhiên, không phải dưới tán rừng nào cũng có thể phát triển được dược liệu nói chung và dược liệu quý nói riêng. Đặc biệt, vấn đề trồng sâm quý hay các loại dược liệu dưới tán rừng tự nhiên, kể cả rừng nguyên sinh và rừng thứ sinh còn nhiều hạn chế bởi cơ chế chính sách quy định.

Phát triển dược liệu gắn với du lịch sinh thái - Ảnh 1.

Diễn đàn khuyến nông ghi nhận nhiều ý kiến của các nhà quản lý, chuyên gia và các đơn vị, doanh nghiệp… Ảnh: T.H

Quyết định 1976 ngày 30/10/2013 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Quy hoạch phát triển dược liệu Việt Nam đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030, đặt mục tiêu phát triển dược liệu trên cả 8 vùng sinh thái để trồng 54 loài cây dược liệu trên diện tích 28.000ha, từ đó cung ứng khoảng 110.000 tấn dược liệu các loại…

Trao đổi với phóng viên Báo NTNN, ông Ngô Lê Trụ - đại diện Cục Lâm nghiệp (Bộ NNPTNT) cho biết: Hiện nay, các chính sách pháp luật của chúng ta còn chưa đầy đủ, đơn cử như Luật Lâm nghiệp không quy định việc cho phép trồng cây dược liệu ở rừng đặc dụng, mà chỉ trồng và phát triển ở rừng phòng hộ. Tuy nhiên các quy định về quản lý trồng cây dược liệu để đạt mục tiêu bền vững và sử dụng môi trường rừng như thế nào thì cũng chưa được quy định cụ thể.

Hiện nay, chưa có phương pháp, chưa có cách định giá cho việc thuê môi trường rừng để canh tác bền vững. Điều này gây khó khăn lớn cho các doanh nghiệp và chủ rừng trong việc phát triển cây dược liệu dưới tán rừng.

Theo thống kê chưa đầy đủ, thị trường tiêu thụ dược liệu và các sản phẩm từ dược liệu ở trong nước rất lớn. Hiện, cả nước có 63 bệnh viện y học cổ truyền công lập; gần 7.000 cơ sở hành nghề y học cổ truyền; 226 cơ sở sản xuất thuốc từ dược liệu, thuốc cổ truyền. 

Trong đó, có 131 cơ sở sản xuất quy mô công nghiệp sử dụng trên 300 loại dược liệu khác nhau; 1.440 cơ sở sản xuất thực phẩm chức năng với nhu cầu sử dụng dược liệu 20.000 tấn/năm.

Nhu cầu sử dụng dược liệu của các cơ sở sản xuất trong nước mỗi năm ước tính khoảng 60.000-80.000 tấn, phần lớn được sử dụng cho sản xuất thuốc đông dược, thực phẩm chức năng, hóa mỹ phẩm.

Thực tế cho thấy, mỗi thôn, bản ở vùng núi đều có các thầy lang sử dụng một lượng dược liệu rất lớn để làm thuốc chữa trị bệnh và bồi bổ sức khỏe cho người dân địa phương theo phương pháp cổ truyền, nhưng chưa thống kê được đầy đủ về khối lượng. Đặc biệt, ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số có rất nhiều loài dược liệu kết hợp với nhau tạo thành những bài thuốc hay để chữa trị bệnh và bồi bổ sức khỏe, kể cả chữa trị được một số bệnh nan y hiểm nghèo…

Tuy nhiên, để phát triển dược liệu thành ngành hàng có khả năng cung cấp khối lượng lớn, đáp ứng nhu cầu không chỉ thị trường trong nước mà cả xuất khẩu thì cần phải quy hoạch vùng sản xuất nguyên liệu tương xứng.

Phát triển dược liệu gắn với du lịch

Tại Diễn đàn khuyến nông chủ đề "Phát triển dược liệu theo chuỗi giá trị gắn với du lịch sinh thái" tổ chức mới đây, ông Lê Quốc Thanh - Giám đốc Trung tâm Khuyến nông quốc gia (Bộ NNPTNT) cho biết: Phát triển dược liệu đang là thế mạnh trong chuyển đổi cơ cấu cây trồng tại nhiều tỉnh miền núi phía Bắc, trong đó có Lai Châu. 

Tuy nhiên, các địa phương, doanh nghiệp đang gặp khó khăn về đầu ra, nâng cao giá trị thương hiệu, giá bán. Việc này đòi hỏi cần đổi mới sáng tạo để phát triển chuỗi giá trị dược liệu gắn với du lịch sinh thái, du lịch trải nghiệm, du lịch cộng đồng.

Phát triển dược liệu gắn với du lịch sinh thái - Ảnh 3.

Tiềm năng phát triển dược liệu ở các tỉnh miền núi phía Bắc nói chung và Lai Châu nói riêng rất lớn. Ảnh: Tuấn Hùng

Theo ông Thanh, cần khai thác dược liệu ở nhiều khía cạnh, đa giá trị. Nếu chỉ coi dược liệu là một loại sản phẩm thì chưa khai thác hết được giá trị của nó. Bởi cây dược liệu thường gắn với chỉ dẫn địa lý, gắn với những vùng sinh thái đặc biệt, gắn với văn hóa, sự phát triển của một cộng đồng nào đó. Vì vậy, chúng ta phải khai thác dư địa cho cây dược liệu, cũng chính là dư địa cho phát triển du lịch.

Ông Trần Mạnh Hùng - Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Lai Châu cho hay: Lai Châu đã ban hành nghị quyết phát triển dược liệu gắn với bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa tốt đẹp của các dân tộc và phát triển du lịch. 

Ngoài các điểm du lịch sinh thái, cộng đồng đang khai thác như Sin Suối Hồ, Lao Chải, Nà Luồng..., tỉnh Lai Châu đang huy động các nguồn lực đầu tư phát triển sản phẩm du lịch có thế mạnh gắn với dược liệu, nông nghiệp. Lai Châu cũng có thế mạnh với các dãy núi có độ cao phù hợp để phát triển cây dược liệu, như sâm Lai Châu và kết hợp du lịch trải nghiệm, khám phá… các đỉnh núi: Bạch Mộc Lương Tử, Putaleng, Pusilung…

Ông Nguyễn Anh Tuấn - Chủ tịch Hiệp hội Sâm Lai Châu cho phóng viên Báo NTNN biết: "Diện tích phù hợp trồng sâm ở Lai Châu có độ cao trên 1.200m, nơi đây tập trung các bản làng người La Hủ, Mông, Hà Nhì... Việc phát triển sâm gắn với du lịch không chỉ quảng bá nét đẹp văn hóa của đồng bào, mà còn nâng cao được giá trị của sâm Lai Châu, qua đó giúp bà con tăng thu nhập". 

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem