Loại dược liệu ngăn ung thư, tăng sinh lực của tỉnh Lai Châu được Chính phủ chọn ưu tiên bảo tồn, phát triển

Khánh Nguyên Thứ hai, ngày 05/06/2023 19:07 PM (GMT+7)
Cùng với sâm Ngọc Linh, sâm Lai Châu được chọn là đối tượng bảo tồn, phát triển, chế biến, thương mại ở quy mô hàng hóa trong Chương trình phát triển Sâm Việt Nam đến năm 2030, định hướng đến năm 2045.
Bình luận 0

Công dụng của sâm Lai Châu

Theo thông tin của Cổng thông tin điện tử tỉnh Lai Châu, sâm Lai Châu sinh trưởng ở độ cao khoảng 2.000m so với mực nước biển tại các huyện Tam Đường, Phong Thổ, Mường Tè của tỉnh Lai Châu, dưới tán rừng nguyên sinh, rậm, thường xuyên mưa gió mùa nhiệt đới.

Sâm Lai Châu có hình thái tương tự sâm Ngọc Linh, thân củ có mắt đốt sole nhau, lá tròn không sẻ thùy hai mặt lá có lông, hạt có 1 chấm đen. Sâm có mùi thơm đặc trưng có vị đắng ngọt vị lưu lại rất lâu khi ăn. Tùy vào thổ nhưỡng, vùng miền địa lý mà ra nhiều hay ít đốt. Có cây sâm mọc củ, vài năm sau mới bắt đầu ra đốt, có cây mỗi năm củ mọc 2-3 đốt, có củ còn mọc thành nhiều nhánh, mỗi nhánh ra vài đốt một năm.

Theo các nghiên cứu, sâm Lai Châu có công dụng giúp bồi bổ cơ thể, ngăn ngừa ung thư, giải độc gan, tăng nội tiết tố sinh dục; tăng thể lực, tăng tạo hồng cầu, điều hòa nhịp tim, bình ổn huyết áp, tăng trí lực, thị lực, giúp người sử dụng thêm minh mẫn; chống lão hóa, chống ôxy hóa, tăng cường dẻo dai, cải thiện sự suy nhược thần kinh; hỗ trợ rất tốt với thuốc chữa ung thư, tăng sức đề kháng phòng các căn bệnh nguy hiểm, giúp người bệnh giảm đau đáng kể trong quá trình điều trị…

Sâm Lai Châu còn là bài thuốc chăm sóc tuyệt vời cho da: Cung cấp độ ẩm, tái tạo tế bào da, loại bỏ da chết, giúp tăng cường lưu thông máu… Được các chuyên gia nghiên cứu và đông y đánh giá là sâm quý và giá trị hàng đầu thế giới.

Việt Nam hướng tới nước sản xuất sâm lớn  - Ảnh 1.

Khu vực trồng thử nghiệm sâm Lai Châu. Ảnh: L.C.G

Sâm Lai Châu là loại dược liệu quý hiếm được đưa vào Danh lục Đỏ cây thuốc Việt Nam (2007). Điểm nổi bật nhất của Sâm chính là hàm lượng Saponin tổng hợp rất cao, lên tới 21,34%. 

Trong Sâm còn có Majonosid-R2 (MR2) là hoạt chất có khả năng kháng vi rút gây ung thư, chiếm hàm lượng 7,78%; hợp chất silphioside E có tác dụng chống đông máu. Tất cả các bộ phận của cây đều có thể sử dụng làm thuốc chữa bệnh. Nếu thân rễ thường làm thuốc bổ, cầm máu thì lá, nụ hoa dùng pha trà, kích thích tiêu hóa, an thần. 

Theo nghiên cứu của  Sở Khoa học và Công nghệ Lai Châu, sâm Lai Châu hiện nay đang bị khai thác quá mức, nhiều ý kiến cho rằng số lượng sâm Lai Châu ngoài tự nhiên hiện nay còn rất ít.

Sâm Lai Châu hiện vẫn chủ yếu được khai thác từ rừng tự nhiên (50,0%-68,18%), còn lại là từ rừng trồng (31,82%-50,0%), thường khai thác vào mùa thu và mùa đông, người dân khi khai thác đa số lấy tất cả các bộ phận của cây (khai thác tận diệt).

