Clip: Chàng trai trẻ người Mông vùng cao nguyên trắng Bắc Hà làm giàu từ trồng cây ăn quả, dược liệu.
Cây ăn quả bén rễ vùng cao nguyên trắng Bắc Hà
Đến vùng cao nguyên trắng Bắc Hà vào những ngày nắng hè, sáng sớm bà con vùng cao nơi đây đang tấp nập lên nương làm cỏ cho cây ngô, cây mận, lê và chăm sóc cây dược liệu...
Được sự giới thiệu của cán bộ xã Tả Van Chư, chúng tôi đến thăm mô hình phát triển kinh tế của chàng trai trẻ dân tộc Mông Sùng Seo Sếnh. Lạc vào vườn cây ăn quả xanh bạt ngàn của anh Sùng Seo Sếnh, chúng tôi thực sự ấn tượng với vườn cây ăn quả được chăm sóc cẩn thận, chu đáo.
Trong câu chuyện với anh Sếnh, chúng tôi được biết, anh Sếnh sinh và lớn lên trong một gia đình thuần nông. Vì hoàn cảnh gia đình khó khăn, nên anh Sếnh học hết bậc THPT rồi nghỉ ở nhà phụ giúp bố, mẹ làm nương rẫy. Sau khi lập gia đình anh Sếnh tách ra ở riêng, mới đầu anh Sếnh cũng loay hoay không biết làm thế nào để phát triển kinh tế gia đình sao cho hiệu quả.
Nhận thấy mô hình phát triển chăn nuôi phù hợp với thế mạnh ở địa phương nên anh Sếnh đã mở một trang trại để chăn nuôi lợn, gà, dê. Thế nhưng vì thiếu kinh nghiệm chăn nuôi, gà, lợn bị dịch bệnh chết hết.
Năm 2016, anh Sếnh bắt tay vào cải tạo đất đồi dốc để chuyển sang trồng cây ăn quả. Trước khi trồng, anh Sếnh đã đi tham quan học hỏi kinh nghiệm mô hình trồng cây ăn quả ở một số vùng khác để về áp dụng tại địa phương.
Đến nay, gia đình anh Sếnh có khoảng hơn 500 gốc cây mận Tả Van và lê tai nung. Trung bình mỗi năm gia đình anh Sếnh thu từ 30-40 triệu đồng từ bán quả mận, lê Tai Nung ra thị trường.
Cây dược liệu giúp bà con làm giàu vùng cao nguyên trắng Bắc Hà
Năm 2016, thực hiện chương trình phát triển cây dược liệu trên địa bàn, huyện Bắc Hà đã đưa cây cát cánh về cho bà con xã Tả Van Chư trồng thử nghiệm.
Khi các hộ dân trong thôn trồng đem lại hiệu quả kinh tế cao, ngoài trồng mận và lê, gia đình anh Sếnh đã mạnh dạn đăng ký trồng 0,7 ha cây dược liệu cát cánh. Vụ năm vừa qua, gia đình anh Sếnh thu được 6 tấn tươi, với giá bán 20 nghìn đồng/kg, thu về khoảng 120 triệu đồng.
Theo anh Sếnh để cây cát cánh sinh trưởng và phát triển tốt phải trồng đúng kỹ thuật như đã được cán bộ huyện hướng dẫn. Do vậy, đầu tiên đất sẽ được cày lật, phơi đất để diệt hết côn trùng và cỏ dại.
Sau đó bón vôi và phay (bừa) đất cho kỹ sâu 10 - 20cm, làm đất nhỏ và tơi xốp, thu gom sạch cỏ dại, lên luống cao 30 - 35cm, mặt luống rộng 70 - 80cm, độ rộng rãnh 30cm. Sau khi lên luống và bón phân lót xong dùng màng nilon phủ luống để hạn chế cỏ dại phát triển.
Giai đoạn cây mới trồng cần thường xuyên kiểm tra, dặm cây đúng mật độ, khoảng cách. Việc làm cỏ được tiến hành dựa vào kiểm tra đồng ruộng định kỳ và mức phát triển cỏ dại. Cỏ nhổ xong được thu gom và đưa ra khỏi ruộng tránh sâu bệnh ẩn trú.
Anh Sếnh cho biết: Tôi và bà con trong thôn đã được cán bộ khuyến nông xã, huyện tập huấn, hướng dẫn kỹ thuật từ khâu trồng, chăm sóc, bón phân cho đến giai đoạn thu hoạch… Nhờ vậy, chất lượng, năng suất sản phẩm cây dược liệu cao hơn.
Bây giờ, gia đình tôi đã có cuộc sống khá giả hơn, có thêm điều kiện chăm lo con cái học hành chu đáo cũng là nhờ phát triển trồng cây ăn quả và dược liệu đấy.
Thời gian tới, anh Sếnh đang lên ý tưởng xây dựng mô hình nông nghiệp xanh gắn với phát triển du lịch trải nghiệm cho du khách tại địa phương. Đồng thời, xây dựng sản phẩm mận Tả Van thành OCOP để tạo được thương hiệu bán ra thị trường và nhiều người biết đến.
Bằng sự nỗ lực của bản thân và sự hỗ trợ từ các chương trình, dự án của Nhà nước, chàng trai 9X dân tộc Mông vùng cao nguyên trắng Bắc Hà đã và đang thành công với mô hình phát triển trồng cây ăn quả, dược liệu. Anh xứng đáng là tấm gương tiêu biểu cho lớp thanh niên vùng cao học tập và noi theo.