dd/mm/yyyy

“Thần dược” giúp hỗ trợ điều trị nhiều loại bệnh, hóa ra là loại rau mọc dại này ở Việt Nam

Rau càng cua được nhiều nước trên thế giới xem là “thần dược” giúp hỗ trợ điều trị nhiều loại bệnh.

Rau càng cua là một loài rau thuộc họ Hồ tiêu. Đây là loại rau hoang dại, có thể sống ở nhiều địa hình khác nhau, thường mọc thành bụi ở ven ao, hồ, bờ ruộng, các dốc đá… những nơi có độ ẩm. Nhiều người từng coi loại rau này là cỏ dại, mọc hoang nên chỉ lấy làm thức ăn cho gia súc mà không biết rằng rau càng cua không chỉ ngon mà còn có nhiều giá trị về dinh dưỡng.

“Thần dược” giúp hỗ trợ điều trị nhiều loại bệnh, hóa ra là loại rau mọc dại này ở Việt Nam - Ảnh 1.

Ảnh minh họa

Nhiều nước trên thế giới xem rau càng cua là “thần dược” trị nhiều loại bệnh. Ở các nước phương Tây, rau càng cua thường được nghiền lá ra dùng đắp trị sốt rét, đau đầu, đau bụng. Ở Philippines, người ta dùng lá càng cua đắp để điều trị ung nhọt và vết loét. Còn ở Trung Quốc, cây rau này được dùng làm thuốc trị đau nhức khớp, trị phỏng do lửa hoặc nước sôi, trị rắn cắn, nhọt lở, chấn thương sưng đau…

Ở Việt Nam, cây càng cua thường mọc khắp nơi, người dân thường lấy về luộc hoặc xào với tỏi có thể làm rau sống ăn rất bổ và mát. Cây được sử dụng làm thuốc thường dùng tươi vì cây mọc suốt bốn mùa.

Rau càng cua tốt như thế nào?

Thành phần dinh dưỡng trong rau càng cua chủ yếu 92% nước, do đó ăn loại rau này rất mát, có tác dụng thanh nhiệt 8% thành phần còn lại là chất xơ cùng các vitamin và khoáng chất.  Trong 100 gam rau càng cua chiếm 277mg kali; 224mg canxi; 62mg magiê; 5,2mg vitamin C và 24 calori.

Theo Đông y, cây càng cua có vị đắng, tính bình, có tác dụng thanh nhiệt, giải độc, hoạt huyết, tan máu ứ. Loại rau này thường được sử dụng để chữa các bệnh nhiễm trùng đường hô hấp, viêm họng, viêm gan truyền nhiễm, viêm dạ dày - ruột, viêm ruột thừa, tiêu hóa kém,...

Ngoài ra nó còn được dùng ngoài chữa rắn cắn, nhọt lở, đau nhức xương khớp,... Vì rau càng cua có tính giải nhiệt, vị lại hơi chua, mọng nước nên có tác dụng giải khát cũng rất tốt.

“Thần dược” giúp hỗ trợ điều trị nhiều loại bệnh, hóa ra là loại rau mọc dại này ở Việt Nam - Ảnh 2.

Ảnh minh họa

6 lợi ích từ rau càng cua với sức khỏe

Theo một số nghiên cứu của y học hiện đại trên thế giới, rau càng cua có một số công dụng nổi trội như:

- Hỗ trợ chữa viêm khớp: Nước ép chiết xuất từ thân và lá rau càng cua có thể dùng để đối phó với bệnh viêm khớp dạng thấp.

- Giúp bảo vệ dạ dày: Chiết xuất từ rau càng cua đã cho thấy khả năng bảo vệ đáng kể với niêm mạc dạ dày bị tổn thương trong các thí nghiệm trong ống nghiệm.

- Hỗ trợ ngăn ngừa ung thư: Rau càng cua chứa một lượng lớn Peperomin E có tác dụng ngăn ngừa sự phát triển của tế bào ung thư.

- Giúp nhanh lành xương: Nước ép từ rau càng cua khi quấn quanh xương bị gãy sẽ đẩy nhanh quá trình chữa lành xương hơn.

- Giảm nồng độ axit uric: Nghiên cứu trên chuột cho thấy chiết xuất từ rau càng cua có thể giảm nồng độ axit uric đến 44%.

- Chất chống oxy hóa mạnh mẽ, chống nấm, chống vi khuẩn.

5 bài thuốc chữa bệnh từ rau càng cua

Chữa viêm họng, khản tiếng: Rửa sạch rau càng cua, sau đó nhai ngậm hoặc xay nước uống ngày 50-100g.

Chữa thiếu máu: Lấy 100g rau càng cua rửa sạch bóp với giấm, đem xào với thịt bò, ăn vài lần trong tuần.

Chữa tiểu gắt, tiểu khó: Ăn sống rau càng cua hoặc nấu nước uống ngày 150-200g.

Chữa đau lưng cơ co rút: Sắc rau càng cua uống mỗi ngày 50-100g.

Chữa nhiễm khuẩn đầu ngón tay (chín mé): Rau càng cua 100-150g sắc uống trong, bã đắp ngoài.

“Thần dược” giúp hỗ trợ điều trị nhiều loại bệnh, hóa ra là loại rau mọc dại này ở Việt Nam - Ảnh 3.

Ảnh minh họa

3 nhóm người không nên ăn rau càng cua

Mặc dù rau càng cua đem lại nhiều lợi ích cho sức khỏe, tuy nhiên bạn cần lưu ý một số điều sau để tránh gây ra những tác hại không mong muốn:

Người bị dị ứng

Một số người bị dị ứng với các thành phần có trong rau càng cua không nên sử dụng vì có thể xuất hiện các triệu chứng như nguy hiểm như ngứa, sưng, hoặc khó thở.

Người bị hen suyễn

Mùi hăng mạnh từ rau càng cua có thể gây kích thích đường hô hấp và gây khởi phát cơn hen suyễn đối với những người nhạy cảm.

Phụ nữ mang thai

Đối với phụ nữ mang thai hoặc những người có bất kỳ vấn đề về sức khỏe khác, hãy thảo luận với bác sĩ hoặc chuyên gia dinh dưỡng trước khi thêm rau càng cua vào chế độ ăn uống hàng ngày.

Lưu ý: Khi nấu rau càng cua không nên nấu chín kỹ quá sẽ làm mất các chất dinh dưỡng có trong rau.

Theo M.H (Gia đình & Xã hội)