Tuy nhiên, việc bảo tồn và phát triển sâm Lai Châu nói riêng và cây dược liệu nói chung còn gặp các trở ngại như dân trí thấp, tỷ lệ đói nghèo cao, thị trường tiêu thụ bấp bênh thường bị ép giá nên người dân không chú trọng vào việc gây trồng phát triển mà vẫn vào rừng tự nhiên để tìm kiếm và khái thác kiệt không đảm bảo cho tái sinh.

Theo những tài liệu đã công bố tại Việt Nam, cây sâm Lai Châu mới chỉ phát hiện thấy duy nhất ở tỉnh Lai Châu. Sâm Lai Châu có phân bố hẹp trên dãy núi Pu Si Lung và lân cận (Mường Tè và Tây Sìn Hồ, giáp biên giới với Trung Quốc) và dãy núi Pu Sam Cáp nằm giữa các huyện Sìn Hồ và Tam Đường với TP.Lai Châu.

Theo một số tài liệu nghiên cứu, sâm Lai Châu có vị ngọt, hơi đắng, tính ôn, có tác dụng gần giống với tác dụng của nhân sâm. Trong thân rễ sâm Lai Châu có saponin "MR2" chiếm tỷ lệ lớn, đặc trưng có trong sâm Ngọc Linh.

Sâm Lai Châu được ưu tiên bảo tồn, phát triển hàng hóa

Theo Chương trình phát triển sâm Việt Nam đến năm 2030, định hướng đến năm 2045 vừa được Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang phê duyệt tại Quyết định số 611/QĐ-TTg, sản lượng khai thác sâm Việt Nam từ năm 2030 đạt khoảng 300 tấn/năm (diện tích khai thác khoảng 1.000 ha/năm), đảm bảo nguồn gốc xuất xứ, đạt tiêu chuẩn GACP - WHO (thực hành tốt nuôi trồng và thu hái) hoặc tương đương.

Đầu tư, xây dựng các cơ sở sơ chế và chế biến sâu các sản phẩm từ sâm Việt Nam gắn với vùng nguyên liệu, sản xuất theo chuỗi, trong đó có khoảng 50% cơ sở sản xuất sản phẩm đạt tiêu chuẩn chất lượng GMP-WHO (thực hành sản xuất tốt).

Định hướng đến năm 2045 phát triển sâm Việt Nam trở thành ngành hàng mang thương hiệu quốc tế, có giá trị xuất khẩu cao, tạo nguồn thu quan trọng cho các địa phương, phấn đấu đưa Việt Nam trở thành nước sản xuất sâm lớn trên thế giới.

Theo quyết định này, các địa phương có tiềm năng, thế mạnh về điều kiện tự nhiên phù hợp cho việc nuôi trồng, phát triển sâm Việt Nam, gồm: Quảng Nam, Kon Tum, Gia Lai, Lâm Đồng, Thừa Thiên - Huế, Nghệ An, Lào Cai, Lai Châu, Điện Biên. Trong đó, phát triển vùng nguyên liệu Sâm Việt Nam quy mô hàng hóa tại các tỉnh: Quảng Nam, Kon Tum và Lai Châu.

Chương trình phát triển Sâm Việt Nam đến năm 2030, định hướng đến năm 2045 cũng xác định đối tượng bảo tồn, phát triển, chế biến, thương mại ở quy mô hàng hóa là sâm Ngọc Linh và sâm Lai Châu.

Để thực hiện nhiệm vụ bảo tồn, phát triển Sâm Việt Nam, Bộ NNPTNT được giao chủ trì, phối hợp với Bộ TNMT, Bộ Y tế, Bộ KHCN và UBND các tỉnh trong phạm vi Chương trình triển khai thực hiện đánh giá các loài sâm Việt Nam có phân bố trong rừng tự nhiên thuộc các tỉnh: Quảng Nam, Kon Tum, Gia Lai, Lâm Đồng, Thừa Thiên - Huế, Nghệ An, Lào Cai, Lai Châu, Điện Biên về: phân bố, loài (phân tích gen), diện tích, trữ lượng và đề xuất vùng trồng thích hợp.




Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem